Bầu “chủ tịch” lớp tiểu học không phải là sáng kiến tồi...
VOV.VN- Ý tưởng bầu chủ tịch hội đồng tự quản với học sinh bậc tiếu học không phải là sáng kiến tồi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng cần điều chỉnh đi chút ít
Câu chuyện bầu chủ tịch lớp khiến tôi nhớ lại kỷ niệm ngày xưa từng làm lớp trưởng theo sự chỉ định của cô giáo chủ nhiệm. Trường tôi là trường làng, hầu hết học sinh đều là con em nông dân, đi học cũng chẳng có ý thức sau này sẽ thành ông này bà nọ, mà đơn giản đi học cho vui, thậm chí thầy cô phải đến nhà vận động mới đi, không thì nhiều bạn sẵn sàng bỏ học… Thời ấy các bạn đến lớp thường rất mất trật tự, nói chuyện riêng nhiều, nhiều bạn cá biệt học không vào. Lớp trưởng là tôi được cô giáo giao 2 nhiệm vụ chính: Một là kèm cặp các bạn học yếu, hai là đảm bảo trật tự trong lớp.
Ảnh minh họa |
Giờ học, thay vì ngồi học như các học sinh khác, tôi được cô chủ nhiệm cấp cho một cái thước kẻ cắp sau lưng, liên tiếp đi tuần từ đầu lớp đến cuối lớp. Thấy bạn nào nói chuyện là cốc vào đầu hoặc vụt vào tay cho… chừa. Các bạn sợ tôi một phép, kể cả những đứa khỏe hơn tôi. Sau này, khi gia đình rời khỏi làng, tôi vào học cấp 3 còn nhiều bạn bỏ học, lấy vợ, cưới chồng. Khi trong họ có đám, về quê ăn cỗ, tôi vẫn bị xếp ngồi mâm trẻ con, các bạn thì được xếp mâm người lớn. Chúng nó cầm đũa chỉ tôi: Thằng kia! Ngày xưa mày làm lớp trưởng hay đánh tao lắm, không có cô chủ nhiệm thì “ông” (bà) dần chết mày rồi! Tôi chỉ biết đỏ mặt xấu hổ. Hóa ra mình cũng lạm quyền, hống hách, áp đặt hình thức cai trị bạo lực với các bạn vì mình có “bảo kê” của trên…
Ngành giáo dục mấy năm nay liên tục đưa ra nhiều sáng kiến đổi mới, có cái hay, cái dở, nhưng tôi cho rằng, sáng kiến bầu chủ tịch lớp với học sinh tiểu học không phải là sáng kiến tồi.
Trên chương trình “Theo dòng thời sự” của VOV1 sáng nay, một thứ trưởng Bộ giáo dục giải thích rằng sáng kiến lập hội đồng tự quản trong các lớp tiểu học để học sinh sớm làm quen với tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, giúp học sinh xây dựng ý thức tự giác, tinh thần làm việc nhóm. Các cháu được bầu làm “chủ tịch” có thể thay mặt học sinh bày tỏ ý kiến nguyện vọng với thầy cô, ban giám hiệu, có nơi là bày tỏ cả với lãnh đạo địa phương, qua đó nhà trường và chính quyền địa phương hướng dẫn lại, giải quyết nguyện vọng chính đáng của của các cháu…
Học sinh Việt mình yếu nhất là tính tự chủ và độc lập, cùng với kỹ năng làm việc theo nhóm. Đó là những điểm yếu chí tử, cũng đồng thời là nguyên nhân chính của nhiều thất bại khi phải tồn tại và cạnh tranh trong môi trường ngày càng mang tính toàn cầu hóa.
Nếu làm đúng như thế, sáng kiến này không tệ, thậm chí là một sự gieo mầm tích cực cho những sự phát triển rất lành mạnh của xã hội tương lai.
Những đứa trẻ được làm quen với không khí tranh cử dân chủ, minh bạch, được rèn luyện phong cách làm việc theo nhóm, đáp ứng theo nguyện vọng và ý chí của số đông, tương lai sẽ là những công dân tốt, những chủ nhân có trách nhiệm của xã hội và cộng đồng.
Chỉ có một góp ý nhỏ với Bộ Giáo dục & Đào tạo:
Nên cứ giữ nguyên chức danh “lớp trưởng” cho quen thuộc và khiêm tốn. Dùng chức danh “chủ tịch” với cháu ở lớp tiểu học nghe hơi khiên cưỡng và cũng phảng phất cái bệnh tham quyền lực, sính chức tước của nhiều người Việt bây giờ. Có một nhà nghiên cứu người Pháp đã từng nhận xét: Trong mỗi người Việt Nam đều thấp thoáng bóng dáng của một ông quan! Vậy nên, trong mọi trường hợp, nên tuyệt đối tránh khuynh hướng ảo tưởng, sính chức vụ của con trẻ. Nên dạy chúng tranh cử dân chủ, thành người đứng đầu lớp học là để phục vụ các bạn và bản thân mình tốt hơn, hoàn thiện bản thân hơn.
Chức danh lớp trưởng, lớp phó… không do thầy cô chủ nhiệm hay nhà trường chỉ định nữa mà chỉ nên hình thành từ bầu cử dân chủ trong lớp học. Có như vậy, các cháu học sinh mới có ý thức trong việc bầu chọn và tranh cử vị trí đứng đầu, cũng là để tránh cái bệnh tham quyền và lạm quyền như nhiều người trong thế hệ chúng tôi đã mắc phải.
Biết đâu đến một lúc nào đó, người lớn sẽ phải xoay sang học tập mô hình của ngành giáo dục và con trẻ./.