Blog Ngô: Tào lao chuyện… Nữ

Thú thật một lần nửa tiếng Tàu tôi chẳng biết. Nhưng trò đời không biết hay ti toe nên lại lạm bàn về chữ NỮ.

Theo nguyên tắc viết chữ Hán thì phải ngang rồi mới xổ, chấm rồi mới hất, phẩy rồi mới mác. Thế nhưng duy nhất chữ NỮ lại xổ trước ngang sau. Phụ nữ luôn bất quy tắc? 

Do vậy, hiểu được phụ nữ chẳng dễ. Vợ chồng sống tới đầu bạc răng long, nhưng chưa ai dám cả quyết hiểu hết nửa kia của mình. Đấng mày râu nào mà dại dột cao giọng nói biết rồi biết rồi có khi chị em lại mủm mỉm cười thầm nghĩ “thằng bé 60 này sao mà ngây thơ thế(!)”.

Chữ NỮ có bộ MIÊN là có hình ảnh cái mái nhà thì thành chữ AN.

Nói vụng mấy bà chút, hình như ba chữ NỮ ghép lại thì thành chữ GIAN? Thảo nào người ta cứ nói xấu chị em là có hai người đàn bà với một con vịt thì thành cái chợ. Ngoa ngoắt thế không biết!

Nói thế thôi nhưng chị em hay lắm nhé, cái chữ NỮ ấy nếu có bộ MIÊN chụp lên, tức là có hình ảnh cái mái nhà (ở trên) che chở cho bộ NỮ (ở dưới), thì lại chuyển ngay thành AN.

Người hay trêu ghẹo chị em thì bảo các bà cứ phải “cho vào khuôn khổ” thì mới yên. Người khác lại nêu nhận xét, mái ấm phải có bàn tay phụ nữ thì mới an.

Tôi thì nghiêng về ý kiến thứ hai hơn vì tôi thuộc típ ty - phờ - nờ (TYPN). Chẳng thế à? Người Việt ta dù chịu ảnh hưởng Khổng – Nho, trọng nam khinh nữ, nhưng cái tư tưởng ấy khi vào Việt Nam thì đã ít nhiều thay đổi. 

Người Việt ta thường gọi vợ là “nhà”, đây là nhà tôi. Coi vợ như nhà thì chắc chỉ có đàn ông Việt? Vợ cũng tôn trọng chồng và giới thiệu với khách, đây là nhà em. Điều đó không chỉ có ý nói rằng chị em là người làm nên mái ấm gia đình mà còn phải có cả vợ lẫn chồng thì mái ấm ấy mới toàn vẹn. Rất bình đẳng! Thế mà có em gái nào đó khơi khơi nói không lấy chồng Việt, dại thế!

Chuyện đời thực là vậy, trong lĩnh vực tâm linh thì khỏi nói. Trên thế giới, từ thời kỳ thị tộc mẫu hệ, yếu tố nữ trong tín ngưỡng đã xuất hiện, nhưng đến thời phong kiến khắt khe thì yếu tố này dần mất đi, nhất là khi các tôn giáo độc thần ra đời. Tuy nhiên ở Việt Nam thì khác, việc thờ nữ thần, thờ Mẫu vẫn tồn tại và phát triển xuyên thời gian. Đâu đâu cũng có nơi thờ nữ thần: Phật Bà, Thánh Mẫu, Chúa Kho, Chúa Liễu, Chúa Đen, Chúa Xứ... Thôi! Không kể nữa, kể nữa có khi các nam thần phát ghen nổi đóa mà quật phát chết tươi thì toi, he he. Chỉ chốt lại câu này là đủ: Phúc đức tại Mẫu.

Phụ nữ Việt Nam với tà áo dài nữ tính
Trân trọng và đánh giá đúng vai trò phụ nữ nên trong dân gian ta đã gán mọi thứ tốt đẹp cho chị em. Dính vào chữ nếp (tính nữ) thì cái gì cũng ngon: ngô nếp, đậu nếp, gạo nếp... Cái gì liên quan đến CÁI đều quan trọng: cột cái, sông cái (sống mẹ), đũa cái và cả… ngón cái nữa. Vì thế khi người ta giơ ngón cái ra là tượng trưng cho điều gì đó rất thành công, rất OK. Còn nhiều cái Cái nữa nhưng xin phép không kể hết vì sợ anh em du lịch sang Thái chuyển giới tính hết thì… cũng toi (!).

Mấy chuyện tầm phào gọi là chút quà tặng và chúc mừng chị em nhân Ngày 8/3!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên