Blog Ngô: Chuyện giao thông ở ta và ở… cạnh ta

Đôi khi sự vi phạm giao thông ở Việt Nam hồn nhiên và bị ép buộc một cách tức tưởi!  

LTS: Nhà báo Ngô Thiệu Phong đang làm việc tại Hệ VOV2, Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh là tác giả của phóng sự “Tiếng cối xay ngô và tiếng Kèn lá gọi bạn tình”, vừa đoạt Giải Đồng - Giải thưởng Phát thanh Quốc tế lần thứ 23 do Hiệp hội Phát thanh và Truyền hình Quốc tế (URTI) tổ chức. VOV online giới thiệu góc nhìn của anh.  

Nếu hỏi 10 người nước ngoài từng đến Việt Nam rằng họ sợ cái gì nhất thì chắc 8 người trả lời sợ giao thông nhất.  

Mỗi lần ngang qua Tràng Tiền, thấy người nước ngoài miệng nói tay chỉ giương máy ảnh chụp chụp cái ngã tư đặc người là tôi rất xấu hổ, có cảm giác như bị ai đó xúc phạm dẫu cho dạ bảo lòng rằng những bức ảnh ấy đang quảng bá cho “vẻ đẹp tiềm ẩn” và “điểm đến thân thiện”!  

Cách đây mấy năm, một Giáo sư nổi tiếng người Mỹ sang nói chuyện với giáo viên và học sinh một số trường ĐH ở Việt Nam. May mắn tôi được ngồi cùng xe với vị GS. tên tuổi này từ khách sạn tới một trường ĐH. Trên đường đi, một chiếc xe rác màu xanh to đùng có chữ VÌ MÔI TRƯỜNG to tướng in bên hông cứ đấm còi choang choác đòi vượt. Ngồi trên xe đóng cửa kính mà vẫn cứ thấy toe toe dội vào tai, bực mình, anh lái xe chở chúng tôi thong thả hạ kính, thò tay trái ra ngoài, ngón trỏ và ngón giữa ngoắc vào nhau rồi uốn cong lên thành một hình rất tục. Từ lúc ấy xe sau tịt còi luôn. 

Lần đầu đến Việt Nam, vị khách nước ngoài lạ lắm hỏi ký hiệu gì mà hay thế, xe sau hết còi luôn vậy. Tôi chẳng biết trả lời thế nào đành nói đó là ký hiệu trên xe có GS. Vị GS xúc động lắm nói sẽ phổ biến sáng kiến này khi về nước Mỹ. 

Dân Tây sang Việt Nam phổ biến cho nhau một kinh nghiệm đi đường, đó là eye contact.  Có nghĩa cứ nhìn vào mắt người tham gia giao thông hoặc làm sao để họ thấy mình là không bị đâm… chết. Tây thực dụng mà cũng thâm ghê! Ý nói ở Việt Nam đi đường không cần nhìn đường, nhìn đèn, nhìn biển báo… mà chỉ cần nhìn vào mắt. Quá đúng, vì bệnh “ngứa mắt” và tật “nhìn đểu” chỉ có ở ta.  

Mấy năm gần đây người Việt giàu lên, ô tô đầy đường, ô tô xịn tiền tỷ không thiếu, nhưng thiếu chỗ để.  Nhiều nơi ở thủ đô người ta cho xe đỗ lên vỉa hè. Thương cho cái vỉa hè hơn 3m nay phải cõng thêm chức năng mới. Thương  người đi bộ bỗng dưng phải đi bộ dưới lòng đường. Đôi khi sự vi phạm giao thông ở Việt Nam hồn nhiên và bị ép buộc tức tưởi như thế. 

Tôi có dịp được sang hai nước láng giềng là Malaysia và Philippines. Phố chính cũng tắc kinh nhưng không thấy tiếng còi. Một hôm đang lớ ngớ đứng ở một ngã tư vắng hoe thì một chiếc xe ô tô giảm tốc độ rồi đỗ xịch trước mặt, người lái xe hất đầu ra hiệu cho tôi qua đường, chờ tôi qua hết vạch sang đường xe mới đi tiếp cho dù chẳng có đèn tín hiệu, chẳng có cảnh sát. Văn minh! 

Philippines cũng tắc đường nhưng tiếng còi xe rất ít. Cũng giống như ở Malaysia, xe đi trong thành phố với tốc độ khá cao nhưng chỉ cần giơ tay làm dấu sang đường là xe dừng. 

Cảnh sát Philippines điều hành giao thông không phải bằng gậy, bằng dùi cui mà bằng một chiếc găng tay da to, màu trắng, có vạch sơn phản quang, tựa như găng của mấy anh chơi bóng chày; bên hông không đeo súng và còng số 8 mà thay vào đó là túi cứu thương. Ngắm họ điều hành giao thông thấy thân thiện chứ không thấy… sợ. Có mấy ngày ở Manila nên chưa thấy đua xe. Chẳng biết họ có sáng kiến gì hơn việc dùng lưới như ở ta không?!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên