Blog Hưng: Những chuyện vặt ở Paris

Ở thủ đô Paris có những hình ảnh lặp đi lặp lại khiến người ta không thể không suy nghĩ, ấy là chuyện những người đi kiếm tiền vặt.

Có người cho rằng họ gây phiền toái, nhưng cũng có người cho rằng họ tạo nên sự đa sắc màu của Paris.

Đi lại bên trong thủ đô Paris, tiện nhất là đi bằng tàu điện ngầm (tiếng Pháp gọi là Metro). Chỉ cần tưởng tượng rằng khoảng 5 triệu người sử dụng tàu điện ngầm mỗi ngày đều tràn lên đường, giao thông ở Paris sẽ trở nên hỗn loạn như thế nào. Người Paris thường lấy lại câu thơ của nhà thơ Pháp Pierre Béam: “Metro, Boulot, Dodo” (dịch nguyên là: Tàu điện ngầm, công việc, giấc ngủ), có nghĩa là: Sáng dùng tàu điện ngầm, ngày thì làm việc, còn buổi tối trở về và đi ngủ. Đại ý nói rằng cuộc sống ở Paris thật đơn điệu và buồn tẻ, con người như những cỗ máy.

Chơi đàn phục vụ khách du lịch cũng là một cách kiếm tiền

Thế nên đối với nhiều người, tàu điện ngầm ở Paris bớt tẻ nhạt hơn khi có sự hiện diện của những người kiếm tiền vặt.

Số là khi bước xuống đường hầm vào bến chờ metro, tôi nghe tiếng đàn violon réo rắt rất hấp dẫn. Theo bản năng của mình, tôi đi về hướng có tiếng đàn và bắt gặp một phụ nữ trẻ tuổi đang say sưa với bản nhạc của mình. Phía trước cô gái là chiếc hộp đàn đang để mở. Người Paris vốn rất vội vã và lúc nào cũng bước rất nhanh, nhưng trước tiếng đàn violon của cô gái trẻ, thỉnh thoảng vẫn có người dừng lại đôi chút, thưởng thức rồi bỏ vài đồng xu nhỏ vào chiếc hộp đàn. Cứ như vậy, người nghệ sỹ trẻ tiếp tục bản nhạc vô tận của mình.

Không kìm nổi cảm xúc, chúng tôi kéo máy ảnh của mình ra để cố lưu lại một giây phút đáng nhớ. Nhưng do không chuẩn bị sẵn, nên chúng tôi phải mất một chút thời gian để điều chỉnh máy ảnh cho phù hợp với nguồn sáng từ ánh điện vàng trong đường hầm. Bỗng nhiên người phụ nữ dừng đàn và hướng về chúng tôi nói cao giọng: “Một giây thì không sao, nhưng mười giây thì không thể chấp nhận được” - cô gái nói. Tất nhiên, sau khi nghe chúng tôi giải thích, cô gái cũng có vẻ hiểu ra. Tôi bỏ vài đồng xu vào hộp đàn và chào cô để tiếp tục hành trình. Cô gái đó đang làm công việc của mình để kiếm những đồng tiền ít ỏi một cách chân chính và tôi đã làm phiền cô.

Cô gái kéo Violon trong Metro

Lên metro, đi hết 3 bến mà tôi vẫn còn thấy vấn vương với hình ảnh cô gái chơi đàn để kiếm tiền. Có thể cô còn đang là sinh viên và cần tiền để trang trải chi phí sinh hoạt cuộc sống và học tập vốn rất đắt đỏ ở thủ đô nước Pháp. Rồi tàu cũng đến ga mới. Cửa mở và những cô gái Pháp trẻ đẹp bước vào làm chúng tôi tạm quên đi chuyện xảy ra hồi nãy. Một cô gái tóc vàng, mắt xanh vừa kịp ngồi xuống ghế, thì ngay lập tức có một anh chàng tóc vàng hoe bước vào và đứng ngay bên cạnh, bám vào chiếc cột giữa toa tàu rồi hát vang một bài hát lạ.

Không biết tên, nhưng nghe giai điệu và loáng thoáng câu từ thì chúng tôi tạm hiểu đó là một bài hát nói về tình yêu. Mà anh chàng hát rất to. Đúng là lãng mạn như người Pháp! Rồi khi bài hát kết thúc, anh chàng người Pháp đi xung quanh hỏi mọi người có thích bài hát đó không. Có mấy quý cô người Pháp khen anh ta hát hay và lấy tiền xu đưa cho anh ta. Thì ra anh ta lên metro hát là để kiếm tiền, chứ không phải là bám theo cô gái đẹp để tán tỉnh như tôi nghĩ!

Cũng trên metro, tôi nhiều lần gặp một người đàn ông tuổi ngoài 40. Ông ta lặng lẽ đặt trước ghế trống của các hành khách một mảnh giấy, trong đó có ghi rằng anh đang bị mất việc làm và có con nhỏ cần chăm sóc, xin mọi người tỏ lòng hảo tâm. Đặt giấy hết một lượt, ông ta đứng độ 15 giây ở cuối toa tàu. Chỉ có vài người hào phóng bỏ chút tiền xu đặt vào tờ giấy. Rồi cũng lặng lẽ như khi đi đặt, ông ta lặng lẽ đi nhặt lại những tờ giấy và những đồng xu hiếm hoi mà hành khách bỏ ra. Nhìn những tờ giấy có phần nhàu nát, chúng tôi hiểu rằng ông ta đã xin tiền theo cách này khá nhiều và số tiền ông thu được cũng không được là bao. Nhưng có một điều chắc chắn là ông ta luôn cố gắng thật lặng lẽ và không tỏ thái độ làm phiền hành khách, dù hành khách có cho tiền hay không.

Phía trên một bến metro gần tháp Eiffel, tôi gặp một nhóm người tay cầm một xấp giấy trắng và một chiếc bút chì. Khi khách du lịch đi qua, họ nói bằng tiếng Anh rất nhã nhặn, đại ý rằng họ là những hoạ sỹ trẻ rất muốn lưu lại những đường nét trên gương mặt của khách du lịch. Thỉnh thoảng lại có người dừng lại và ngồi ngay bên lan can vườn hoa bên cạnh cho các hoạ sỹ đường phố thể hiện tay nghề. Tôi đứng lại chứng kiến một hoạ sỹ vẽ chân dung cho một cô gái trẻ. Thật tài tình, chỉ với một số nét vẽ phác thảo và thời gian không quá lâu, nhưng thần thái của cô gái trẻ đã được thể hiện qua từng nét vẽ. Số tiền khách phải bỏ ra không đáng kể, còn nếu hài lòng, khách du lịch có thể cho thêm và đương nhiên sau đó, sẽ nhận được lời cảm ơn chân thành của các hoạ sỹ đường phố.

Vẽ tranh cho khách du lịch

Cũng giống như ở thủ đô của nhiều nước châu Âu, ở những địa điểm có đông khách du lịch như Nhà thờ Đức bà, đồi Montmartre..., khách tham quan dễ dàng bắt gặp những pho tượng giống như thật do người cải trang và làm tư thế. Tôi thấy họ giống như những nghệ sỹ tô điểm thêm cho các công trình kiến trúc vốn đã rất độc đáo của thủ đô Paris. Ai có nhu cầu chụp một bức hình kỷ niệm, chỉ cần tiến tới gần tượng và làm dáng. Một vài đồng xu lẻ sẽ giúp cho những “nghệ sỹ đường phố” này hài lòng và cũng là giúp họ tiếp tục cuộc sống không dễ dàng gì trong thời khủng hoảng kinh tế ở cả châu Âu, và Paris không phải là ngoại lệ.

Thủ đô nước Pháp đã lưu lại trong tôi khá nhiều kỷ niệm. Ngoài những công trình kiến trúc cổ thơ mộng, hình ảnh những người kiếm tiền biết tự trọng và tôn trọng sự tự do của những người xung quanh tạo ấn tượng thật khó phai mờ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên