Blog Xíu: Thượng đế bị chửi

Dân mình kể cũng lạ, ở nhà cơm dẻo canh ngọt, vợ chiều chuộng không thích, lại cứ thích được ăn mắng, ăn chửi ngoài quán.

Tôi, Bắc-Nam đi lại đã nhiều, tiệc tùng và cả cơm đường cháo chợ, chỉ có Tây Tàu ít bén mảng, không hiểu xứ người ra sao, chứ ở ta, ăn uống ngoài đường giờ hãi lắm. Này nhé, cái hãi đầu tiên là chuyện bị ăn... bẩn. Ngày nào, Đài, báo, mạng cũng ra rả truyền thông; bác loa phường cũng rỉ rả nhắc nhở các hộ kinh doanh phải ký cam kết, người tiêu dùng thì phải thông thái để không bị lừa, nhưng xem ra mọi sự vẫn đâu vào đấy.  

Vừa ngồi ăn vừa "ngoan ngoãn" ngồi nghe chửi thì là chuyện chỉ có ở nước mình

Hôm rồi mới đọc cái tít báo mạng mà đã thấy lợm cả giọng, trốn biệt mấy ngày trong nhà không dám ló ra ăn hàng. Tít là: "Kinh hoàng phở gián, bún thạch sùng...", kèm theo những tấm ảnh chớp tại các quán hàng mất vệ sinh, xem xong muốn ói. Một thông tin nữa là hơn chục cầu thủ Đà Nẵng đồng loạt hội chứng đám đông nhập viện vì ngộ độc thực phẩm. Mấy cậu cầu thủ khoẻ như vâm còn dính chưởng, huống hồ những kẻ chân yếu tay mềm. 

Mối hoạ rình rập từ các quán hàng, các khu chợ, ùa vào cả mâm cơm gia đình. Kẻ vô lương tâm có muôn phương nghìn kế để làm ẩu, làm liều, làm bừa gây nguy hại cho các thượng đế: từ công nghệ hóa chất, thạch cao, hormon... cho đến đồ giả, cách nấu nướng, bảo quản đồ ăn thức uống mất vệ sinh.  

Chuyện không chỉ dừng lại ở cái ăn vào miệng mà còn gây hãi ở thái độ phục vụ nữa. Có ai đó đã tung hô cho cái gọi là văn hoá Hà thành khi nhắc đến chuyện xếp hàng ăn phở, tôi thì thấy đó là sự ì trệ, kiểu "quan liêu bao cấp" một thời. Lại có người cho rằng nó hợp với hồn phố cổ ở cái nhịp nhẩn nha, chậm rãi, tôi lại nghĩ phố cổ không đọng trong lòng mọi người cái nếp bảo thủ đó. Phố giàu lên mà sang trọng không đi kèm. Buồn là vậy!  

Nhưng mà xếp hàng còn đỡ chứ vừa ngồi ăn vừa "ngoan ngoãn" ngồi nghe chửi thì là chuyện chỉ có ở nước mình. Nhiều người bênh vực khi lý luận rằng, quán ăn ngon thì có bị rác tai một chút cũng chẳng hề hấn gì. Tôi lại thấy đó là "cái tát mạnh" vào thương hiệu thanh lịch của người Thủ đô. 

"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân"- Dân mình kể cũng lạ, ở nhà cơm dẻo canh ngọt, vợ chiều chuộng không thích, lại cứ thích được ăn mắng, ăn chửi ngoài quán. Chửi té chửi tát mà cứ lao đầu vào. 

Người xứ mình cẩn trọng, so đo tính toán nhiều thứ nhưng xem ra cách thức ăn uống thì lại càng ngày càng dễ dãi, thiếu tinh tế. Mỗi lần vô quán ai ai cũng lẩm bẩm câu cửa miệng: “Khuất mắt khôn coi”. Biết là sẽ phải “sực” đồ vớ vẩn nhưng tặc lưỡi thôi thì không tận mắt thấy quy trình nấu nướng thì coi như đã thắng lợi ở phép tinh thần. Rồi câu dằn lòng “Người ta ăn được, mình cũng ăn được” khiến cho sự đại khái, dễ dãi ngấm vào lúc nào không hay. Sự thỏa hiệp đó đã tiếp tay cho lối làm ăn phi đạo đức, chửi bới mắng nhiếc thực khách. 

Khẩu hiệu “Người tiêu dùng thông thái” cũng nên có thêm một vế nữa là “Người tiêu dùng khó tính”. Chỉ có sự phản kháng của một cộng đồng rộng lớn mới đẩy những kẻ táng tận lương tâm, những nhà hàng chửi, mắng thượng đế vào thế chống đỡ yếu ớt, bị tẩy chay và tiến tới đóng cửa, sập tiệm.

Ở nước ngoài, không chỉ chuyện ăn uống "đầu vào" mà ngay cả chuyện khó nói "đầu ra", người ta cũng rất coi trọng, thậm chí có khu du lịch, nhà hàng, quán ăn... còn quan tâm đến chất lượng SAO của các WC, và coi đó như một trong những điểm Cộng (+) thu hút khách... Ở ta còn lâu mới có đẳng cấp đó! 

Thượng đế chính là người góp phần "nuôi nấng" các quán hàng, "trả lương" cho các nhân viên. Ở một số nhà hàng treo ngay ngắn khẩu hiệu: "Khách hàng là người trả lương cho chúng ta". Và buộc nhân viên vào những quy định khắt khe, nhất là thái độ với khách hàng. Tuy vậy, số này đếm trên đầu ngón tay. 

Miền nào cũng có những tạp nham nhưng cung cách phục vụ không chỉ chuyện ăn uống, rõ ràng là trong Nam ổn hơn ngoài Bắc. Miền Nam từ lâu đã thích ứng với xu hướng thị trường nên sự phục vụ thường chuẩn mực hơn, chuyên nghiệp hơn. Ở phía Bắc, dường như vẫn chưa thoát hẳn khỏi cái bóng của thói quen bao cấp, tư duy xin- cho tác động phần nào đến thái độ, văn hóa bán hàng. Không ai cho ai cả, cũng chẳng ai xin ai. Anh có tiền, anh có quyền thụ hưởng dịch vụ theo nhu cầu và có nghĩa vụ chi trả. Tôi thu tiền của anh, tôi có trách nhiệm phục vụ anh. Vậy thôi mà sao khó thế. Đi đâu cũng thấy tràn lan cung cách chụp giật.  

Hồi mới làm báo, một đận công tác Sài Gòn, tôi được vinh dự dùng bữa cùng bà Võ Thị Thắng nổi tiếng với nụ cười mang tên bà, lúc đó làm Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch. Với bà, việc thưởng thức tại những nhà hàng thật VIP là chuyện nhỏ, nhưng chúng tôi đề nghị được ăn tại một nhà hàng loại trung bình như một cách để quan sát vị quan ngành dịch vụ du lịch vi hành. Trong đám đông thấy có vài người nhận ra bà. Quán ồn ào, huyên náo nhưng không hỗn loạn mà rất trật tự trong khâu phục vụ.  

Tôi thực sự ngạc nhiên trước hình ảnh một bác cao tuổi tóc bạc trắng làm bồi bàn tại khu vực chúng tôi ngồi. Bác bồi già luôn thường trực nụ cười bặt thiệp trước những đòi hỏi, những câu nói cửa miệng sặc mùi tiền của nhiều thực khách trẻ. Ông luôn khoanh tay, cúi đầu thưa khẽ: "Dạ, các anh cần gì?” để trả lời đám khách chỉ đáng tuổi con cháu mình. Sài Gòn thêm một ấn tượng với tôi sau lần đi ăn đó.  

Thế mới biết, miếng ăn ngon, manh áo đẹp không chỉ là cái vỏ vật chất mà còn chứa đựng một nền văn hoá. Nó cần bảo lưu, tiếp biến và cả sự sàng lọc, loại trừ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên