Blog Ngô: Thi đua!

Đất nước đổi mới gần 30 năm, sao công tác thi đua chưa đổi mới được bao nhiêu nhỉ?

Cuối năm, các bộ ban ngành chuẩn bị tổng kết, thể nào cũng có màn trao bằng khen, giấy khen rồi cờ khen. Người lên nhận xếp hàng dài, chen chúc, nhầm lẫn loạn xì ngậu, cười, chụp ảnh, bắt tay một cách vội vàng và chiếu lệ.

Có lần đang ngao ngán với màn trao tẻ nhạt này, tôi với sang anh Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD-ĐT, anh ơi, riêng vụ này không thể họp trực tuyến được anh nhỉ. Anh Ngọc tít mắt: Sao không được? Thích ông bộ trưởng trao hoa tặng bằng khen tao photoshop phát được ngay, khó gì.

Ở ta có cái khen đáng giá nhưng phần đông là… “vô giá”.

Tôi nghĩ, hoàn thành chức năng nhiệm vụ là trách nhiệm của người lao động, không việc gì phải khen. Nếu như làm quá tốt có nghĩa là sếp chưa khai thác hết khả năng của mình, tức là chưa biết dùng người. Và bản thân người được khen cũng đã ngồi nhầm vị trí. Vậy hà cớ gì phải khen?

Liệu cái bằng khen (như hiện nay) có thực sự khơi dậy tiềm năng để biến chúng thành khả năng thực của mỗi người? Tôi không tin, nhưng tôi tin đó là những “tín chỉ”, những giá trị tích lũy để bước lên những nấc thang thành tích cao hơn, từ đó mới mơ đến danh vọng. Thế nên người ta mới chành chọe nhau tranh giành tấm bằng khen để rồi một lúc nào đó lại tần ngần chẳng biết xếp vào đâu.

Dân quê tôi hễ đi đâu về là vội vàng ra cái nồi đất trong vườn, tiểu tiện vào đấy một cái, xong đâu đấy mới thở phào làm việc khác. Đến bãi nước giải còn tiếc nhưng hễ nghe đài thôn phát rằng nhà hàng xóm công đức ủng hộ hơn một đồng so với nhà mình là sôi sùng sục. Lạ!

Nhiều hôm, loa thôn ra rả xướng tên người quyên góp, và đương nhiên, ai chỉ nộp dăm ba chục không bao giờ có vinh dự lọt vào danh sách này. Người ta đã dùng cả hệ thống tuyên truyền để kích động thói hám danh bằng lối cổ động đầy mẹo mực và rất làng xã.

Chẳng cứ làng quê, một khu tập thể giữa thủ đô, tôi đã từng chứng kiến bảng thông báo ở tầng một viết tên những hộ chưa nộp tiền vệ sinh; tầng hai, một bảng khác viết tên ba em học sinh, hai em học sinh giỏi viết lên đầu, sau đó người viết cố tình xổ ngang một nét thật đậm để tách biệt với em học sinh tiên tiến phía dưới cùng. Thi đua, biểu dương hay bêu riếu? Họ có biết cái vạch xổ ngang oan nghiệt kia có thể giết chết một con người?

Đất nước đổi mới gần 30 năm, sao công tác thi đua chưa đổi mới được bao nhiêu nhỉ?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên