Blog Xíu: Thư gửi con những ngày hè

Con hãy cứ vẽ những gì quanh mình như con nghĩ, vẽ cả mộng mơ nữa, nhưng phải thật hồn nhiên con trẻ. Và con cũng đừng vẽ chỉ vì những giải thưởng

1.Ngày mai, con thi đầu vào lớp Một, cũng “chọi nhau” như thi đại học. Thế mà tối hôm trước con vẫn hồn nhiên nghịch đùa, vẫn ôm gấu bông ngủ ngon lành. Chỉ có bố mẹ là thao thức. Vẫn biết không nên tạo áp lực cho con nhưng lại vẫn muốn con học trong môi trường tốt, có nhiều đổi mới giáo dục. Cuộc đời thật mâu thuẫn. Vẫn muốn các con vui chơi dịp hè, bù lại những ngày học nặng nhưng lại vẫn sợ các con “tụt hậu” trong năm học mới nên vẫn đẩy vào các lớp học thêm. Mấy tháng hè lại nặng nề trôi qua.

Đã thế, mẹ cứ lo con kém môn văn vì thấy con cộng trừ thì nhanh, còn kể chuyện theo tình huống, theo tranh, ảnh thì chậm và ngô nghê lắm. Ôi trời, lo gì, không phải đứa trẻ nào cũng là thần đồng như bác Trần Đăng Khoa hồi nhỏ đâu. Thế thì loạn. Bố cũng nhiều năm chép bài văn mẫu bỏ xừ. Tại sao lại như vậy, lớn lên con sẽ hiểu.

Giờ con mới gọi là viết được những con chữ non tơ (Ảnh minh hoạ)
Học trò tốt là phải biết thoát ra khỏi cái bóng của thầy. Học thuộc lòng đã khó nhưng để cảm thụ và tìm ra cách nghĩ riêng mình càng khó hơn. Trong đời học sinh, có ba thầy cô làm bố khó quên nhất. Ba người mỗi người một cách dạy.

Người thứ nhất dạy văn như toán. Có lần bố bị xơi điểm kém vì đã chia dàn ý bài văn khác với cô. Cô bảo “cô đã hướng dẫn vậy thì cứ làm vậy, sao em lại làm khác?”. Bố thưa rằng “nhà văn có nhiều đoạn cố tình viết lặp ý nên thật khó chia dàn ý”. Mặt cô xạm lại. Không hiểu sao từ hôm ấy bố không dám làm “học trò tốt” nữa. Điểm số môn văn có khá lên mà sức cảm thụ giảm hẳn khi phải copy những bài văn.

Người thứ hai là chuyên gia tổ chức dạy thêm. Ai đến học nhà thầy thì điểm tốt lắm. Hồi đó thời bao cấp, nhà mình nghèo, chắc ông bà khó kham nổi tiền học thêm nên bố giấu không nói và chấp nhận những điểm số không đáng có. Không học thêm, chỉ có cách là học thật kỹ, thật chăm để làm bài thật tốt, có bị trừ điểm thì vẫn còn vốn, không bị dưới 5.

Người thứ ba là một người thày lãng tử. Vào lớp, thày diện áo choàng, mũ phớt trông chẳng mô phạm kiểu một nhà giáo chút nào. Cái cách thày nhập môn cũng ấn tượng vô cùng. Thày say sưa đưa các học trò tới những miền xa hơn những trang giáo án, dạy những bài học đạo lý mà không hề cứng nhắc. Đặc biệt, thày hay khuyến khích những bạn diễn đạt ý văn gọn gàng mà độc đáo, tránh viết lê thê dài dòng. Những bài viết tham khảo của thày thật cuốn hút. Văn nghị luận mà uyển chuyển tài tình; văn trữ tình lại không sa đà, sáo rỗng; văn phong giản dị, viết như không nhưng chứa nhiều nội lực.

Viết đến đây bố chợt nhớ đến một người bạn vong niên, bác ấy là giảng viên môn văn hóa học ở một trường đại học. Đó là một con người đầy chất nghệ sĩ và bác ấy luôn tạo một không gian đầy hứng khởi cho lớp học. Mỗi bài học được chắt ra từ những hành trình, thẩm thấu vào sách vở một cách tự nhiên, không khuôn mẫu. Lên lớp bác hay mang theo cây đàn sến, linh hồn của những đêm tài tử Nam Bộ. Bài học trong tiếng cười, tiếng hát, tiếng đàn..., kiến thức thấm vào mỗi người lúc nào không hay...

Thế mà có dạo, bố khốn khổ loay hoay trong đống văn mẫu một thời gian dài. Bất cứ viết bài luận, bài bình, hay bài phân tích, bố đều chia làm ba phần như chia con cá vậy, khúc đầu, khúc thân và khúc đuôi. Bố gắng làm sao viết được theo kiểu của các thày, thành thử bài văn viết xong, đọc lại cứ phải “ngả mũ chào thày” liên tục. Nghe thày bảo, cụ Nguyễn Tuân ví nước Hồ Gươm như nước rau muống luộc, quả là tài tình không thể ví von hay hơn thế. Vậy là bố mặc định luôn “Nước Hồ Gươm đích thị như nước rau muống luộc”, không dám tự mình so sánh. Sức tưởng tượng bị đóng đinh vào các bài mẫu, các thần tượng; cá tính không có đất vẫy vùng...

Hồi đó vậy, hồi nay cũng vẫn thấy thế. Bố thấy các con nghe lời thày cô, bố mừng. Nhưng đừng máy móc quá mà quên cách nghĩ riêng mình. Bố không muốn đóng cánh cửa bình đẳng với các con. Không gian đối thoại sẽ giúp các con tự tin nhập cuộc, tự tin nói lên suy nghĩ của mình.

2. Sáng sớm nay, khi cái nóng hừng hực trước cổng cơ quan, bố bỗng nhận được ngọn gió của con thổi ra từ cái ngăn kéo bàn bác bảo vệ. Ngọn gió mát đó là cái thư đầu tiên con viết cho bố. Giờ con mới gọi là viết được những con chữ non tơ. Nó như đàn gà con mới nở vừa bung ra từ cái vỏ trứng. Bước đầu thế là đẹp rồi.

Bố nhớ ngày trước bố viết còn vất vả hơn, bố thuận tay trái, vậy là ông phải luyện để bố viết tay phải. Con phải cố gắng tập viết những chữ cái sao cho đúng, cho đẹp-đó là những chú gà con đầu tiên chập chững bước ra ngoài cái sân bừng sáng hơn là trong cái vỏ trứng. Chỉ có điều sau này khi con đã chạy nhảy tung tăng trên những cái sân rộng thênh thì đừng quên cái vỏ trứng con nhé. Cũng như bố không thể quên những dòng chữ đầu tiên bố viết, trong đó có cả những bản kiểm điểm vì bố nghịch làm ông bà buồn...

... Bố mang tranh vẽ và lá thư của con ra khoe với mấy bác cơ quan. Ai cũng khen, nói là tranh này dự thi được. Bố bảo là con thích vẽ lắm, và cũng cầu toàn lắm, vẽ xấu là rơm rớm nước mắt ngay. Bố yêu bản tính đó của con, đã làm bất cứ việc gì từ nhỏ đến lớn đều phải hết mình, đặc biệt phải gửi cái tâm, cái tình trong đó. Và luôn mong các con là người tốt, sống lành thiện, đừng nghĩ đến những gì không phải của mình, không dành cho mình.

Khi ngồi viết những dòng này, ngắm bức tranh con vẽ, bố thấy yêu những đường nét thô vụng của riêng con. Con hãy cứ vẽ những gì quanh mình, như con nghĩ, vẽ cả mộng mơ nữa, nhưng phải thật hồn nhiên con trẻ. Và con cũng đừng vẽ chỉ vì những giải thưởng. Bức tranh đã được treo trong lòng bố! Đó chính là giải thưởng lớn nhất.

Thôi bố ngủ đây. Để mai thức dậy, bố còn phải “tập viết” nữa. Và lại ra cái ngăn kéo chờ ngọn gió mát lành của con./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên