Blog Xíu: Lịch sử không nằm im

Lịch sử là một phần của cuộc sống. Lịch sử không nằm im. Tình yêu lịch sử dân tộc phải được thấm vào lớp trẻ qua những câu chuyện cảm động

Bất cứ nơi đâu trên mảnh đất này, dưới mỗi mái nhà đều có những nỗi đau chiến tranh. Một thuở, đàn ông vắng nhà, đàn bà, phụ nữ ở phía sau gánh vác bao nhiêu chức phận. Nhiều bà mẹ không có được niềm vui trọn vẹn trong ngày chiến thắng. Những chiếc “cột nhà” đi xa hết, căn nhà trống tênh, chỉ mình mẹ với dãy ảnh thờ dài như tháng năm chờ đợi.

Tôi đọc trong tập tùy bút “Tản mạn trước đèn” của Đỗ Chu có hình ảnh liệt sĩ phi công Vũ Xuân Thiều. Anh hy sinh sau trận cảm tử với B52 đêm tháng Chạp Hà Nội 1972. Anh là người con trai duy nhất, niềm hy vọng còn lại của mẹ sau khi người cha ra trận không về. Thấy cả hình ảnh một người đàn bà ngoại thất thập sống ở một xóm nhỏ sau mé đồi. Chồng là liệt sỹ nằm lại ở Điện Biên, đứa con trai duy nhất hy sinh tại Quảng Trị. “Bây giờ chị không sống với chúng ta hỏi còn sống với ai. Cứ đợi đến tối mà nhìn sẽ rõ, nhà chị là một ngọn đèn dầu thấp thoáng hiện ra trong đêm dưới cánh bay của chúng ta”.

Đó là thứ ánh sáng bền bỉ trong những ngôi nhà hiu hắt. Ở đó có những bà mẹ vẫn đang “vọng phu” mà không hề hóa đá. Đó là huyền thoại mà cũng là máu thịt trong đời sống này.

Tôi đã ghé tới nhiều gia đình người lính. Khi nhìn vào những dáng gày tong teo và những cặp mắt buồn của những bà mẹ, tôi hiểu lịch sử sẽ không bao giờ được ghi đầy đủ trên những trang sách. Lịch sử chỉ ghi lại những con số, cột mốc, sự kiện. Và những dòng tâm trạng, những số phận chiến tranh, tôi phải tìm đọc trong những trang văn, trang báo. Thế rồi cũng chẳng bao giờ có thể lấp đầy cho những cõi lặng, những hy sinh không thể nói hết bằng lời…

Thời nay, người ta thích phô trương những kỷ lục. Ngay cả những việc làm rất cần sự bền bỉ, lặng thầm như tri ân quá khứ, chúng ta đôi khi cũng hay “trình diễn” và đánh bóng một cách màu mè. Làm sao có thể “cân đo đong đếm” được những mất mát. Làm sao định giá được từng thước đất chúng ta đã giành lại cho ngày hòa bình. Thế mà đâu đó vẫn còn những kẻ vô lương tâm xà xẻo những đồng tiền hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách, xà xẻo chút nắng ấm mới nhen lên trong những mái nghèo, những vùng trũng nhất, xa khuất nhất của cộng đồng xã hội; xà xẻo từ những công trình tượng đài tưởng nhớ, tri ân…

Những người mẹ đó không cần sự thương hại trịch thượng. Mẹ chỉ mong những người xung quanh sống với nhau sao cho thật tốt, thật đồng lòng, chia sẻ…

Năm học mới sắp đến cùng với những ngày lịch sử. Lại soi chuyện cũ: đó là những điểm số môn sử kém cỏi, rộng hơn là những môn học xã hội-nhân văn. Và câu hỏi cũng không có gì mới: học và dạy sử như thế nào (?) vẫn lại làm chúng ta “đau đầu”.

Thực ra không thể đổ hết lỗi cho lớp trẻ. Bấy lâu nay, trong quan niệm của nhiều nhà trường và cả những bậc phụ huynh, môn sử luôn là “môn phụ”, nghĩa là không cần phải tập trung học, mà tương lai của cậu ấm cô chiêu nằm ở những “môn chính”, “môn tủ”. Cách dạy sử vì thế ít có sự đổi mới, quá lệ thuộc vào những trang sách giáo khoa. Nhà trường là vậy, ở bên ngoài, hệ thống bảo tàng cũng ít có những hình thức “làm mới” hiện vật. Cuộc sống gấp gáp, nhiều người lao về phía trước mà ít ngoái lại. Những câu chuyện truyền thống cũng thưa vắng dưới những mái nhà. Những cuốn sách ít người đọc đến…

Nhưng lịch sử vẫn là một phần của cuộc sống. Lịch sử không nằm im. Tình yêu lịch sử dân tộc phải được thấm vào lớp trẻ thông qua những câu chuyện cảm động. Lúc đó, lịch sử chuyển động và không còn khó hiểu như trên những trang sách giáo khoa nặng nề. Không gì cuốn hút như lịch sử bằng chính cái cách lịch sử sống trong mọi người với niềm tự tôn. Nhiều khi chỉ một câu chuyện nhỏ cũng sống động hơn nhiều những con số khô khan.

Đối với thế hệ trẻ, khái niệm về chiến tranh thật mơ hồ, những rung động về chiến thắng là từ tư liệu, sách báo, được viết ra bằng cảm xúc của những người trong cuộc, những người lính cầm súng và cầm bút. Mấy năm trước, khi những dòng hồi ký chiến trường của Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc và nhiều người lính khác đến với độc giả như vẫn còn thấm đẫm nước mắt, như vẫn còn vương mùi thuốc súng, lớp trẻ rộ lên một phong trào đọc hồi ký chiến trường.

Điều đó phần nào làm sáng lên một vài góc còn tối trong đời sống tinh thần thế hệ trẻ. Những chuyến tàu, chuyến xe về Quảng Ngãi, nơi liệt sĩ Đặng Thùy Trâm hy sinh, như nối lại những cuộc hành trình còn dang dở. Một bệnh viện mang tên nữ liệt sĩ đã ra đời như viết tiếp những dòng lịch sử không phải trên những trang giấy, mà ngay trên mặt đất đã hết đạn bom nhưng vẫn còn khó khăn, tham nhũng, đói nghèo và bệnh tật.

Lịch sử không đóng cửa với hiện tại, mà thực sự đã có ích rất nhiều cho cái thời cuộc mà người ta hay nghĩ đến mưu sinh, cơm áo, chứng khoán, đất đai và những phi vụ. Lịch sử có vai trò phán xét những giá trị, và làm cho chúng ta thăng bằng nhờ những điểm tựa bền vững. Và không những thế, nó còn tiếp tục gánh vác sứ mệnh đắp xây những chất liệu mới cho cuộc sống hôm nay. Lịch sử sẽ lên tiếng trong lớp trẻ bằng những xúc cảm chân thành!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên