Blog Xíu: "Sẩy một ly…"
Những cuốn sách, cuốn vở kém chất lượng sẽ bị thu hồi. Thiệt hại kinh tế nhìn thấy ngay. Nhưng những hậu quả khác thì rất khó lường.
Người ta mới phát hiện trong vở luyện tập Tiếng Việt 1 do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành những lỗi chính tả thật khó chấp nhận: "Dù ai đi ngược về xuôi-Nhớ ngày dỗ Tổ mùng mười tháng ba"; hoặc cây nêu viết thành lêu...
Rồi mới hơn nữa, trong cuốn truyện tranh "Ngụ ngôn về ước mơ" của Nhà xuất bản Kim Đồng, thống kê 6 trang truyện có tới 45 lỗi chính tả, đại loại như câu "Mặt đắt trở nên ngày càng mênh mồng dưới những bước trân của hắn". Cuốn truyện được phóng to trưng bày tại Thư viện Hà Nội trong Festival truyện tranh lần thứ 3.
Tác giả cuốn vở lên báo cải chính rằng đã không kiểm tra bản chỉnh sửa cuối cùng trước khi in. Lãnh đạo Thư viện Hà Nội đổ lỗi chính cho Nhà xuất bản Kim Đồng. Nơi xuất bản chịu trách nhiệm chính là hoàn toàn chính xác. Nhưng cũng cần xem lại cái kiểu "đem con bỏ chợ" của tác giả tập vở. Việc kiểm tra trước khi in của chính tác giả là hết sức cần thiết để đứa con ra đời một cách lành lặn và không để lại những hệ luỵ.
Cũng như vậy với trường hợp Thư viện Hà Nội. Là đơn vị phối hợp tổ chức Festival lẽ ra thư viện hoàn toàn có thể ngăn không để lọt lưới những lỗi to đoành bày ra trước bàn dân thiên hạ ngay tại nhà mình. Cộng đồng trách nhiệm xem ra đang có vấn đề ở nhiều lĩnh vực. Thành công thì tập thể vỗ tay cùng hưởng, sai lầm thì chỉ trút vào một vài đối tượng...
Những cuốn sách, cuốn vở kém chất lượng sẽ bị thu hồi. Thiệt hại kinh tế nhìn thấy ngay. Nhưng những hậu quả khác thì rất khó lường. Món ăn vào miệng bị mất vệ sinh đã có thuốc đau bụng, cùng lắm là nhập viện; những món ăn tinh thần dính sạn, chưa kể bị virus độc hại xâm nhập, chắc chắn sẽ gây nỗi đau dai dẳng cho những nạn nhân non nớt.
Những cuốn sách giáo khoa, sách truyện...luôn là "những người thày" không chỉ của các học sinh. Bọn trẻ luôn gửi niềm tin vào những người thày thầm lặng. Sách hay, nội dung tốt, hình thức đẹp, ít lỗi, bọn trẻ được nhờ. Sách làm ẩu, học sinh ngơ ngác không biết tin ai. Tình trạng tràn lan học sinh nói ngọng, viết sai chính tả, rồi bị ảnh hưởng bởi những sản phẩm độc hại... buộc chúng ta phải suy nghĩ.
Hiện nay, trong sự bát nháo của thị trường sách, trong sự cạnh tranh quyết liệt của các nhà xuất bản, các công ty truyền thông, hệ thống đầu nậu..., đã xuất hiện nhiều cuốn sách kém chất lượng cả về nội dung và hình thức. Trong đó đáng buồn có cả những cuốn sách góp phần vào quá trình dạy các em nhỏ làm người. Có nhiều người làm sách chỉ quan tâm đến kết quả hợp đồng, lợi nhuận phát hành... mà không nghĩ tới những nạn nhân phải hứng chịu.
Câu chuyện ì xèo về việc bán giấy phép xuất bản, phó mặc nội dung cuốn sách cho "đầu nậu" không phải là tin đồn. Đó là chưa kể quy trình làm sách cũng còn nhiều chuyện "này, nọ". Một vài người bạn đã có dăm đầu sách kể rằng, mỗi lần in sách, bản thảo in gửi kèm theo file vi tính đã được soi rất cẩn thận nhưng đơn vị làm sách vẫn tổ chức đánh vi tính lại hàng trăm trang. Và đương nhiên không tránh khỏi những người đánh máy trình độ kém và cẩu thả.
Không hiểu lắm về các khâu làm sách, tôi nhăn mày thắc mắc: "Làm như vậy thì thật lãng phí?". Anh bạn phán rằng: "Ông xem, những vị nhân viên đánh máy chữ rớt lại từ thời trước, giờ các nhà xuất bản biết xếp đi đâu. Thế cho nên mới có quy trình đánh lại văn bản cho đỡ ngồi chơi xơi nước"(!?)
Viết đến đây tôi chợt nhớ đến câu chuyện về cuốn sách thánh hiền chữa đau bụng: "Đau bụng uống nhân sâm...", sang trang bên mới ghi "thì chết". Người nhà bệnh nhân nhanh nhảu đoảng không đọc trang bên, cho uống nhân sâm ngay, lúc ngó thấy hai chữ "tắc tử" thì đã quá muộn.
Nhiều thứ cứ tưởng nhỏ mà "Sẩy một ly, đi một dặm" như chơi!/.