Bên mộ HS Tô Ngọc Vân ngẫm về danh vị, danh hiệu và danh dự
VOV.VN -Là con người khẳng khái, trọng danh dự, có lẽ với Tô Ngọc Vân và gia đình họa sỹ, mọi danh hiệu cũng chỉ là hư danh
LTS: Thời gian qua đã có rất nhiều tranh cãi về cái danh, cũng nhiều chuyện thật như bịa về cái danh. Nào là chuyện viết chức vụ lên thiếp cưới của một lãnh đạo cơ quan Phòng chống tham nhũng, một vài vị chức sắc khác thì bị phát hiện dùng bằng cấp giả…
Những chuyện nực cười về cái danh đã từng khiến một loạt các văn nghệ sỹ rút tên mình khỏi danh sách các giải thưởng danh giá.
Trong bối cảnh đó, tuần qua, VOV online có loạt bài “Đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho thầy giáo, hoạ sỹ, liệt sỹ Tô Ngọc Vân” đã khiến một số người không khỏi suy tư.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày mất của hoạ sỹ Tô Ngọc Vân, VOV online xin giới thiệu những suy nghĩ của nhà nghiên cứu, họa sỹ Trần Hậu Yên Thế - giảng viên Trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam về người Hiệu trưởng đầu tiên của Trường:
Danh họa Tô Ngọc Vân hy sinh khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Phần mộ của Ông được an táng trong nghĩa trang Mai Dịch. Nghĩa trang Mai Dịch được biết đến như là nơi an nghỉ cho các bậc công thần khai quốc, những người có đóng góp to lớn cho Tổ quốc trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học kỹ thuật.
Chính vì vậy, những dòng mộ chí ở đây đặc biệt nhấn mạnh đến thân thế sự nghiệp sinh thời của người đã khuất. Mộ chí ngoài việc ghi năm sinh năm mất, nơi sinh nơi mất còn đặc biệt chú trọng đến các chức vị, các danh hiệu, huân huy chương, giải thưởng… thể hiện những cống hiến của người nằm dưới mộ.
Giới mỹ thuật Việt Nam vinh dự có những tên tuổi lớn được an táng tại đây như: họa sỹ Tô Ngọc Vân, họa sỹ Trần Văn Cẩn, họa sỹ Nguyễn Phan Chánh và thi sỹ, nhạc sỹ, họa sỹ Văn Cao. Tô Ngọc Vân là người đến yên nghỉ sớm nhất ở đây. Phải chăng ông trời thấy thương cho một con người nhỏ bé đã dâng hiến tận tụy phụng sự cái Đẹp, phụng sự dân tộc, muốn sớm dành cho ông sự nghỉ ngơi?!
Mộ chí phản ánh không chỉ thân thế sự nghiệp của người đã khuất mà còn phản ánh cả những chiều sâu văn hóa và những hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Tôi đã hình dung những dòng chữ như Giáo sư, Huân chương Độc lập hạng Nhất, nguyên Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Việt Nam, nguyên Trưởng đoàn văn hóa kháng chiến, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật trên ngôi mộ của Ông. Nhưng sự thật giản dị hơn nhiều.
Mộ phần của Tô Ngọc Vân trong khu dành cho các liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.[1] Ngôi mộ của Ông cũng khiêm nhường như những người đồng đội khác. Rất nhiều bia mộ chỉ vẻn vẹn dòng chữ “Liệt sĩ”. Giữa chốn vô danh ấy, mộ chí của Ông có nơi sinh, ngày sinh, nơi mất, ngày mất và có thêm dòng chữ Họa sỹ.
Mộ chí biểu thị sự hoài niệm và ca tụng thân thế sự nghiệp của người đã khuất. Trong rất nhiều trường hợp, những dòng chữ trên bia mộ do chính những người nằm dưới mộ khi còn sống di huấn lại cho người thân để sau này viết lên. Trên bia mộ của văn sỹ Hemingway viết dòng chữ: Tôi e rằng tôi không thể đứng dậy! (I am afraid I do not up!). Đạo diễn huyền thoại Nhật Bản Yasujiro Ozu chỉ viết mỗi chữ “Không”. Tổng thống Pháp Charles de Gaulle cũng rất đặc biệt chỉ với hàng chữ: Charles de Gaulle. Thi sỹ John Keats là một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất thế kỷ XIX của nước Anh. Trên mộ chí của thi nhân ghi rằng: Nơi đây có một người nằm xuống mà tên tuổi của ông viết lên trên dòng nước (Here lies a man, his name written on water). Thật lãng mạn!
Đến viếng họa sỹ Tô Ngọc Vân giữa một chiều đông muộn, nắng vẫn còn vương trên tán cây đại bé nhỏ nghiêng mình bên ngôi mộ, để lại phía sau những ồn ào đường phố, đi qua những danh hiệu, danh vị, những huân huy chương, tôi thấy ông vẫn hiển hiện ở đây thật kiêu hãnh và tận tâm với chức phận họa sỹ.
Chắc sẽ không ít người phân vân, tại sao một danh họa xuất chúng của thế kỷ XX, một người có công lao vô cùng to lớn với sự nghiệp giáo dục mỹ thuật của Việt Nam, một người danh tiếng như vậy lại không được an táng trong khu vực của những nhân vật nổi tiếng khác, những đồng chí, đồng đội mà sinh thời cũng bằng vai phải lứa với Ông.
Nhưng hãy thử hình dung, kể từ khi đồng bào dân tộc chôn Ông bên đèo Lũng Lô đến nay, di hài Ông đã phải đào lên chôn xuống đến năm lần. Giữa những đồng đội vô danh, có lẽ Ông thấy mình thanh thản hơn, đây chính là nơi yên nghỉ đích thực.
Nhân 104 năm ngày sinh Tô Ngọc Vân, nhân 60 năm khóa Kháng chiến, 55 năm khóa Tô Ngọc Vân, ngày 15 tháng 12 năm 2010 Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam long trọng tổ chức buổi tọa đàm về thân thế sự nghiệp một người Thầy của rất nhiều thế hệ họa sỹ Việt Nam, đến dự có Nhà giáo Nhân dân, họa sỹ Nguyễn Thụ, Nhà giáo Ưu tú – họa sỹ Vũ Giáng Hương từng là học trò của Ông. Trong trao đổi với GS. Tô Ngọc Thanh – con trai trưởng của danh họa Tô Ngọc Vân, Ban Giám hiệu nhà Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam bày tỏ mong muốn được nhà nước và chính phủ truy tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho vị Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Gần đây Hội đồng xét tặng danh hiệu NGND và NGƯT cấp nhà nước đã truy tặng những danh hiệu cao quý này cho những nhà giáo đã nghỉ hưu hoặc đã mất. Ngày 17/11/2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã chính thức ra quyết định truy tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” cho Cố Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thiệu Tống.
Là con người khẳng khái, trọng danh dự, có lẽ với Tô Ngọc Vân và gia đình họa sỹ, mọi danh hiệu cũng chỉ là hư danh. Nhưng với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, để tri ân công đức của người Thầy, đó là việc rất đáng nên làm của thế hệ sau với tiền nhân.
Chúng ta đang đã có những đường phố mang tên Tô Ngọc Vân trên nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam, nhưng chúng ta còn thiếu những Giải thưởng Mỹ thuật, những Quỹ học bổng mang tên Ông. Phải nhắc lại rằng, những điều danh giá ấy cần cho những người đang sống, cho thể diện của chúng ta hôm nay./.
[1] Theo kể lại của gia đình cơ quan cho bốc mộ Tô Ngọc Vân, đưa về an táng tại nghĩa trang Hợp Thiện (nằm cạnh đường đi Hà Đông, nay là phố Nguyễn Trãi). An táng chưa được lâu, người ta dọn mặt bằng xây nhà máy, hài cốt nhà danh hoạ lại được chuyển lên nghĩa trang Mai Dịch, khi đó dùng để mai táng những người hy sinh trong đêm 19/12/1946. Một thời gian sau đó, nghĩa trang Mai Dịch được xây mới, nâng cấp thành nghĩa trang quốc gia, mộ hoạ sĩ lại được đặt ở chỗ khác trong khu cho hợp với quy hoạch.
>> Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ quên một nhà giáo lớn?