Blog Vườn: Chuyện bắt trộm ở phố nhà tôi

Nếu câu chuyện này không xảy ra với chính gia đình tôi, thì khi đọc được nó, tôi có thể sẽ cho rằng đây là sản phẩm đã qua sự thêu dệt của nhà báo, thêm mắm thêm muối để “câu khách"!

Chuyện là lúc nửa đêm, hai thằng trộm leo lên ban công tầng 2 nhà tôi. Không biết chúng chỉ định lấy những thứ có thể lấy ở ban công, hay định đột nhập vào nhà. Dù sao thì cảm giác kẻ gian nó đến gần mình, cách nhau chỉ độ 100 xăng-ti-mét cũng là cảm giác thật đáng sợ. Đấy, trên báo chí bây giờ nhan nhản các vụ cướp, giết. Người lương thiện và kẻ sát nhân cách nhau có khi chỉ là một ly. Như vụ cướp tiệm vàng mới đây, tên Dưỡng giết người ghê rợn, dù trước hắn vốn rất hiền lành…

Người phát hiện và bắt được trộm là thanh niên nhà sát vách mà đến lúc đó tôi chưa biết tên. Căn nhà hàng xóm là nhà cho thuê, người đến và đi cũng thường xuyên. Tôi và cậu ta đều đi làm giờ giấc thất thường nên chả mấy khi gặp nhau và vì thế ngoài cái gật đầu chào thì cũng chưa bao giờ biết tên nhau. Thế nên khi công an hỏi ai đã bắt trộm, tôi ngượng chín người khi không thể nói tên ân nhân, mà đó lại là người hàng xóm.

Bạn bè ai cũng mừng cho gia đình tôi, vì tai qua nạn khỏi. Và khi nghe tôi kể rằng cậu hàng xóm đã bắt trộm, ai nấy đều ngạc nhiên. “Cậu ta chắc to cao hả? Có võ hả? Bạo gan thật đấy?”. Không ít người còn nói: “Ôi bây giờ nếu mà có phát hiện ra trộm cướp vào nhà, tốt nhất là nằm yên giả như không biết, để nó muốn lấy gì thì lấy, thì còn giữ được người…”.  Những vụ án kinh hoàng gần đây đã tạo cho nhiều người tâm lý ấy. Kẻ gian liều lĩnh khó lường, đôi khi chúng giết người chỉ vì một nhúm vật chất cỏn con.

Hàng xóm nhà tôi không cao lớn. Hỏi có biết võ không thì cậu ấy chỉ cười. Nửa đêm, nghe tiếng động lạ, ra ban công quan sát, thấy kẻ trộm leo lên ban công tầng 2 nhà hàng xóm, thế là lao xuống, quyết bắt cho bằng được, dù chúng có 2 tên. “Sợ gì chúng nó, chẳng nhẽ cứ để cho chúng nó lộng hành?"- cậu ấy nói thế khi được hỏi: Thế không biết sợ à?

Nghe hô “Cướp!”, dân phố nhà tôi ùa ra cũng đông hỗ trợ mặc dù là giữa đêm mùa đông giá buốt. Về sau, mọi người có vẻ ngạc nhiên, bàn luận rằng cứ tưởng nghe hô cướp thì lắm người chốt cửa cho chặt, hóa ra không phải. Một bác trung niên giải thích: Phải ra chứ, ra thật đông, cho những thằng ăp cướp nó biết rằng “ở khu vực này, không phải chúng mày muốn làm gì thì làm”. Hôm  nay chúng động đến nhà này, nếu ai cũng sợ, ngày mai chúng sẽ động đến nhà khác.

Người bắt trộm cũng kể: lúc cùng bà con tóm được 2 tên, trói lại rồi, cậu ta đã nhờ một người lái taxi gọi công an phường. Anh taxi kia từ chối, chắc vì sợ bọn trộm hoặc đồng bọn của chúng trả thù…

Sự sợ hãi hoặc hèn nhát của người lương thiện sẽ là đất sống cho bọn lưu manh, cho cái ác.

(Viết lại câu chuyện này, tôi không có ý cổ vũ cho việc người dân tham gia bắt trộm cướp. Bắt trộm, bắt cướp là việc của các chiến sĩ công an. Giá có thể, người hàng xóm của chúng tôi nên dùng một cách khác, an toàn hơn, ít mạo hiểm hơn... Nhưng, nói thì dễ, tình cảnh đưa đẩy đến thế, ở thời điểm đó, cậu ấy đâu có nhiều thời gian để nghĩ kỹ).

Đáp lại lời cảm ơn của gia đình tôi, "hiệp sĩ" nói một câu khiến tôi bất ngờ: “Quan tâm tới hàng xóm láng giếng cũng là tinh thần và trách nhiệm của thanh niên bọn em, gia đình không phải lăn tăn gì đâu!”.

Cậu ta lại dạy cho tôi thêm một bài học nữa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên