Blog Ngô: Thi nghiêm, giáo dục làm được không?

Định không viết bài nào nữa về chủ đề thi cử nhưng thấy trả lời của GS Hoàng Tụy trên báo chí hay quá bèn góp đôi lời.

GS Tụy than: “Trong một xã hội mà xung quanh quá nhiều dối trá, rất hiếm trung thực, nếu đặt thiếu niên trước những thử thách trung thực quá sức thì cũng chẳng khác nào đưa trẻ ra phơi nhiễm giữa một vùng đang dịch bệnh, làm sao tránh khỏi bị nhiễm bệnh? Cho nên, chẳng lạ gì khi kỳ thi nào cũng có chuyện…”.  Ý ông muốn nói rằng xã hội như thế thì thi cử gian lận, dối trá âu cũng là lẽ thường.  Dằn vặt thế nhưng GS vẫn tin tưởng “Nếu giáo dục tốt hơn vẫn có thể trong chừng mực nhất định ảnh hưởng ngược lại làm cho xã hội bớt đi những chuyện tiêu cực đáng xấu hổ.”

Cái ý thứ hai này đã có lần nhà văn Nguyên Ngọc đề cập. Ông khẳng định cho dù giáo dục là một hệ thống con nằm trong hệ thống mẹ là toàn xã hội nhưng giáo dục vẫn có thể góp phần làm chuyển động xã hội. Trong lịch sử, từng có nhiều cuộc cách mạng xã hội bắt đầu từ giáo dục. Gần ta nhất và gần đây nhất là Nhật Bản, thời Minh Trị, một ví dụ sinh động và hùng hồn về vai trò tiên phong của giaó dục làm thay đổi xã hội.

Tôi cũng đồng ý với GS Hoàng Tụy và nhà văn Nguyên Ngọc rằng ngành giáo dục hoàn toàn thực hiện được một kỳ thi nghiêm túc, trên thực tế họ từng làm, nhưng chưa triệt để, chưa thực sự cách mạng. Vì thế, vấn đề ở đây là, giáo dục có thực sự quyết tâm hay không mà thôi.  

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2007, tỷ lệ đậu tốt nghiệp chỉ trên 67%. Cùng với tỷ lệ thấp chưa từng có ấy, hàng loạt vụ sai phạm thi cử bị phát giác mà điển hình là sự kiện thầy Đỗ việt Khoa.

Tỷ lệ tốt nghiệp thấp chưa từng thấy năm 2007 chứng tỏ một số địa phương, vốn thích danh hão cũng phải dè chừng. Sự quyết tâm thực hiện “Hai không” của ngành đã đủ sức để tác động và có ảnh hưởng tích cực tới các địa phương, nơi mà con bệnh thành tích xưa nay vốn được xem là khó trị; nơi mà những số liệu tròn chĩnh mỹ miều của các ngành, trong đó có giáo dục, là phương tiện để đánh bóng mạ kền, để làm vững chắc và ổn định hơn cho những chiếc ghế của các vị quan vốn tại vị nhờ vào sự màu mè lòe loẹt và gian dối hơn là thực tài. 

Tất cả những sự biến diễn ra trong hai năm 2006 – 2007 liên quan đến thi cử ở phổ thông cho chúng ta một kết luận rằng: Khi ngành giáo dục quyết tâm học thực thi thực thì sẽ làm được.

Tới nay, chưa thấy bất kỳ một dấu hiệu phản ứng nào từ phía xã hội với ngành giáo dục về sự nghiêm túc và quyết liệt trong thi cử cả mà chỉ thấy dư luận đang lên án tiêu cực và gian dối. Như vậy, liệu đây có phải là thời điểm thuận lợi cho ngành giáo dục xem lại chính mình để tiếp tục thổi vang lên tiếng kèn “Hai không” một cách mạnh mẽ, quyết đoán và bài bản?/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên