Blog Ngô: Không là “con trẻ” nhưng cũng không phải “thanh tra”!

Không nên cổ vũ thí sinh làm cái việc mà tất cả chúng ta biết thừa là vô cùng khó khăn, nguy hiểm và không thuộc trách nhiệm của mình

Một độc giả khi đọc bài “Đừng mượn tay còn trẻ” trên Blog VOV.VN nói tôi đánh tráo khái niệm. Thí sinh thi ĐH đã đủ 18 tuổi, có quyền bầu cử và họ ý thức, họ chịu trách nhiệm việc họ làm. Họ không phải là “con trẻ” nữa. 

Tôi cảm ơn vị độc giả đã phản biện và cũng khẳng định lại, tôi không phản đối thí sinh tố giác gian lận, nhưng không thể khuyến khích, nhất là trong phòng thi, nơi các em là chủ thể, đang phải căng thẳng làm bài để so kè nhau từng điểm. Công dân 18 tuổi chịu trách nhiệm việc mình làm, nhưng vấn đề chính chúng ta đang bàn ở đây là: Có nên hay không nên khuyến khích việc làm đó?   

Thứ hai, bầu cử là quyền và nghĩa vụ. Còn việc tố giác gian lận phòng thi liệu có thể coi là nghĩa vụ buộc thí sinh phải làm? Trong khi đó các bộ phận có trách nhiệm giữ kỷ cương phòng thi như giám thị, công an, an ninh… thì lại chẳng thấy nhắc tới. 

Cổ vũ thí sinh quay phim chụp ảnh phòng thi, phải chăng chúng ta không còn tin tưởng hoặc đánh giá thấp đội ngũ làm công tác tuyển sinh này? Ai cũng biết thí sinh vào phòng thi là để thi chứ không phải làm một việc mà người khác đã được giao nhiệm vụ. 

Làm như thế chẳng khác gì việc, khi người dân chỉ trích chính quyền không đảm bảo trị an, để trộm cắp hoành hành, thì nhà chức trách lại quay sang yêu cầu công ty sản xuất cửa và khóa cửa phải nghiên cứu chế tạo ra những bộ cửa và khóa cửa tinh vi và chắc chắn hơn, rồi hô hào người dân chớ ngủ, thức mà rình trộm!?  

GS Văn Như Cương đặt giả thiết, kỳ thi năm sau, thí sinh vác một thiết bị (đúng yêu cầu như Quy chế) to bằng một chiếc camerra chuyên dụng, đặt giữa phòng thi. Thiết bị ấy cứ gật gù, quay sang trái, nhòm sang phải; lúc hướng về giám thị, khi cận cảnh vào thí sinh… thì Bộ nghĩ thế nào? Thử hỏi các em có tập trung làm bài được không? Và tôi tin rằng, lúc đó giám thị sẽ có cảm giác như bị xúc phạm. 

Như đã đề cập, việc Bộ GD-ĐT bổ sung vài điểm vào quy chế đáng lo không chỉ ở chỗ nó đi vào tiểu tiết mà còn thể hiện quan điểm GD tưởng là dân chủ, minh bạch, nhưng bản chất lại rất cũ. 

Trong bài “Hãy để GD là GD”, tôi có dẫn ra ví dụ mà tôi đọc được trên mạng, bài lưu làm tư liệu nên không rõ nguồn, song nội dung sắp đưa dưới đây thì vẫn còn nguyên ở tạp chí Tia Sáng (1/4/2009): 

Tác giả Thời Hàn Băng (Trung Quốc) nhớ lại hồi học trung học, thầy giáo tổ chức cho cả lớp học tập tấm gương Lại Ninh.  

“Ngày 13/3/1988, Lại Ninh, 14 tuổi, bỗng phát hiện đám cháy trong rừng, anh liền tức tốc chạy tới chỗ cháy và cầm lấy một cành cây hăng hái quên mình dập lửa. Tuy các đội viên đội chữa cháy từng khuyên mọi người chớ chạy đến gần đám lửa, nhưng vì không đành lòng nhìn thấy tài sản của nhà nước bị thiệt hại, Lại Ninh vẫn tiếp tục dập lửa. Đám cháy rừng bị dập tắt, hơn 3500 mẫu rừng được cứu thoát.

Sáng hôm sau, người ta tìm thấy xác Lại Ninh trong đống tro rừng. Tay phải anh vẫn còn nắm chặt cành cây, mặt hướng lên đồi, cặp kính cận văng đâu mất, tay trái bám lấy mặt đất, chân phải ở tư thế leo lên đồi. Lại Ninh đã đi xa nhưng tinh thần của anh mãi mãi còn sống với chúng ta. Anh là tấm gương để chúng ta học tập noi theo! Anh mãi là niềm kiêu hãnh của chúng ta!” 

Tác giả Thời Hàn Băng cho rằng khi xảy ra nguy hiểm, giáo viên bao giờ cũng phải khuyên học trò lập tức rời xa nơi đó và hướng dẫn tường tận cách tránh né. Tại sao thầy giáo không dạy cách phòng tránh khi cháy rừng mà lại khuyến khích học sinh (trong đó có tác giả) chạy tới đám cháy? Có “tài sản nhà nước” nào quý hơn tính mạng con người? Người thân của Lại Ninh sẽ phải chịu đựng nỗi đau như thế nào vì chuyện ấy? Còn cách giáo dục nào thiếu đạo đức hơn lối dạy trẻ như thế không?  

Câu chuyện cổ vũ học tập tấm gương Lại Ninh của Thời Hàn Băng và khuyến khích tố giác gian lận phòng thi khác nhau về hành động và mức độ nguy hiểm nhưng giống nhau về bản chất. Bởi thế không nên cổ vũ thí sinh làm cái việc mà tất cả chúng ta biết thừa là vô cùng khó khăn, nguy hiểm và không thuộc trách nhiệm của mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên