Blog Cỏ: Tết xa nhà

(VOV) -Tết xa nhà, nhớ da diết những gì đã trở thành đặc trưng của Tết Việt.


Tết xa nhà, xa lắm, nhớ về Hà nội người người ùn ùn đi sắm Tết để rồi đến sáng mùng 1 lại vắng tanh đến kỳ lạ và thích thú; nhớ Sài Gòn nắng vàng chói chang, hoa mai, hoa cúc, hoa hướng dương cũng một sắc vàng rực rỡ. Nhớ những bữa ăn uống đông đúc liên miên mấy ngày Tết, nhà nào cũng đủ các món giống nhau như canh măng, nem, bóng xào, bánh chưng, giò lụa, giò thủ… đến mức nhiều khi thấy «sợ».

Tết xa nhà, những thói quen truyền thống vẫn được lưu giữ, nhưng với cố gắng nhiều hơn của những người con xa quê. Từ hàng tháng trước, lá dong, lá riềng, lạt, đỗ, gạo nếp, bánh đa nem … được gửi sang từ Việt Nam, với sự nâng niu  cân nhắc từng kilôgram của người nhà gửi đi, sự nhiệt tình của người nhận mang giúp và cuối cùng là sự sung sướng vô cùng của người được nhận đồ. Không gì quý hơn khi anh chị em chia sẻ cho nhau từng chút một quà quê nhà, hay cùng sum vầy bên một bữa cơm ngày Tết, sau khi đã cúng ông bà tổ tiên.

Phóng viên đi công tác có dịp cùng bà con người Việt gói bánh chưng đón Tết 



Anh em báo chí được đi xuống tỉnh, cùng bà con thịt lợn, gói bánh chưng, làm giò chả, cuốn nem, làm cơm đón Tết; người người quây quần, tiếng cười  nói xôn xao, trẻ con nô đùa, mùi «Tết» thơm nức từ trong bếp ra ngoài sân… Đúng cảm giác Tết! Cùng ăn cơm rồi nhâm nhi chén trà mạn, cùng hát những bài ca quê hương đến tận đêm khuya, thức trắng cùng trông nồi bánh chưng nghi ngút sôi trên bếp củi hồng ngoài sân, bất chấp thời tiết giá lạnh và mưa đá lác đác.

Tết xa nhà, khó lắm để kiếm một cành đào hay cây quất nhỏ. Không dễ để đun được một nồi bánh chưng trên bếp củi hồng, bởi có khi hàng xóm thấy khói nghi ngút lại gọi lính cứu hỏa. Hay đơn giản kiểm được một con gà làm sẵn còn đủ đầu đủ chân để cúng cũng thành điều khó khăn! Còn nếu không phải đi tỉnh xa, mua gà về nuôi từ một tuần trước, để dành thịt cúng Giao thừa. Cố gắng một chút nhưng đổi lại, được cảm nhận có «Tết» thực sự trong lòng, trong gia đình nhỏ của mình dù nơi đất khách quê người.

30 Tết, cũng cắt tiết thịt gà trống, đồ xôi để cúng đêm Giao thừa. Anh chị em nhiều khi tranh luận là cúng theo giờ Việt nam hay giờ nước sở tại (Giao thừa ở Việt Nam thì tại Pháp là 6h chiều)… nhưng tranh luận một hồi lại đúc kết lại là sao cũng được, quan trọng là có lòng thành đối với ông bà tổ tiên.

Nghề phóng viên, lúc bà con vui chơi thì ta làm việc. Đi đưa tin bà con đón Giao thừa về, cùng bà con nghe Chủ tịch nước đọc lời chúc Tết; rồi về đến nhà xẻ thịt gà và xôi cúng Giao thừa ra để ăn… rồi ngỡ ngàng một chút… bây giờ ở Pháp mới là 8h tối. Giờ này ở Việt nam, cúng giao thừa xong là lại đi ngủ rồi.

Tết xa nhà, ngày 30 hay mùng 1, mùng 2, Tây vẫn làm việc, chợ vẫn mở, mọi hoạt động bình thường, trẻ con vẫn phải đi học. Còn mình, trong tâm tưởng, vẫn tự nhủ mình đang ăn Tết của quê mình. Nhiều khi thấy mình như kẻ «mộng du», cảm giác khang khác kỳ lạ, lẫn lộn ngày giờ «ở đây» và «ở nhà». Vẫn đi chùa sáng mùng 1, mừng tuổi con cháu, làm cơm cúng đủ mấy ngày Tết, rồi hóa vàng như ở nhà vẫn thường làm với mẹ.           

Tết xa nhà, nhớ da diết những gì đã trở thành đặc trưng của Tết Việt. Nhưng có lẽ phải đi xa một tí, rồi từ đó nhìn về, mới cảm nhận lại được những giá trị truyền thống mà nhiều khi mình ở gần quá lại làm mình thấy bình thường./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên