Blog Xíu: Hoài niệm chuyện… xếp hàng

Thời bé, vẫn thường phải xếp hàng mua gạo, thịt, cá, nhu yếu phẩm... Nhiều hôm đặt hòn gạch từ đêm trước để đánh dấu. Sáng hôm sau chạy ra vẫn còn nguyên vị trí.

Và cứ như vậy, chủ nhân những viên gạch “sống còn” đó thế vào để đứng chờ mua hàng. Không ai xê dịch làm ảnh hưởng đến vị trí gạch xếp. Trật tự, không ì xèo và huyên náo, tranh giành như thời nay.
 
Giờ thì ngay cả những chỗ sang trọng, cần sự ngay ngắn, người ta cũng chen lấn, xô đẩy, giành giật, ganh đua.
 
Thời ấy, các cụ già thấy đám con trẻ tóc còn lơ thơ, tay bao tải, tay sổ gạo xếp hàng, liền dành chỗ cho mua trước; bọn trẻ cũng biết nhìn ngang trông dọc, ưu tiên kính nhường các cụ. Ấm áp làm sao cái thời bao cấp nghèo khó.
 
Nhưng cũng có những bà bán hàng gớm mặt, ngồi cao chót vót hách dịch ban phát. Thi thoảng vài mụ “phe” cầm theo một mớ tem phiếu mua được của cán bộ, luồn lọt tắt qua ngách cửa khỏi cần xếp hàng. Thời đó, những kiểu người như thế ít thôi, có lẽ đấy là những “mầm mống” của những mánh khóe hiện đang hoành hành trong xã hội.
 
Cái thời gian khó đó có những hình ảnh giờ không bao giờ còn nữa. Ngày mà mới có đèn xanh đèn đỏ nơi ngã tư, buổi đêm thanh vắng, người xe thưa thớt, không có bóng cảnh sát nhưng thường xuyên vẫn thấy những chiếc xe đạp dừng chờ đen xanh. Bây giờ, nếu ai làm thế, rất dễ bị mỉa là “cám hấp”!
 
Bọn trẻ chúng tôi hồi đó xếp hàng ngay ngắn để vào lớp. Đẹp làm sao từng hàng đôi trật tự vào lớp rồi rẽ sang hai bên chỗ ngồi. Đi đầu ngồi bàn đầu, đi giữa bàn giữa, xếp cuối bàn cuối. Và có luật là tốp đầu thường là học giỏi, hoặc bị mắt kém. Tốp nghịch ngợm, cá biệt, đội sổ thì ngồi hàng dưới.
 
Nhưng khi ra đời, nhiều người trong chúng tôi không giữ nếp xếp hàng như thế. Cuộc sống khắc nghiệt xóa đi mọi trật tự. Trong lớp học cũng có bạn sớm bỏ cuộc; có bạn vươn lên; có bạn tự tụt xuống hàng dưới; có người thành, người bại.
 
Xếp hàng để xã hội có trật tự công cộng, đó là cách ứng xử của con người văn minh. Nhưng ở ta, nhiều khi việc xếp hàng lại bị vận dụng rất ư là không phải. Trong nhiều lĩnh vực, như tổ chức, nhân sự, đánh giá công việc, cống hiến  nếu cứ giữ tư duy xếp hàng thì gay go. Người có năng lực, cần phải được khuyến khích hoặc nhường đường tiến lên trước. Chứ cứ phải chờ xếp sau các bác tuổi tác, kinh nghiệm thì lớp trẻ mòn mỏi lắm.
 
Sợ nhất là những anh không thực lực mà lại chen giỏi và khỏe. Họ chen theo lối tắt, cửa sau, chạy thành tích, chạy thi đua, chạy ghế, sao mà dễ chui lọt thế.
 
Biết vậy mà khó lắm thay!/.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên