Blog Lão Phạm: Đừng đau lòng nữa!

Hai cái sự đau lòng ồn ào nhất tháng 11, khiến báo chí tốn nhiều giấy mực nhất, là nỗi đau của ông Tổng Giám đốc Điện lực và bà Bộ trưởng Bộ Y tế

LTS: Anh Phạm Trung Tuyến (bút danh Lão Phạm) là một nhà báo có cá tính của Đài TNVN. Anh từng là người dẫn chương trình Bạn hãy nói với tôi của VOV 2, và hiện là phóng viên, biên tập viên, người dẫn chương trình trên Kênh VOV Giao thông. VOV online xin giới thiệu một trang blog của anh:

Dạo này trên báo chí người ta hay nói về cái sự “đau lòng”. Gõ từ khóa này trên Google, sau 0,36 giây sẽ có tới hơn 6.400.000 kết quả chứa hai chữ “đau lòng”, chủ yếu là tít bài. Người ta đau lòng vì đủ thứ, đau vì tiền, vì tình, đau nỗi đau nhân thế… Hơn 6 triệu cái nỗi đau, nhưng không phải cái nỗi “đau lòng” nào cũng giống nhau. Thường thì hai chữ đau lòng khiến người ta ngậm ngùi, nhưng có những chữ đau lòng khiến người đọc… tủi thân.

Hai cái sự đau lòng ồn ào nhất tháng 11, khiến báo chí tốn nhiều giấy mực nhất, là nỗi đau của ông Tổng Giám đốc Điện lực và bà Bộ trưởng Bộ Y tế. Đó là những nỗi đau khiến người đọc tủi thân.

Nỗi đau của ông Phạm Lê Thanh, sếp Tổng EVN thì đã quá nực cười. Khi ông vừa thổ lộ sự “đau lòng” vì mức lương bình quân 7,3 triệu đồng của nhân viên ngành điện thì lập tức nỗi niềm ấy bị ném đá tơi bời. Nỗi tủi của công chúng xung quanh chuyện này cũng dễ hiểu khi mà đa số người lao động trong các ngành nghề khác phải sống với mức lương chỉ bằng 1/3 thu nhập bình quân dân ngành điện.

Chuyện có thể nhiều người không nhớ, rằng: Có cậu ấm con quan thấy có người chết ngoài đường. Hỏi: Sao chết? – Người hầu bảo: Vì đói, vì không có cơm ăn. - Ấm bảo: Không có cơm ăn sao không ngậm sâm cho khỏi đói? – Bởi vậy, cái sự “đau lòng” của sếp tổng ngành điện dẫu có khiến công chúng tủi thân nhưng còn cảm thông được.

Sự đau lòng mới hơn, ồn ào là của bà Bộ trưởng Bộ Y tế. Trong buổi làm việc với TpHCM về vấn đề giảm tải bệnh viện hôm 29/11 vừa qua, bà bày tỏ: “Nhìn thấy bệnh nhân nằm trên, nằm dưới, nằm hành lang, một giường dồn hai ba người tôi cảm thấy đau đớn, không một quốc gia nào trong khu vực, bệnh viện lại quá tải như ở Việt Nam”

Những cái mà bà Bộ trưởng nhìn thấy ở bệnh viện, người ta vẫn nhìn thấy cả chục năm nay rồi. Và nếu phải phát biểu về những điều trông thấy đó thì bất cứ ai cũng sẽ nói rằng “đau đớn lòng”. Thế nhưng, nỗi đau hiển nhiên ấy thì tôi khó mà chia sẻ gì.

Bởi Bộ trưởng là người phải chịu trách nhiệm về nỗi đau này. Và người dân sẽ chờ đợi một hành động cụ thể, và hiệu quả sau nỗi đau của bà Bộ trưởng. Giống như họ đã chờ đợi một người tiền nhiệm của bà, người mà vào một ngày thu tháng 8/2007 đã hứa như đinh đóng cột rằng: Tình trạng 2, 3 người dân nằm chung một giường bệnh sẽ được cải thiện sau 3 năm nữa.

Ba năm sau, cũng vào một ngày thu, khi đang ngồi trông người nhà trong bệnh viện, cạnh cái giường bệnh có 4 người đang truyền máu, hơn 50 con người trong phòng bệnh chỉ 30 m2 nghe radio và thấy rõ tiếng cười trừ của Bộ trưởng Bộ Y tế khi được Quốc hội chất vấn nội dung này.

Tôi hi vọng sau một, hoặc hai, thậm chí là ba năm nữa được chia sẻ cùng bà Bộ trưởng sự hài lòng về hệ thống bệnh viện công./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên