Blog nhà Hến: Không tặng hoa 20/11, làm sao tri ân thầy?
(VOV) -Dù không nói ra, nhưng khi nhận hoa, thầy cô sẽ cảm thấy như đang làm một điều gì đó “vụng trộm”, trái với quy định…
Hôm nay là ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam (20/11). Vừa thức giấc, đứa con gái học lớp 2 của tôi đòi phải có hoa để tặng cô giáo. Như mọi năm, không đợi con phải giục giã, mà khi nó thức giấc, tôi đã để sẵn một bó hoa để con mang đến trường tặng cô.
Nhưng năm nay lại khác, tôi chưa chuẩn bị hoa tặng cô cũng chỉ vì cứ băn khoăn mãi, nếu tặng hoa cho cô giáo, có phải tôi đang làm khó cho cô, khi mà nhiều nơi cũng đang “tự nguyện” noi gương tinh thần của Bộ Giáo dục- Đào tạo là không tặng hoa, tiếp khách ngày 20/11 ở cơ quan của Bộ.
Nhưng quả thực, nếu vào một ngày có ý nghĩa nhất đối với các thầy cô như ngày Nhà giáo Việt Nam, lại không có một lời nào cảm ơn đến thầy cô của con- người đã hết lòng dạy dỗ các con của mình, thì tôi cảm thấy áy náy vô cùng.
Đã thành thói quen từ thuở cắp sách đến trường, những ngày trọng đại của thầy cô như thế này, bao giờ tôi cũng mượn những bông hoa thay lời tri ân chân thành nhất đến những người thầy, người cô không quản nắng mưa, sớm hôm dạy dỗ chúng tôi nên người.
Đắn do, suy nghĩ rồi cuối cùng, tôi cũng chuẩn bị cho con một bó hoa để tặng cô. Một phần bởi tôi không biết giải thích thế nào với một đứa trẻ lớp 2 về sự thay đổi bất thường này.
Con gái tôi hớn hở cùng mẹ ôm hoa đến tặng cô giáo và ban Giám hiệu nhà trường. Khi vào phòng Giám hiệu, tôi hơi ngỡ ngàng vì không khí trầm lắng ở đây, nơi mà mọi năm vào giờ này, đang rộn ràng niềm vui của các thầy cô khi nhận những bó hoa tươi thắm từ các em học sinh mang đến chúc mừng.
Tự nhiên, tôi lại cảm thấy buồn tê tái. Buồn như vừa đánh mất một thứ gì đó vô cùng quý giá mà không thể cắt nghĩa được. Bởi đối với mỗi người dân Việt Nam, truyền thống “tôn sư, trọng đạo” đã ăn sâu vào tâm hồn và là thước đo giá trị đạo đức ở mỗi con người. Nhất là đối với mỗi học trò, tình cảm thầy trò vô cùng thiêng liêng, cao đẹp.
Để thể hiện sự kính trọng, yêu quý đối với người thầy của mình, hình ảnh học trò tặng hoa thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đã ở trong tiềm thức của mỗi con người. Chỉ có những bông hoa đẹp đẽ mới là lời tri ân ý nghĩa nhất mà mỗi học trò, gia đình các em muốn gửi đến các thầy cô.
Vậy mà, trong ngày 20/11 năm nay, các thầy cô lại không được tặng hoa. Mà nếu có, chắc chắn niềm vui của các thầy cô cũng sẽ không được trọn vẹn. Không nói ra, nhưng thầy cô sẽ cảm thấy mình đang làm một điều gì đó “vụng trộm”, trái với một quy định, có thể là quy định bất thành văn. Và nỗi buồn đó càng nhân lên, khi mà chính trong ngày ý nghĩa nhất trong cuộc đời dạy học, các thầy cô luôn muốn mở lòng để đón nhận tình cảm chân thành nhất từ các học trò của mình.
Một khi việc không tặng hoa trở thành phong trào, thì chắn chắn truyền thống “tôn sư, trọng đạo” bao đời nay của ông cha cũng sẽ dần phai nhạt. Bởi giờ đây, trong cuộc sống hối hả, chưa cần cấm thì việc tặng hoa thầy cô cũng đang dần trở thành việc làm “không thực tế”. Thay vào đó, là việc cha mẹ học sinh tặng thầy cô mỗi dịp Lễ, Tết là những món quà đắt tiền, hay những chiếc phong bì trở nên phổ biến, thì còn đâu trong đó tình cảm chân thành. Khi nhìn thấy việc bố mẹ tặng phong bì, tặng quà cho thầy cô một cách "vô cảm" như vậy, chắc chắn những đứa trẻ cũng sẽ dần quên đi ý nghĩa của ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, quên đi đạo làm trò.
Và một khi đạo làm trò- đạo lý truyền thống để đo giá trị đạo đức của mỗi người bị mất đi, thì mọi cố gắng để chấn hưng, cải cách nền giáo dục liệu có còn hữu ích?./.