Blog Xíu: Chí Phèo cô đơn

Trong SGK lớp 11, đoạn truyện nhân văn nhất của truyện ngắn Chí Phèo đã bị cắt xén vì bị xếp vào loại "dâm thư" để ngăn chặn nó xâm nhập suy nghĩ của các em học sinh.

Nam Cao là một trong những nhà văn hàng đầu của làng văn chương nước nhà. Ông là bậc thày về truyện ngắn với bút pháp đầy tính nhân bản, văn phong độc đáo, lấp lánh ngôn từ sáng tạo và cách xây dựng nhân vật tài tình. Chí Phèo là một kiệt tác, là đứa con tinh thần ông gửi gắm nhiều năng lượng văn chương.

Chí Phèo, sau khi được ông sinh ra, đã không còn là của riêng ông. Chí Phèo đã đi vào cuộc sống qua sự sàng lọc kỹ càng của thời gian và bạn đọc. Chí Phèo hiện vẫn đang say rượu trong từng gia đình; đang phẫn nộ với bất công theo cách riêng "rất Chí Phèo"; đang mòn mỏi đi tìm ánh sáng của điều thiện... Và yêu và khao khát một hạnh phúc.

Chí Phèo sẽ chỉ là một gã mòn mỏi trong cái vòng luẩn quẩn: say-chửi-rạch mặt-ăn vạ, ai cũng tránh không muốn dây vào. Chí Phèo sẽ chỉ là cái cây khô ngang ngược mọc giữa đường làng, để thì vướng nhưng muốn bỏ thì chẳng ai dám phá chặt. Và câu chuyện cũng sẽ kết thúc trôi tuột trong cái gam màu chủ đạo bi-hài mà nhiều tác phẩm hiện thực phê phán sử dụng..., nếu như không xuất hiện người đàn bà xấu xí Thị Nở.

Nam Cao không muốn để Chí Phèo cô độc trong một không gian ô trọc làng quê thời "tranh tối tranh sáng". Ông đem ánh sáng nhân bản chiếu vào đứa con đáng thương của mình. Đó là thứ ánh trăng xanh nơi vườn lá chuối đẫm tình giữa Chí Phèo với người phụ nữ đẹp nhất làng trong con mắt gã say.

Thị Nở thực ra là nhân vật sinh ra từ nỗi khát khao đầy bất lực của Chí. Thị       xuất hiện và lấp đầy cũng bằng sự trỗi dậy yêu đương. Không có Thị Nở và những đêm được làm người như thế sẽ không có câu nói nổi tiếng của Chí: "Tôi muốn làm người lương thiện". Đó cũng chính là sự tài tình của Nam Cao trong việc xây dựng chiều sâu nhân vật, và cũng để thoả cái ước mong đầy nhân ái của một văn sỹ cũng đang "Sống mòn" dưới chế độ cũ. Khao khát đó được ông ký thác vào cái tên ban đầu của tác phẩm là "Đôi lứa xứng đôi". Và đến bây giờ tôi vẫn chưa thấy một đoạn văn nội địa nào tả cái cảnh yêu đương giàu tính nhân văn đến như vậy. Nó không hề phàm tục mà thánh thiện vô cùng.

Tôi không phải nhà phê bình văn học, càng không phải nhà làm sách giáo khoa, mà chỉ là một độc giả yêu Nam Cao. Sở dĩ mạo muội bình truyện dài dòng như vậy cũng là để thỉnh ý kiến tới những vị đã cắt xén trong SGK lớp 11 đoạn truyện nhân văn nhất của truyện ngắn Chí Phèo, tước đi của nhân vật nỗi khát khao rất con người. Mối tình xứng đôi vừa lứa đó nếu tước đi bát cháo hành và đêm tự tình dưới trăng đó thì đâu còn ý nghĩa nhân văn, vẻ đẹp tâm hồn của hai con người thậm xấu đau khổ. Cắt bỏ đoạn văn, người làm sách đã đẩy chi tiết truyện xếp vào loại "dâm thư" với ý muốn ngăn chặn nó xâm nhập suy nghĩ của các em học sinh?... Nam Cao chắc sẽ không phẫn nộ như Nguyễn Tuân khi cấm các nhà phê bình xuất hiện ở đám tang mình, nhưng ông hẳn sẽ thất vọng vô cùng khi sáng tạo bị cắt bỏ.

Tại sao lại sợ học sinh đọc được những đoạn văn đẹp đến như vậy. Các em cần phải có trình độ để thẩm định, nếu không các thày cô giáo phải làm nhiệm vụ gợi mở những giá trị từ cuốn sánh.

Tôi thấy cái tư duy không quản lý được thì cấm ở ngành giao thông, ngành văn hoá đang thấm sang ngành giáo dục thì phải. Càng cấm càng tắc tị và càng bộc lộ những lối nghĩ thật khó hiểu.

Các nhà phê bình hãy lên tiếng, hãy chia sẻ với lao động, với mồ hôi chữ  thấm trên từng trang giấy của các nhà văn. Chợt nhớ tới Pautốpxki, tác giả của những trang phê bình độc đáo, đồng hành với nhiều gương mặt văn chương. Ông trân trọng những giá trị và nhờ thế ông có được những trang sách để đời, đứng độc lập vượt ra khỏi cái gọi là "ăn theo" của các nhà phê bình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên