Blog Xíu: Được nghỉ cũng đau đầu

Thu nhập không đồng đều khiến những ngày nghỉ là niềm vui của người này nhưng là nỗi lo của người khác.

Nước mình giờ thêm nhiều ngày nghỉ lễ. Có những đợt trùng với thứ Bảy, Chủ nhật nên vệt nghỉ kéo dài hơn. Tất nhiên so với các nước trong khu vực, con số 9 ngày nghỉ lễ trong năm chưa phải là cao (Indonesia, Thái Lan- 13 ngày, Philippines- 12 ngày, Trung Quốc- 10 ngày...). Nhưng nếu nhìn vào trình độ, cường độ lao động, mặt bằng thu nhập thì ngần ấy ngày nghỉ cũng đã sinh nhiều rối rắm.  

Trên thực tế, cường độ lao động của giới công chức chưa cao bởi giờ trống còn nhiều. Công chức của chúng ta hay lạm vào giờ nhà nước để sân siu tự thưởng cho mình những khoảng nghỉ không nhỏ. Cứ nhìn vào lượng khách ngồi cafe không hề giảm trong giờ làm việc cho thấy hai xu hướng, một là ở ta, dân chạy mánh làm ngoài nhiều, hai là thói quen chém gió ngoài quán của công chức Việt kể cả đang giờ làm việc. Rồi việc cánh đàn ông, nhất là xứ Bắc quen xài giờ công để nhậu vào buổi trưa đã trở thành lẽ thường tình, thậm chí ăn sâu vào nếp sống, tạo một "tục" mới. Xông xênh giờ làm như vậy mà nghỉ thêm nữa thì sao nhỉ?

Người xứ tây "làm ra làm, chơi ra chơi" với mức thu nhập cao khiến những ngày nghỉ trở thành những ngày thật vui và ý nghĩa, là quãng thời gian xả hết, "refresh" để tái tạo năng lượng. Còn ở ta, những ngày nghỉ dài kéo theo nhiều mảnh tâm trạng. Thu nhập không đồng đều khiến những ngày nghỉ là niềm vui của người này nhưng là nỗi lo của người khác.

Lớp công nhân ca kíp quanh năm cần thêm ngày nghỉ, giờ nghỉ nhưng thu nhập lại không cao nên nghỉ ngơi chưa thể vẹn tròn ý nghĩa. Ngày tết, nhiều người vẫn phải tranh thủ đi làm kiếm thêm vì thu nhập trong năm èo uột quá, trong khi tiền thưởng lại bèo bọt. Người lao động tự do đa phần không thích ngày nghỉ bởi nó ảnh hưởng đến thu nhập. Dịp lễ, dân thành phố đổ xô đi nghỉ xa, lao động nông thôn kiếm việc ngoài thành phố như cửu vạn, xe ôm, bán hàng rong... mất khách, ngồi chơi dài mà cũng chẳng có lòng dạ và túi tiền để đi chơi như nhóm thu nhập cao hơn.  

Những khu vực đắt đỏ chỉ dành cho những người có thu nhập tốt, ổn định.  Ngày nghỉ, các khu du lịch, khách sạn, nhà hàng quán ăn, công viên, khu vui chơi... từ cao cấp đến bình dân đồng loạt kê máy chém đã mài sẵn chờ dịp trảm "thượng đế". Cảnh tượng đi nghỉ mà như đi đày của các du khách trong ngày nghỉ nhiều năm góp vào chuyên mục bi hài trên các mặt báo và trong câu chuyện trà dư tửu hậu của các bà các chị khi đi làm trở lại. 

Những ngày nghỉ, ngành du lịch bội thu lượng khách nhưng thực ra đó là sự tăng trưởng không ổn định. Vì sao? Rõ ràng tư duy kiếm tiền để đi du lịch chưa phổ biến ở xứ ta, nó chưa phải là mục tiêu chính của nhiều gia đình bởi có quá nhiều mối quan tâm "cơm áo gạo tiền" khác. Chỉ những ngày nghỉ và những ngày hè trốn nóng xứ Bắc, dân tình mới tính đi nghỉ, mà cũng chỉ có những nhà có điều kiện để đi xa, chứ thu nhập thấp thì chỉ có nước chui vào siêu thị hưởng sái điều hoà. Vì thế, nhiều nơi, nhất là xứ Bắc, du lịch còn mang tính thời vụ. Theo nhận định chung, nội địa là thị trường trọng điểm nhưng nó vẫn còn bỏ ngỏ nhiều tiềm năng. 

Những thành phần nhiều tiền thích đi du lịch quanh năm đang nghiêng về thị trường xứ người với nhiều dịch vụ "đắt xắt ra miếng", đi chơi xứng "đồng tiền bát gạo", chứ không ù xoẹ như xứ ta, tiền mất tật mang, bỏ tiền đi du lịch mà phải ôm bực về nhà. 

Trong khi, những nơi vui chơi phục vụ đại chúng thì nghèo nàn. Thời kinh tế thị trường, người ta đầu tư để thu lợi chứ ít nghĩ đến công trình phúc lợi, nghỉ ngơi công cộng. Vài năm trước, khi hay tin Công viên Thống Nhất Hà Nội có nhà đầu tư định nhảy vào nâng cấp thành một quần thể mới với nhiều dịch vụ vui chơi hiện đại, bà con phản đối ầm ầm. Chúng ta chưa đủ điều kiện và cả thói quen hưởng thụ dịch vụ cao cấp, thành thử vẫn cần những nơi công cộng. Mặt khác, mảng phục vụ đại chúng như thế còn thể hiện tính ưu việt của một xã hội vì con người.

Tuy nhiên, trớ trêu là những nơi công cộng như công viên, vườn hoa... không thu được nhiều tiền thường bị xuống cấp trầm trọng, chủ yếu chỉ phục vụ nhu cầu tập thể dục dưỡng sinh và đám nghiện hút chích, cờ bạc, tệ nạn xã hội... Cái thời thanh niên lao động công ích (một vẻ đẹp rất xã hội chủ nghĩa) đắp nên đường Thanh Niên tươi trẻ có lẽ đã xa như chuyện “cổ tích”? 

Đó là cả một "khối mâu thuẫn lớn"?. Với một xã hội mà thành phần chi tiền bạc cho mua sắm tiêu dùng, dành thời gian cho vui chơi, giải trí đang ngày một tăng, ngành du lịch-dịch vụ vẫn đang "phát triển chưa tương xứng với tiềm năng" là sao nhỉ?... Chưa kể một vài hệ lụy như tình trạng giao thông ngày nghỉ kẹt cứng ở những tỉnh thành trung tâm du lịch và những ngả đường về quê. Thông chỗ này lại tắc chỗ kia! 

...Mấy ngày nghỉ dài sướng thế mà lại phải đau đầu suy tính: đi đâu, xem gì, ăn gì. Mấy ngày dài nghỉ ngơi với gia đình bổ ích vậy nhưng nhiều người  vẫn nhấp nhổm nhớ cơ quan, công sở, nhớ những ngày cơm hộp, tiệc tùng, buôn chuyện cafe, bia hơi chém gió, lại được lẹm vào 8 giờ vàng ngọc, cũng vui, hề hấn gì!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên