Blog Xíu: Gương mặt khác của du lịch

Bảo tồn di tích, di sản cho ngàn đời chứ không phải để mang tiềm năng, thế mạnh tô trát cho khẩu hiệu "Gà đẻ trứng vàng".

Sau Tết Âm lịch, trời còn nhiều sương, tranh thủ lên Sa Pa nếm vị rét xứ núi. Vẫn những lịch trình như cách đây chục năm. Nhưng có nhiều sắc màu mới đang ùa về. Sa Pa giờ mất dần vẻ thơ mộng, nhường chỗ cho những ồn ào. Cái nhà thờ hiu hắt chơ vơ giữa sương lạnh tạo cảm hứng cho bất cứ ai ưa vẻ cô liêu, giờ lạc lõng giữa một cái chợ đủ thứ hàng, mà nhiều nhất là đồ nhậu.

Sân nhà thờ buổi tối, nhóm múa khèn người bản địa chia nhau từng đồng bạc của mấy tay khách hỉ hả sau chầu nhậu xỉa tiền để mua vui. Lượng khách tăng ngùn ngụt đi kèm những hỗn độn. Nếp sinh hoạt tự nhiên mộc mạc bị ngập chìm trong dòng thác vật chất. Tiếng kêu cứu của những giá trị bị át trong xủng xoảng kim tiền. Những đứa trẻ lai mắt xanh, tóc vàng, sản phẩm của những anh tây balô và phụ nữ Mông không thể gọi là nốt nhạc vui của bài ca hội nhập...

Sa Pa mờ sương hấp dẫn khách du lịch bao đời

Ở bất cứ vùng nào cũng thấy sự xuất hiện gương mặt khác của du lịch. Mặt sáng và mặt tối lúc tương phản rõ nét, lúc lại nhòa vào nhau làm cho chân dung văn hóa, cá tính văn hóa bị phôi pha, biến dạng. Có cầu ắt có cung. Trong ồ ạt dòng người tìm về Hội Lim hẳn có không ít kẻ tò mò hóng xem quan họ bất chấp kiểu cách gì, thế nên mới có những biến tướng như quan họ ngả nón xin tiền... Chứ với những người am tường chọn cho mình những cách thưởng thức đúng nghĩa thì hiện tượng này đâu dễ thành phổ biến.

Chúng ta hồ hởi đăng ký xin công nhận các danh hiệu di sản thiên nhiên-văn hoá thế giới để sau đó bên cạnh niềm tự hào lại phải đứng trước những nguy cơ của sự "xâm chiếm" một cách hợp pháp của du lịch. Danh hiệu không phải để chơi, để ngắm mà nó đặt ra những bài toán bảo tồn-phát triển; tìm thêm những giải pháp giữ gìn theo kịp nhận thức toàn cầu (giữ cho nhân loại chứ không chỉ chúng ta).

Trước mắt là ngăn chặn tình trạng khai thác, "xẻ thịt" tiềm năng đến tơi bời. Trong khi chúng ta đang mỏng mỏi sự gia tăng khách du lịch thì ở nhiều quốc gia, họ khống chế lượng khách cho các điểm đến. Các giá trị vật thể, phi vật thể bị xâm phạm, các khu thiên nhiên ngập trong rác thải, nguy cơ ô nhiễm biển từ các resort sang trọng... tất cả đều xuất phát từ cách làm du lịch thiếu bài bản.

Một nhà văn khi bàn về vấn đề này cho rằng, khai thác du lịch ở những di sản, lễ hội, những khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt phải hết sức thận trọng; chỉ nên thu một khoản nhất định để góp vào kinh phí tổ chức... chứ không nên đặt thành mục tiêu lợi nhuận, không biến hội hè thành chợ búa kinh doanh. Bảo tồn cho ngàn đời chứ không phải để mang tiềm năng, thế mạnh tô trát cho khẩu hiệu "Gà đẻ trứng vàng".

Sống và ứng xử như thế nào với di sản cũng là một câu hỏi không dễ trả lời. Slogan chính là định hướng lâu dài, là tinh thần chung của cả một ngành du lịch, thậm chí là hình ảnh một quốc gia, vì thế với nhiều nước, nó rất ít phải thay đổi. Trong khi đó, ngành du lịch vẫn đang loay hoay lúng túng đi tìm slogan cho du lịch nước nhà. Rất nhiều phương án được đưa ra, thậm chí thuê cả tư vấn nước ngoài mà cái slogan vẫn phải thay đổi liên tục.

Kiểu cách của ta cho thấy sự thiếu định hướng và cách làm ít xuất phát từ thực tế. Định hướng, khẩu hiệu chung thay đổi loanh xoành xoạch như thế thì thử hỏi không lo lắng sao được với những cách khai thác du lịch thiếu bài bản, "ăn xổi ở thì"?!

Đó chính là một gương mặt khác của du lịch. Gương mặt chứa nhiều ẩn họa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên