Blog Ngô: Rừng đang trả thù?

Hơn chục người chết và bị thương trong vụ lật xe chở gỗ ở Nghệ An. Những người liên đới trong ngành kiểm lâm đang ra sức thanh minh mình vô can còn dân lành chết thảm vì sự trả thù của rừng.

Nhà văn Nguyên Ngọc có quá nửa đời người sống với núi rừng Tây Nguyên kể rằng, ngày trước, người Tây Nguyên trước khi chặt một cây trong rừng phải cẩn trọng làm lễ xin phép rừng và tạ lỗi với cây. Chẳng biết vì tín ngưỡng vạn vật hữu linh hay tự cổ xưa người Tây Nguyên đã biết tới giá trị của rừng.

Còn ở Luang Prabang – Lào, mỗi sáng, sau khi dâng thức ăn cho sư hành khất, người Lào dành lại một ít xôi trong giỏ, đem về nhà, đến từng cây trong vườn, kính cẩn gắn những vón xôi nhỏ lên các chạc cây để "cho cây ăn". Dâng xôi cho sư và lại dâng xôi cho cây. Hai hành vi được thực hiện với thái độ thành kính và thiêng liêng.

Không chỉ “cho cây ăn”, ở nhiều vùng bên Lào, người dân còn phong sư cho các cây trong rừng. Dân làng kéo nhau vào rừng, mỗi người mang theo một tấm vải màu vàng buộc vào từng cây. Cây được buộc vải vàng cũng như người được khoác áo cà sa, được đánh thức tính Phật, được phong sư.

Có lẽ vì tôn trọng rừng, tôn trọng cây như thế nên trong cơn lốc tàn phá tự nhiên, quốc gia này vẫn còn gần nửa diện tích là rừng.

GS Tô Ngọc Thanh đã dành hầu hết thời gian của thập niên 60, 70, 80 với Tây Bắc, Việt Bắc và Tây Nguyên. Ông kể rằng, luật và tín ngưỡng tôn giáo của người Thái trước đây quy định, bản nào cũng có hai khu rừng hoang dại mang tên rừng kiêng (đông căm) hay rừng ma (đông phi) và một khu rừng cấm chặt phá để bản tổ chức "Ngày hội hái măng" (Há nó pá hẳm).

Vì không ai dám chặt phá nên đã giữ được rừng nguyên sinh. Chẳng riêng gì người Thái, cả người Mông trên núi cao, người Khơ Mú, Kháng, La Hả... trong rừng sâu đều tự nguyện tuân theo luật Thái. Bởi đó là quyền lợi lâu dài của tất cả các dân tộc trong vùng.

Đừng đổ lỗi phá rừng cho dân bản địa. Họ là người hiểu hơn ai hết về sự trừng phạt của rừng và thực tế họ đang bị trừng phạt. Hôm nay, chỗ nào rừng còn nhiều cổ thụ thì chỗ đó là mó, là nguồn nước nuôi sống cả bản, là rừng thiêng… người dân quyết giữ. Họ giữ, cố giữ như cha ông tổ tiên họ từng làm.  Nhưng liệu họ còn giữ được bao lâu?

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên