Blog Xíu: Những hào quang che lối

Sức ép đè nặng lên những "thần tượng" đã được vinh danh. Con đường phía trước luôn giăng mắc những ảo vọng, hào quang che lấp những chân dung, hình bóng thực

Vụ "lình xình" giữa gia đình một thí sinh 15 tuổi và Ban tổ chức chương trình truyền hình thực tế "Việt Nam's Got Talent" vẫn chưa có hồi kết. Thậm chí em thí sinh này còn gửi thư cầu cứu lên Quốc hội với nội dung cho rằng chương trình đã dàn dựng cắt xén, lắp ghép nhằm bóp méo hình ảnh gia đình em...

Xung quanh lá thư có 2 luồng ý kiến dư luận: phía thì thông cảm với em và phê phán ban tổ chức; phía lại chê trách phụ huynh của em đã can thiệp quá sâu vào câu chuyện đáng lý ra không nên phải ầm ĩ như vậy. Và mới đây sự việc lại bị tiếp tục thổi bùng lên khi chương trình Thư giãn trên truyền hình lấy câu chuyện đi thi này để làm chất liệu tiểu phẩm, mà dư luận cho rằng, đó đích thị là một đòn "hạ gục". Chưa biết đúng-sai ra sao nhưng rõ ràng người thiệt thòi nhất vẫn là các em.

Thí sinh Quỳnh Anh tham dự cuộc thi "Việt Nam's Got Talent"

Thần tượng mỗi thời mỗi khác, phụ thuộc vào quan niệm từng thời kỳ, cũng như sự bền vững của chính các hình ảnh. Nếu nhìn vào sự chọn lựa hình mẫu của các bạn trẻ thời nay thì sẽ thấy "thang điểm" đã khác trước. Anh bộ đội, cô giáo viên, anh công nhân... nhường chỗ cho những mẫu người của công chúng- "bóng bẩy, sành điệu".

Xứ ta vì thế ngày càng rộ lên các cuộc thi tìm kiếm tài năng, thần tượng mang nặng tính giải trí mà giải thưởng cao chót vót gấp nhiều lần các giải toán học, văn học... Mọi người, nhất là các bạn trẻ nô nức đi thi (người muốn thể hiện tài năng; người hy vọng vào một cuộc "đổi đời" với số tiền thưởng khổng lồ đâu dễ kiếm bằng sức lao động đơn thuần, người khát khao đi tìm thần tượng, xây dựng và đánh bóng hình ảnh...).

Không phải gia đình nào cũng đi thi chỉ để vui như mục tiêu của ban tổ chức. Và nhiều bạn trẻ đã phải gánh "sứ mệnh thi cử" nặng hơn nhiều năng lực của mình.

Xin lưu ý là hầu hết bản quyền các chương trình truyền hình thực tế được mua từ Mỹ và các nước châu Âu mà văn hoá khác xa với ta. Cho nên có độ vênh nhất định khi chương trình xuất hiện tại Việt Nam. Mục đích các chương trình thì đã rõ: tính giải trí đặt lên hàng đầu. Và nhiều chương trình còn có mục tiêu thu lợi nhuận từ việc thu hút lượng khổng lồ tin nhắn bầu chọn (mà có sao đâu nhỉ, mục đích rõ ràng mà, ngay đến bầu chọn kỳ quan thế giới cũng là cuộc chơi của những ông chủ kinh doanh giỏi moi hầu bao thiên hạ với hệ thống nhắn tin chạy hết công suất trên phạm vi toàn cầu).

Khoan bàn đến chất lượng các chương trình bởi với tiêu chí như vậy thì nhiều chương trình đã đạt được mục tiêu. Điều đáng nói là đã xuất hiện những hệ lụy. Sau các cuộc thi như thế bao giờ cũng là những cuộc lình xình, cãi vã, thậm chí còn có nguy cơ đưa nhau ra toà. Điều ít thấy ở những chương trình truyền hình truyền thống. Không rõ có phải bản chất là thực tế nên phải có những tì vết, những tai nạn thì mới là tôn trọng "một phần tất yếu của cuộc sống".

Cho nên sức ép còn đè nặng lên cả những "thần tượng" đã được vinh danh. Phía trước con đường luôn giăng mắc những ảo vọng, hào quang che lấp những chân dung, hình bóng thực, không khéo sẽ rơi vào trạng thái khó kiểm soát. Có nhạc sỹ sau một cuộc thi tìm kiếm ca sỹ thần tượng đã phải thốt lên rằng, mọi cái bây giờ mới bắt đầu với các em. Cuộc thi là chặng đầu tiên đưa các em ra với công chúng, với dư luận khắc nghiệt.

Thực tế đã có những đứa trẻ bị quá nhiều sức ép trong học tập, trong những kỳ vọng quá lớn từ phía gia đình. Chúng đã tìm đến những hành vi tiêu cực nhất để giải thoát khi thiếu sự gần gũi của người lớn. Gần gũi như một người bạn chứ không phải kiểu bề trên áp đặt những mối quan tâm thái quá và đòi hỏi vô lối. Đừng bắt các em sắm các vai quá lớn, mặc chiếc áo quá khổ.

Trả các em về với hồn nhiên, sân trường, bè bạn cùng trang lứa. Hướng các em vào những giá trị thật giản dị mà vĩnh cửu: lòng nhân ái, sự hướng thiện. Bài học thuộc lòng đó còn dành cho tất cả chúng ta trong một xã hội có nhiều thay đổi!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên