Blog Ngô: Bệnh thành tích- tại anh tại ả tại cả… chính quyền
(VOV) -“Con gà tức nhau tiếng gáy” nên cuộc chạy đua thành tích gian dối của địa phương lan nhanh như cháy rừng
Trong một bài phỏng vấn trên báo Lao Động, GS. Trần Ngọc Thêm chỉ ra “4 trọng bệnh” của giáo dục nước nhà, trong đó bệnh thành tích đứng đầu. GS chẩn bệnh không sai và đây cũng là ý kiến của nhiều người. Nhưng suy cho cùng, bệnh thành tích gian dối không hoàn toàn do ngành giáo dục gây ra vì hoạt động giáo dục còn chịu sự tác động và chi phối của chính quyền.
Hiện nay, lĩnh vực nhân sự và tài chính của giáo dục phổ thông đều do chính quyền địa phương kiểm soát. Vì thế chính quyền, từ quận huyện cho tới tỉnh thành phố, có tiếng nói nặng ký với các trường trên địa bàn.
Chính vì có sự can thiệp mạnh mẽ từ chính quyền nên bệnh thành tích ở các trường hiện nay có cả nguyên nhân chủ quan (từ phía ngành - BộGD&ĐT) và nguyên nhân khách quan (từ chính quyền sở tại).
Nếu giáo dục tốt thì giới chức chính quyền cũng vinh dự và hãnh diện. Đó là sự tự hào chân chính. Nhưng khi ai đó bằng mọi giá xem giáo dục như một công cụ để đánh bóng, để tạo uy tín, gây thanh thế cho cá nhân hay địa phương mình, thì lúc đó, sự chính đáng và lành mạnh của hai chữ “thành tích” rất dễ sa vào sự gian dối.
“Con gà tức nhau tiếng gáy” nên cuộc chạy đua thành tích gian dối ấy của địa phương lan nhanh như cháy rừng, nhất là khi xã hội (hay ngành giáo dục) chưa có một cơ chế kiểm soát nghiêm chỉnh và đáng tin cậy.
Nói một cách khác, bản thân ngành giáo dục (cụ thể là các trường) cũng không đủ sức mạnh và sự độc lập cần thiết để đứng vững trước sự lợi dụng đầy toan tính của giới chức địa phương nên đành lòng chiều theo với hy vọng được yên thân, được ghi nhận để họ tạo điều kiện thuận lợi trong hai lĩnh vực cốt tử là nhân sự và tài chính.
Còn nhớ khoảng năm 2006-2007, Bộ GD-ĐT đã tiên phong tổ chức hội thảo về thi đua với quyết tâm ban đầu là không hoàn toàn căn cứ vào tỷ lệ giỏi khá, tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh để đánh giá thi đua… Rốt cuộc, kết luận hội thảo cũng chưa rõ ràng, việc thực hiện ở các trường cũng chẳng đâu vào đâu. Trong khi đó, để hùa theo phong trào thành tích ảo mà giới chức một số địa phương bật đèn xanh, các trường (và có thể của cả ngành giáo dục) đẻ ra đủ thứ chuẩn và thi thố để hơn thua.
Một số giáo viên xoay sở kiếm cái danh hiệu dạy giỏi để được đứng lớp chọn. Từ đó mong nhàn thân và là cơ hội để lôi kéo học sinh học thêm. Trường cũng mải mê với danh hiệu trường chuẩn để thu hút học sinh, tăng uy tín, mức đầu tư và nhiều lợi ích khác. Bên cạnh đó, tỷ lệ học sinh khá giỏi, tốt nghiệp bao nhiêu %; số giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn, giáo viên dạy giỏi các cấp… là những con số để gây thanh thế cho nhà trường, kêu gọi dự án của ngành; với cá nhân thì hy vọng được để mắt và cất nhắc.
Nếu những cái chuẩn và danh hiệu ấy là đích thực, phục vụ cho giáo dục, cho học sinh thì chẳng nói làm gì. Nhưng ở ta, nhiều cái vớ vẩn cứ núp bóng cái đúng, lại được ngụy trang dưới những cái tên mỹ miều như thế.
Cả một vòng xoáy quay cuồng ấy không hề giảm mà lan nhanh, bùng lên ngày một dữ dội để đến hôm nay GS Trần Ngọc Thêm phải đau xót nói rằng “Giáo dục hỏng một cách căn bản và toàn diện”. Chỉ xin thưa cùng GS, không phải riêng ngành giáo dục gây ra bệnh thành tích. Chỉ buồn là ngành đã không đủ sức mạnh cần thiết để níu giữ sự thanh khiết và cao đẹp lẽ ra phải có. Nếu ai còn ngờ vực thì cứ nhìn vào “Hai không” mà xem./.