Blog Ngô: Từ thời thượng

Mỗi giai đoạn lại có một số từ được dùng với tần suất cao, tạm gọi là từ thời thượng.

Cách đây ít năm, người ta thi nhau nói “bất cập”. Nào là giáo dục còn nhiều bất cập, Luật Đất đai còn nhiều bất cập, bất cập trong lĩnh vực y tế… Cái từ Hán - Việt đọc trẹo mồm, mang sắc thái tiêu cực thế mà sao nhiều người thích? Bóp trán nghĩ một hồi hóa ra người ta ưa nói “bất cập” là để cho nó nhè nhẹ đi. Mặt khác, có tí Hán ngữ nghe có vẻ huyền bí và có tính khái quát, thực chất là chung chung. Bảo “giáo dục còn nhiều bất cập” thì lãnh đạo ngành chắc sẽ dễ chấp nhận hơn là nói thẳng tưng là “Giáo dục còn nhiều yếu kém, chưa đạt yêu cầu”. 

Mỗi giai đoạn lại có một số từ được dùng với tần suất cao, tạm gọi là từ thời thượng.

Nhắc tới “bất cập” lại nhớ “tồn tại”. Dám chắc trong 100 báo cáo thì có tới 90 cái có từ “tồn tại”. Ví dụ: “Mặc dù đạt nhiều thành tích nhưng đơn vị vẫn còn một số tồn tại.” Viết đầy đủ là có lẽ phải là “…còn tồn tại một số yếu kém”. Đại khái thế. Song, ai lại nói thế, nghe nặng nề, lại khuất lấp mất thành tựu rực rỡ. Dại gì! Vì thế nên cứ "tồn tại". 

Gần đây từ “vào cuộc” cũng xuất hiện nhiều: Ngành chức năng vào cuộc, Bộ Xây dựng vào cuộc vụ xì nước ở Thủy điện sông Tranh… Có tác giả nhận xét thế này: “Vào cuộc” tạo cảm giác chủ ngữ của nó không liên can đến sự việc, lại còn hàm ý nhiệt tình xông vào để giải quyết vấn đề một cách quyết liệt, tiên phong”. 

Trộm nghĩ, mấy ông nhà báo “vào cuộc” đấy chứ, còn thực tế chẳng biết cá nhân, tổ chức có được cái tính tiền phong của “vào cuộc” hay không. Nếu có, dẫu tạo cảm giác vô can, thì cũng còn có cái để mà mừng. 

Bên cạnh “vào cuộc” còn một từ hay dùng thời gian gần đây là “chia sẻ”. Thay vì nói: “Tôi xin nêu một vài ý kiến” thì người ta sẽ nói: “tôi chia sẻ một vài suy nghĩ”.  

"Chia sẻ" không phải "cho" một cách ban ơn mà trên tinh thần cảm thông sâu sắc. Chia sẻ tạo cảm giác bình đẳng chứ không kẻ cả, trịch thượng kiểu quan trên bố thí, ban phát bổng lộc cho đám dân đen. Hơn thế, chia sẻ còn tạo cảm giác điều mà chủ ngữ nói ra có thể không phải thiên kiến cá nhân mà là cái gì đó của chung, rất cộng đồng, đáng phải chia sẻ. Không muốn bộc lộ cái bản ngã hay họ ý thức rằng mọi sự đều đang ở cái ranh giới mong manh của sự đúng - sai, thật - giả, tốt - xấu nên tốt nhất là “chia sẻ”. Trúng thì được tung hô vô tay đôm đốp, ngộ nhỡ sai thì tặc lưỡi cái, nháy mắt cái: “Chia sẻ mà”. Từ thời thượng vui phết!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên