Blog Xíu: Đâu đó những cuộc trở về...
(VOV) - Chỉ có ở quê nhà, nơi cất giữ tuổi thơ cho ta, với bao nỗi bồi hồi, với bao niềm mong đợi, ta mới được sống thật nhất...
1. Cuối năm, nhẩn nha hỏi rất nhiều người bạn về nỗi niềm khi phải ăn Tết xa nhà, ai nấy đều nhắc đến hình ảnh Mẹ. Không gì bình dị mà thiêng liêng hơn thế. Bình dị như câu ca dao suối nguồn.
Tôi hỏi một người bạn là nhà thơ về nỗi buồn nhiều phen xa nhà trong những ngày thiên hạ khép cánh cửa gió bụi, sau những bôn ba, để quây quần đoàn tụ. Anh bảo, rồi cũng quen dần, đời cuốn đi như dòng nước xiết, thời khắc chuyển mùa, mình trở về là giọt nước nguồn, trong veo nguyên sơ. Xa nhà buồn nhất là không được bên gia đình người thân, nhất là mẹ.
Cha thường nghĩ tới núi cao biển rộng, nghĩ tới hiển danh con cái. Với mẹ, con lúc nào cũng là đứa trẻ trong vòng ôm che chở. Ngần ấy tuổi đầu, cháu nội ngoại rồi mà mẹ vẫn chăm lo nâng giấc từng chút một như thuở nào bé dại. Ngược xuôi muôn nỗi, chỉ phía quê nhà mới tìm thấy ngày Tết của mình, khi ký ức ngày thơ quay về chầm chậm.
Chữ Tết anh nói đi nói lại là phải viết hoa, như thế để khẳng định sự sở hữu, riêng có. Tết tha phương là tết của thiên hạ thì trả về thiên hạ. Cái gì của mình mới quý. Đời người hữu hạn, chỉ có yêu thương là phá tan giới hạn; và tuổi thơ giúp ta nối dài thêm cuộc sống. Vậy thì chỉ có ở quê nhà, nơi cất giữ tuổi thơ cho ta, với bao nỗi bồi hồi, với bao niềm mong đợi, ta mới được sống thật nhất ý nghĩa của ngày tết...
Ảnh minh họa: Quang Trung |
Một người bạn vong niên khác lâu lắm rồi cũng không có đêm 30 ở quê nhà. Anh là nghệ sỹ nhiếp ảnh, mọi nỗi tâm tư gửi hết vào những tấm hình. Cảnh mùa xuân xứ người đẹp thế mà sao lại đọc thấy nỗi cô đơn. Cũng những rặng hoa rực nắng; những dòng nước êm trôi dưới ánh trời; cũng những hoan ca của trai gái mùa phồn thực. Vậy mà những tấm hình buồn đến se lòng!
Tôi hỏi, những lần Tết tha phương, anh mang theo hình ảnh nào trong tâm khảm để neo lại bóng dáng quê cha đất tổ? Anh nhớ tới Mẹ và ngậm ngùi nhắc nhớ ngày cũ với những việc chưa làm được cho tổ tiên, gia đình. Trong anh, bóng hình người thân, bè bạn ùa về trong ngôi nhà quen thuộc; thời gian ngưng tụ lại như trong khuôn hình máy ảnh. Anh còn muốn lưu giữ và mang theo bên mình hình ảnh hoa Đào và hương khói. Một bên là vẻ đẹp hiện thực, một bên ám ảnh tâm linh. Thực và mộng quyện vào nhau thành bức chân dung rất Việt.
Tấm hình chụp tâm linh thì phải chụp cả một đời. Cũng như tôi, chiều cuối năm lại dành chút thời gian ngồi lắng lại tiếng kinh chiều. Tôi nhớ rõ lắm ngôi nhà cũ của mình, đêm trừ tịch, cụ tôi ngồi thiền trên phản, lần tràng hạt, miệng nam mô, một tay đều đều gõ mõ bình an. Ngoài kia, xuân rồi nhưng ngọn gió vẫn còn hoang lạnh. Trong nhà, hơi ấm tỏa ra từ những cuộn len mẹ đan, tiếng mõ thăm thẳm, ngọn khói nhang mỏng như bay về từ cõi khác. Sợi khói như sợi dây vô hình nối ngày xưa với bây giờ, tổ tiên với gia đình, nối buồn vào vui, thức tỉnh và lặng lẽ vô thường...
Thời khắc giao hòa, lòng người hay nghĩ tới ranh giới giữa vô hạn và hữu hạn. Đời người ai chẳng có những chuyến đi-về. Một vòng hữu hạn với người này là tròn trịa, với người kia lại đứt quãng...
2. Cận tết rồi mà trời miền Tây vẫn nóng rang. Thời tiết ngược hẳn với phía Bắc quê nhà. Tôi đã có những ngày tháng cuối năm xa nhà như thế.
...Những buổi sớm tinh mơ, tôi thấy thật cần phải ra đó, ra cái nơi rất đời, ngồi phệt xuống cái ghế thấp gọi một tô miến gà tôi cho là ngon nhất xứ Tây Đô, giá lại bình dân, sau đó làm một ly trà đá mát lịm có vị lá thơm dìu dịu. Quán miến rất đời của dì Tư nằm ngay cạnh một ngôi chùa. Bên đạo, bên đời, còn tôi ở giữa.
Tôi miên man bơi giữa những dòng sông triết học, để xem ai luận thật hay về mối tương quan giữa hai khái niệm ấy. Để rồi lại tắc giữa dòng, khi dì Tư nhẹ nhàng chuyển cho tô miến nóng. Tôi vừa ăn vừa ngắm gương mặt đặc chất Nam Bộ của dì. Giọng nói thì không phải bàn cãi rồi, còn gương mặt thì trông vào thấy bình yên lắm. Giống một chút với mẹ tôi ở nhà, nhưng đặc biệt hệt như bà Tư Nam Bộ, người Long An, lấy ông trẻ tôi, giờ sống ở Sài Gòn. Lúc nào cũng ân cần tình cảm, đặc biệt rất dễ khóc dù tuổi đã chạm dần vào cõi khác.
Khi xa nhà, tôi hay níu theo những bóng dáng, những hình ảnh gợi tới gia đình. Ờ mà thật lạ, đi càng xa vẫn thấy ngôi nhà của mình gần đây thôi. Có một câu chuyện thế này: một đứa con trở về nhà than phiền với bà mẹ già, sao nhà mình giờ xa thế, bà mẹ giảng giải rằng, nhà mình bao năm trời vẫn ở đây thôi, chỉ có con là đi quá xa mà thôi…Câu chuyện chỉ có vậy mà thấm thía. Cho nên, đi thật xa, tôi cứ cho căn nhà của mình vào ba lô rồi cõng đi, thế là cảm giác bình yên lại đến.
Ngồi trên bến nước, mông lung nghĩ tới những mái nhà bên kia sông nép bình yên vào một màu xanh châu thổ; cả những đám lục bình trôi miên man trên sông mà có ai đó đã ví như những kiếp người bềnh bồng theo con sóng, chợt thấy đời người thật bé nhỏ mà cũng vĩ đại làm sao. Trong sâu thẳm lòng mình, sự yên tĩnh đồng nghĩa với những bến bờ bình yên mà tâm hồn neo lại...
Mọi sự sẽ thay đổi khi tôi trở về sau một cuộc đi. Người già thêm tuổi, tóc thêm trắng, lưng trĩu còng về đất. Bọn nhỏ thì nhích dần lên, không còn thơ ngây. Cuộc sống chưa bao giờ ngừng nghỉ. Những cánh đồng ngút gió, những vườn cây miệt mài bói quả, miệt mài làm cái chức phận của phì phiêu, của bạt ngàn phóng khoáng...Xa nhà, người lớn cũng là một đứa trẻ, cũng thích gần bên mẹ, được ấp ôm, chiều chuộng...
…Mỗi sáng tinh mơ, nơi cái nắng bắt đầu hoe hoe ở thành phố phương Nam, tôi tìm thấy sự bình yên khi ngồi xuống chiếc ghế cũ kỹ thấp lè tè. Để dì Tư chan cho một tô miến mà nước dùng ít ngọt đường, gần với vị Bắc. Và ngay cạnh chỗ tôi ngồi, cổng ngôi chùa như chưa bao giờ đóng. Tôi nhẩn nha thật chậm tô miến và thấy như con đường về nhà thật gần, dù quanh tôi đang chằng chịt những cung đường miền Tây xa lạ./.