Blog Ngô: Sao 30 năm vẫn là thực nghiệm?
Mỗi phụ huynh mong đợi ở ngôi trường mang danh thực nghiệm đó là con họ được học nhẹ nhàng, được vui chơi, được phát huy cá tính, sáng tạo, được yêu thương thực sự…
Tưởng rằng công nghệ giáo dục (CNGD) với mô hình trường thực nghiệm đã rơi vào quên lãng nào ngờ lại sôi sùng sục sau sự kiện phụ huynh đạp đổ hàng rào để xin cho con vào học.
Nói sự kiện xô đổ cổng trường phải quay trở lại với CNGD mà GS Hồ Ngọc Đại là cha đẻ và lấy Trường PTCS thực nghiệm Hà Nội để triển khai.
Phụ huynh học sinh xếp hàng mua hồ sơ vào trường thực nghiệm (Ảnh: Lao động) |
Khi thấy cổng trường bị xô đổ, GS Hồ Ngọc Đại nói: “Tôi thương phụ huynh quá”. Người am hiểu giáo dục (GD), đặc biệt những người biết nội tình số phận hẩm hiu của CNGD, sẽ thấy câu nói trên của GS Đại rất nhiều nghĩa.
GS Đại bảo CNGD bị “bóp mũi chết” quả không sai, mà bóp đến hai lần. Lần thứ nhất là Luật GD năm 2000 ra đời với quy định thống nhất một chương trình, một bộ SGK; lần thứ hai sáp nhập trung tâm của ông - nơi có Trường thực nghiệm - vào Viện Khoa học GD.
Nói nhỏ nhé! Bây giờ có những cái thí điểm còn vượt ra ngoài cả khuôn khổ của bộ luật cao nhất cơ, thế nhưng, với CNGD, dù có đeo thêm hai chữ “thực nghiệm” cho đến tận hôm nay, thì cũng không thể cứu vãn nổi vì người ta không muốn nó tồn tại.
Thôi, chuyện bếp núc đầy những khoảng mờ, đau đầu lắm, chỉ nói cái chuyện đơn giản, bình thường mà mỗi phụ huynh mong đợi ở ngôi trường mang danh thực nghiệm đó là con họ được học nhẹ nhàng, được vui chơi, được phát huy cá tính, sáng tạo, được yêu thương thực sự…
Phụ huynh chỉ cần có vậy? Ông Lê Tiến Thành, Vụ Trưởng Vụ GD Tiểu học, Bộ GD- ĐT đã xác nhận với báo chí rằng tất cả những ước nguyện ấy cũng là chủ trương của GD Việt Nam. Các trường học đang theo hướng ấy.
Hình như không đủ thời gian để ông Vụ trưởng giải thích rằng “theo hướng ấy” nhưng sao phụ huynh lại cứ lao vào thực nghiệm?
Vâng, cho dù định hướng chung của ngành GD là vô cùng chuẩn mực như thế nhưng các điều kiện để thực hiện không có và không cho phép. Chỉ xin nói 2 điểm: Có được học “nhẹ nhàng, thoải mái” không khi mà chương trình và SGK soạn nặng nề như hiện nay (cho dù đã có giảm tải)? Có tránh được áp lực không khi nhiều trường chạy theo thành tích? Ngành GD đừng đổ tại khách quan nhé vì năm 2000 chưa xa đâu.
“Tôi thương phụ huynh quá”, vì nhiều người chẳng cần biết CNGD là gì. Và chưa chắc thực nghiệm hôm nay còn giữ nguyên được đường lối của CNGD. Họ chỉ muốn con họ không bị áp lực và được tôn trọng. Hai điều vô cùng giản dị như thế mà nhà trường không đáp ứng nổi thì không “thương phụ huynh” mới là lạ(!).
Sự kiện ở Trường PTCS thực nghiệm Hà Nội không phải chuyện riêng của nhà trường mà là câu chuyện của nền GD Việt Nam. Câu chuyện đó là gì? Nói cho nhanh, đó là sự khủng hoảng về niềm tin và phương pháp GD./.