“Chém gió” sông Hồng

Cầu Long Biên chạy ngang sông Hồng lồng lộng gió đêm. Nhìn từ xa cây cầu như một dòng ánh sáng trên cao, rực lên trên bầu trời thẫm…

Đêm yên tĩnh khắp thành phố nhưng đêm vô cùng trẻ trung náo nhiệt, tình tứ và cả ngại ngần trên cây cầu đã hơn trăm năm tuổi này.

Đêm nơi đây hội tụ rất nhiều bạn trẻ với muôn vàn câu chuyện, từ những thi vị ngọt ngào lãng mạn và cả xô bồ của tuổi trẻ, của tình yêu, những lo lắng về mùa thi, những sẻ chia thường nhật, những câu chuyện phiếm trên trời dưới nước mà ngôn ngữ thời thượng của đám trẻ bây giờ là “chém gió”. Làm nên những mảng màu vào đêm này là các nhóm sinh viên, những đôi tình nhân, vài nhóm công chức kỹ sư trẻ và những hàng trà chanh, ngô nướng.

Trên mỗi quãng nghỉ nối nhịp ở khu vực giữa cầu là những tấm chiếu của hàng quán mini. Ở giữa cầu vì nơi này trên là vòm trời sao lấp lánh, dưới là Hồng Hà cuồn cuộn sôi réo. Cũng có một vài đồ uống khác nữa như bia, nước ngọt, nhưng thức uống thông dụng ở đây là trà chanh, dăm gói hạt bí hay hướng dương tí tách. Giá cả cũng chỉ nhích hơn mọi quán hàng trên các vỉa hè đường phố dăm ba nghìn, không bắt chẹt, không "chém" khách. Những quán hàng lưu động này được dọn lên từ sẩm tối, càng vào đêm khách càng đông hơn, đông nhất vào quãng giữa đêm rồi giảm dần khi chuyển sang ngày mới chừng hai giờ đồng hồ. Chủ hàng đều là dân sống ở đầu cầu phía bờ bắc và đều biết nhau cả. Chị chủ quán ở quãng nghỉ trên chiều cầu về Gia Lâm còn kể, có dạo cũng có vài đám cướp lên cầu hoạt động, xuống cả bãi Giữa nhưng do bà con ở đây biết nhau nên những kẻ lạ gây mất an ninh đều bị chỉ mặt phải bỏ đi.

Lạ mắt hơn cả là chạy dọc theo chiều dài cây cầu, xe máy dựng nghiêng xuôi chiều ăm ắp như úp thìa ngay dưới lòng cầu. Cứ đôi từng đôi, chỗ này thì ở ngay trên xe, bên cạnh thì tọa trên bậc vốn dành cho người đi bộ lúc ban ngày, cạnh nữa thì dìu nhau tựa lan can, cứ san sát, san sát. Tất cả đều chụm vào nhau mê mải cứ như chẳng có ai xung quanh, như chẳng có những chiếc xe chói đèn hối hả chạy qua. Dưới ánh sáng của đèn vàng mê hoặc, các tình yêu xoắn vào nhau say đắm mải miết, lưng quần trễ một khoảng trắng tối mờ. Thật may là giờ này các cháu nhỏ đã theo chương trình "chúc bé ngủ ngon" từ rất lâu nên các bậc bố mẹ cũng không phải tìm lời cho các thắc mắc của con trẻ.

Kinh hãi là thỉnh thoảng lại có chiếc xe máy thản nhiên chạy ngược chiều cầu cứ như chiều ngược này dành cho chính mình vậy. Các xe này luôn khiến cho các xe xuôi chiều giật mình hoảng hốt. Ai không vững tay lái thế nào cũng loạng choạng, có người phải dừng xe, nép lại nhường đường cho kẻ ngỗ ngược. Chợt nhớ chuyện báo chí mới đăng về một tai nạn đêm trên cầu Sài Gòn do xe máy chạy ngược chiều khiến chàng trai điều khiển xe chết ngay tại chỗ.

Vào quãng hai giờ sáng thì hàng quán được thu dọn dần, nào làn, can, thùng đá, rồi những chai những lon được xếp tất tật chồng chất lên chiếc xe máy một cách rất chuyên nghiệp để khi khách gọi nước thì vẫn lấy được ngay. Từ đó đến quãng bốn giờ thì cả khách và chủ dần tự động giải tán hết, trả lại cầu đường cho ngày mới.

Chợt nhớ, mỗi lần xa Hà Nội đều nhớ da diết, cồn cào giọng hát Trọng Tấn với bài Mong về Hà Nội của nhạc sĩ Dương Thụ. “ Mong về Hà Nội, để nghe gió sông Hồng thổi, để thương áo len cài vội …”.

Từng đôi, từng đôi...

Nhậu!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên