Blog Khoai: Bức xúc “bệnh đái…đường”

Blog tòa soạn xin giới thiệu một góc nhìn rất đời thường nhưng cũng không kém bức xúc…

Thật chả ra làm sao khi đang đi đường mà lại phải quay mặt đi vì xấu hổ bởi nhìn thấy người đàn ông úp mặt vào gốc cây do mắc “bệnh đái…đường”. Người ta đang làm bậy mà chẳng ngại, mình lại phải xấu hổ thay!

Căn bệnh trầm kha này không chỉ tàn phá... đường, gây ô nhiễm môi trường mà còn làm xấu hình ảnh về con người, và đất nước Việt Nam.

“Triệu chứng lâm sàng” của “bệnh đái đường” ngang nhiên bày ra tại những nơi công cộng như bến xe, công viên, các tuyến đường, ven hồ hay trên các tuyến đường, con phố và ngõ ngách. Hễ cữ thấy đàn ông úp mặt vào tường hay gốc cây, là người có lòng tự trọng lại vội vàng xấu hổ quay đi.

Trên tuyến đường dài thì khỏi phải nói, chuyện “tè” giữa đường là việc đương nhiên, đàn ông thì đứng ngay bên vệ đường, phụ nữ thì “tế nhị” hơn một chút, băng qua đường tàu và chui vào lùm cây.

Đã từng có chuyện một nhà thơ xây toilet trên đèo Hải Vân để…kinh doanh và cũng là để giữ gìn vệ sinh cho con đèo bồng bềnh mây trắng trên dặm trường thiên lý Bắc Nam.

Đau nhất, ở ngay giữa thủ đô, việc “tè” bậy cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”. Có những con phố cắm đến hàng chục tấm biển cấm đái bậy, mà những chỗ ấy thường loang lổ, hôi thối và đầy rác rưởi. “Nạn nhân” phải hứng chịu những làn “nước nóng” thường là các bờ tường, cột điện, thân cây, ven hồ, hay dọc các con sông, mương máng, cống rãnh. Thậm chí ở gần các khu danh lam thắng cảnh như Văn Miếu, Hồ Gươm, các khách sạn sang trọng như Melia, Hilton, thì bệnh này vẫn hoành hành.

Không ít khách du lịch nước ngoài đến thủ đô Hà Nội thắc mắc về cái tấm biển viết tay về cấm đái bậy. Họ nói ở Việt Nam có rất nhiều “bay (vịnh)” đẹp và nổi tiếng như “Ha Long bay”, “Cam Ranh bay”, “Van Phong bay”, nhưng “Cam dai bay” thì họ không biết nằm ở đâu mà giới thiệu nhiều thế?!

Những người mắc bệnh “đái đường” tự bào chữa rằng họ làm cái việc đó là bất đắc dĩ, là sau khi đấu tranh tư tưởng và nhịn không nổi mà vẫn không tìm được nơi để “giải quyết nỗi buồn”. Có lẽ, đa phần những lời phân trần trên chỉ là ngụy biện, không ít nhà vệ sinh công cộng trên các tuyến phố mà người ta có vào đâu, thậm chí đứng ngay ở cửa nhà vệ sinh công cộng để “giải quyết” vì…tiếc tiền!

Chuyện “giải quyết đầu ra” là nhu cầu “thiết yếu” hàng ngày của bất cứ ai, nên việc đáp ứng nhu cầu này về số lượng và chất lượng là việc hôm nay chớ để ngày mai.

Tôi nhớ lần tham dự hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 15) tại Đan Mạch, do quá đông người xếp hàng trước cửa trung tâm hội nghị Bella nên ban tổ chức đã phải lắp đặt hệ thống “toilet di động” để giúp các đại biểu “giải quyết nhu cầu” tại chỗ. Ở Việt Nam ta, nhiều khi du khách “khóc dở mếu dở” khi tham gia vào những sự kiện lớn như Đại lễ ngàn năm Thăng Long Hà Nội hay xem bắn pháo hoa ở quanh hồ Hoàn Kiếm.

Những tưởng chỉ có vùng quê nghèo chiêm trũng được mệnh danh là “cầu tõm” của tôi thì người dân lam lũ quê mùa mới “người lớn thì ở bờ ao, trẻ con thì ở chỗ nào cũng xong”. Ấy vậy mà chuyện phản văn hóa này, buồn thay, đã trở thành một nét đặc trưng trong sinh hoạt hàng ngày của thủ đô yêu dấu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên