Blog Trà xanh: Ra ngoài không nhận mình là người Việt!?
(VOV) -Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là phải biết cách khơi dậy tiềm thức văn hóa dân tộc trong mỗi người
Người Việt Nam đã từng nể phục nước Nhật bình tĩnh và trật tự trước thảm họa động đất, sóng thần mà quên mất cách đây 40 năm, trước trận Điện Biên Phủ trên không chỉ vài đêm, Hà Nội đã sơ tán trong trật tự 500.000 trong tổng số 600.000 người dân nội thành với biết bao câu chuyện cảm động thấm đẫm tình người.
Trong một cuộc giao lưu tại Trung tâm văn hóa Nhật Bản ở Hà Nội, nhiều người Việt Nam đã trầm trồ thán phục nghệ thuật Hương Đạo tồn tại trên 500 năm của người Nhật. Nhưng ít người biết, loại gỗ chủ đạo của Hương Đạo lại không phải của người Nhật mà xuất xứ của nó là trầm hương của Việt Nam.
Khi được hỏi về cách người Nhật lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, bà Imaizumi Fusako, chủ tịch CLB Hương đạo Kashiwa không hề giấu diếm: “Điều quan trọng không phải là dạy cho thế hệ trẻ những kỹ năng hay kỹ thuật để thực hành chúng, mà phải làm sao cho họ hiểu được những tầng sâu văn hóa, những giá trị tinh túy ẩn sâu trong đó. Điều đó sẽ làm đẹp tâm hồn, giúp cho nhân cách của mỗi người thêm giàu có”.
Trong lễ hội ẩm thực Hàn Quốc tổ chức tại Việt Nam năm 2010 có riêng một gian hàng trưng bày các kiểu Kim Chi – món ăn “quốc hồn quốc túy” của Hàn Quốc. Xem phim Hàn nhiều nên khá nhiều người tò mò món này. Bữa đó tôi đã say sưa phỏng vấn nhà Kim Chi học người Hàn Quốc giảng giải về những tác dụng tốt của Kim Chi một cách rất khoa học và thuyết phục.
Hàn Quốc có nhà Kim Chi học chứ Việt Nam thì chưa bao giờ nghe thấy có nhà “dưa muối học” nào cả. Cơ mà một ngày có ai đó tự giới thiệu là nhà “dưa muối học” chắc sẽ bị cho là chuyện tầm phào vì món đó bình dân nhà nào chả ăn, chả làm được.
Trong một cuộc tọa đàm mới đây về thanh niên với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nhân 15 năm thực hiện Nghị quyết TW 5 khóa VIII, khi được hỏi về hoàn cảnh nào, bối cảnh nào khiến các bạn trẻ cảm thấy yêu bản sắc văn hóa dân tộc, đa số ý kiến trả lời là khi đi ra nước ngoài, tức là bị đặt vào một môi trường khác, có sự va chạm về một nền văn hóa khác thì ý thức tự hào dân tộc, tự tôn dân tộc mới trỗi dậy.
Trên thực tế, không cứ phải ở trong hoàn cảnh “đem chuông đi đánh xứ người” mới cần phát huy bản sắc, bởi không phải ai cũng có cơ hội đi nước ngoài.
Vì vậy, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là phải biết cách khơi dậy tiềm thức văn hóa dân tộc trong mỗi người để không cần phải va chạm với nền văn hóa khác mới “thức tỉnh”.
Chỉ khi có phông văn hóa vững chắc thì chúng ta sẽ đẩy lùi được văn hóa lai căng, hiện tượng mê muội thần tượng như vừa qua sẽ không xảy ra. Thiếu “điểm tựa” văn hóa, con người trở nên chơi vơi, dễ lung lạc, có xu hướng vọng ngoại thái quá mà trở nên mất gốc.
Những người trẻ rất yêu quê hương và có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, họ cũng đang lúng túng tự hỏi đâu là bản sắc văn hóa cần phát huy, hệ thống bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam gồm những gì? Trong khi người Nhật Bản có những thứ rất rõ ràng để khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc như Kimono, trà đạo, kịch Nô… người Hàn Quốc thì có Kim Chi, hanbok… và cả những nét văn hóa hiện đại như K-pop, điện ảnh.
“Giới trẻ Việt Nam dường như đang mò mẫm trong bóng tối để đi tìm giá trị văn hóa Việt Nam” đó là lời phát biểu của một sinh viên tại cuộc tọa đàm nêu ở trên khiến cho chúng ta không thể không suy nghĩ. Có lẽ chúng ta đã quen thói cảm tính và chung chung.
Trông người mà ngẫm đến ta. Với những ai còn trăn trở với văn hóa dân tộc, không khó để nhận thấy mình thua người ta ở cách thức gìn giữ và thể hiện chứ không thua về “tài sản văn hóa”.
Đã đến lúc việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đi vào những việc làm cụ thể chứ đừng là khẩu hiệu mỹ miều hô lên rồi để đó./.