Bao giờ Cánh diều vàng mang sứ mạng ngoại giao văn hóa?
VOV.VN -Trúng số đã “trúng vàng” là một bất ngờ với cả truyền thông và khán giả.
Với tiêu chí “Đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực”, phim “Trúng số”- đạo diễn Dustin Nguyễn, một phim hài, đã đoạt Cánh diều vàng mùa thứ 14 trong lễ trao giải Cánh diều 2015 do Hội Điện ảnh Việt Nam đã diễn ra vào tối 20/4 tại Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô, Hà Nội.
Ra rạp từ mùa Tết năm 2015, đây là phim hài được quay trong thời gian 18 ngày, kinh phí thấp, đạo diễn kiêm diễn viên chính, nhưng Trúng số đã “trúng vàng” là một bất ngờ với cả truyền thông và khán giả.
Được xem như là Oscar phim Việt tính từ lần đầu tiên năm 2003, ở mùa thứ 14 này, giải nghề nghiệp Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam (ĐAVN) vẫn đang trên đà để thật sự bay cao bay xa như ước muốn.
Trúng số đã “trúng vàng” là một bất ngờ với cả truyền thông và khán giả. |
Nghĩ về những "Vàng - Bạc lấp lánh" tại Cánh Diều
Cánh diều lần thứ 14 có 143 phim gửi về tranh giải gồm: 18 phim truyện điện ảnh, 16 phim truyền hình dài tập và 8 phim truyền hình 1 tập, 14 phim hoạt hình, 37 phim tài liệu, 12 phim khoa học, 33 phim ngắn, 6 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh. Nhưng sự tập trung của công chúng và truyền thông vẫn là phim điện ảnh - thước đo đánh giá chất lượng nền điện ảnh quốc gia.
7/18 phim dự Giải Cánh diều 2015 là phim Nhà nước, sự tham gia đông đảo từ trước tới nay, đặc biệt là sự có mặt của Điện ảnh Quân đội. Phim miền Nam làm kỹ hơn, cầu kỳ hơn, chú ý tới thị trường nhiều hơn phim miền Bắc, phim Việt có xu hướng quảng bá du lịch qua hình ảnh thiên nhiên long lanh…, là nhận xét chung của Ban giám khảo và nhiều nghệ sĩ, nhà báo đến xem phim dự giải.
Có thể thấy ngay cả phim Nhà nước đề tài cũng rất đa dạng, không chỉ có những phim “truyền thống” mang tính tuyên truyền như trước mà đã có phim nghệ thuật - thương mại tạo sự kiện khá ngoạn mục như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - Victor Vũ, hay đề tài lịch sử cổ trang, dân tộc thiểu số, số phận người phụ nữ trước cách mạng, hậu chiến tranh…
Còn phim của tư nhân thì đề tài nào cũng có, từ hài (thể loại không thể thiếu) đến tâm lý xã hội, hành động, viễn tưởng, phim kinh dị, đồng tính, người Việt xa xứ….
Trúng số , một phim hài với nội dung người tốt việc tốt, phim sạch sẽ chỉn chu dễ xem, nhưng còn thiếu tính sáng tạo mạnh mẽ của ngôn ngữ điện ảnh - tiêu chí quan trọng nhất để chấm giải của Hội điện ảnh – Hội nghề nghiệp. Phim đoạt Cánh diều vàng, chỉ như một sự trung hòa giữa những ý kiến trái chiều nhau của Ban giám khảo với những đề cử khác.
Các giải Cánh diều bạc nghiêng về phim Nhà nước: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Người trở về - Đặng Thái Huyền, Điện ảnh QĐND, Cuộc đời của Yến - Đinh Tuấn Vũ. Hai “bạc” cho hai phim cùng về số phận người phụ nữ, nhưng có thể thấy phim Người trở về kể câu chuyện cảm động hơn, sức ảnh hưởng của công chúng sâu rộng.
Cuộc đời của Yến. |
Giải “vàng” cho đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cũng là một bất ngờ không biết có phải là đổi mới tư duy của Ban giám khảo (Chủ tịch: Đạo diễn Đặng Nhật Minh) hay chỉ là một sự khuyến khích động viên nhân tố mới cho vui vẻ, trẻ hóa, bởi xét về tay nghề của đạo diễn này cho dù ở phim sau khá hơn phim trước vẫn rất non kém so với nhiều đạo diễn trẻ khác có phim tham dự.
Cánh diều vẫn thiếu gió để bay
Nếu chiếu theo tiêu chí của giải, qua những tác phẩm tham dự thấy rằng ĐAVN vẫn chưa thật sự đủ gió cho diều bay đúng như kỳ vọng.
Năm 2015 riêng phim điện ảnh có hơn 40 phim được sản xuất nhưng trong Cánh diều năm nay chỉ có 18 phim truyện điện ảnh tham dự theo tiêu chí của Ban Tổ chức: Nhà tiên tri, Người trở về, Trên đỉnh bình yên, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, 49 ngày, Bộ ba rắc rối, Ngày nảy ngày nay, Trúng số, Trót yêu, Bảo mẫu siêu quậy, Cầu vồng không sắc, Cuộc đời của Yến, Mỹ nhân, Đường xuyên rừng, Quyên, Gái già lắm chiêu, Ám ảnh, Siêu trộm.
Giải vàng, bạc chưa phải là tác phẩm mang tính tiêu biểu theo tiêu chí đề ra của giải Cánh diều, dù có “nhỉnh” hơn các phim khác, nên không có gì ngạc nhiên khi các phim còn lại bị “ra rìa”. Nhà tiên tri đề tài phim chân dung lãnh tụ nhưng cách làm cũ như phim của thời những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, thiếu thuyết phục, Mỹ nhân thô vụng nhạt nhẽo, lấy “mỹ nhân” để che lấp yếu kém của phim. Đường xuyên rừng đề tài chiến tranh, nội dung tốt nhưng về nghề thì chỉ như một phim mang màu sắc truyền hình. Trên đỉnh bình yên là phim về đề tài dân tộc nhưng nội dung cứ trượt đi đâu so với lời giới thiệu “phản ánh đời sống sinh hoạt và lao động giản dị nơi làng gốm truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm ở Nam Trung bộ…”.
Khi giới showbiz thành... nhà văn?
Bộ ba rắc rối dù là phim hài nhưng rất kém duyên hài của câu chuyện. Cầu vồng không sắc có yếu tố đồng tính, nhưng nhiều chi tiết gượng ép, thiếu yếu tố nghề nghiệp để có thể coi đây là một tác phẩm điện ảnh. Trót yêu, giống như một phim truyền hình nhiều tập rút gọn. Ngày nảy, ngày nay là sự xuống tay của đạo diễn Cường Ngô vì quá nhạt. Gái già lắm chiêu, Bảo mẫu siêu quậy, 49 ngày đều tạo cảm giác nhàm chán vì không có chiêu trò gì thú vị hấp dẫn, kể cả nội dung và hình ảnh. Quyên là một phiên bản điện ảnh của tác phẩm văn học thành công nhưng lại non tay trong cách kể lại câu chuyện và xử lý chi tiết hình ảnh nên thiếu sự hấp dẫn đáng có. Đặc biệt nhất và có thể nói là khá tốt về nghề, rất chuyên nghiệp, nhưng Siêu trộm cứ như lạc "tone" xa lạ với các phim Việt vì nó hoàn toàn là một phim theo đúng kiểu Hollywood của mấy thập niên trước.
Ngoài ra một số điểm yếu từ trước tới nay vẫn chưa khắc phục của phim Việt thể hiện rõ trong các phim tham dự giải. Âm nhạc trong nhiều phim theo nhạc sỹ Trọng Đài - một thành viên giám khảo không hài lòng, vì âm nhạc lý ra phải đóng vai trò như nhân vật dẫn dắt, thậm chí thay nhân vật biểu lộ cảm xúc…, nhưng nhiều khi chỉ là sự minh họa cho có âm nhạc, âm thanh.
Ninh Dương Lan Ngọc, Nhã Phương “thắng lớn” tại giải Cánh diều 2015
Gọi là phim điện ảnh, nhưng có lẽ phần lớn diễn viên không chuyên điện ảnh, nên phim bị sân khấu hóa cũng là một nhược điểm làm cho phim đã giả càng thêm giả, câu chuyện phim bị cường điệu và trở nên xa lạ.
Đạo diễn của nhiều phim vẫn tư duy cũ của cách làm phim từ mấy chục năm trước nên phim nói là “giành cho giới trẻ” nhưng thật sự rất “già”, thiếu sức trẻ để hấp dẫn, nhất là những phim mang yếu tố truyền thống, lịch sử…
Cánh diều lần thứ 14 đã có hạng mục phim điện ảnh ngắn, dù chất lượng của các phim tham dự có nhiều phim chỉ như là bài tập, nhưng đã lộ diện vài nhân tố trẻ, tài năng. Đây có thể là một tín hiệu mới cho giới làm phim trẻ VN hứng thú cho các mùa Cánh diều sau có nhiều phim chất lượng hơn tham gia.
Phim tài liệu Việt Nam: Bao giờ trở lại thời hoàng kim?
Riêng các thể loại khác vẫn cứ nhạt nhòa, ít thu hút và ít được quan tâm kể cả với truyền thông như phim truyền hình, phim video, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình, công trình lý luận phê bình điện ảnh… Bởi chính sức hút của các thể loại này cũng rất “mờ nhân ảnh”.
Vẫn là mong gió, đợi gió cho diều bay cao bay xa của ĐAVN như một mơ ước của công chúng yêu nghệ thuật thứ 7, yêu phim Việt. Điều này rất cần sự nỗ lực sáng tạo và đồi mới tư duy làm nghề đối với giới làm phim và cả với các cơ quan có trách nhiệm với ngành ĐAVN.
Hãy nghĩ đến những chân trời rộng mở hơn, để phim đoạt Cánh diều vàng- bạc thật sự là những sứ giả văn hóa Việt thực hiện sứ mạng ngoại giao văn hóa của mình.
Hy vọng mùa Cánh diều thứ 15 sẽ là mùa vàng lấp lánh đích thực./.
Phim truyện điện ảnh:
*** Cánh diều Vàng: Trúng số- Dustin Nguyễn
*** Cánh diều Bạc: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh- Victor Vũ.
Người trở về- Đặng Thái Huyền.
Cuộc đời của Yến- Đinh Tuấn Vũ.
*** Đạo diễn xuất sắc: Đinh Tuấn Vũ.
*** Diễn viên nam xuất sắc: Nguyễn Thanh Tú(Cầu vồng không sắc)
*** Diễn viên nữ xuất sắc: Ninh Dương Lan Ngọc(Trúng số)
*** Giải âm nhạc: Lê Cát Trọng Lý- Cuộc đời của Yến
*** Quay phim: K'Linh- Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
*** Biên kịch; Nguyễn Mạnh Tuấn- Trúng số.