Chúng ta đang “tự giam mình” trong bốn bức tường?
VOV.VN -Đích đến của thiết kế đô thị không phải kiến tạo ra những khối vật chất vô hồn mà là kiến tạo xã hội, kiến tạo ra các cộng đồng dân cư có sự sẻ chia...
Tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân số tăng cao…, chung cư là giải pháp số một cho công tác quy hoạch, thiết kế đô thị; mặt khác, chung cư cũng đáp ứng được nhu cầu của số đông dân chúng thu nhập không cao. Sống ở chung cư đang phổ biến ở nhiều nước.
Ở Việt Nam mô hình nhà tập thể có từ những năm 60-70, và gần đây chung cư phát triển rầm rộ. Nhà tập thể và chung cư có những khác biệt rất lớn. Chung cư có nhiều ưu điểm nhưng cũng có những hạn chế mà thế giới đã cảnh báo và hiện đang phải trả giá.
Sở dĩ nói như vậy bởi hồi đầu năm tôi được nghe PGS-TS Phạm Thúy Loan (Viện Kiến trúc quốc gia) nói chuyện với chủ đề về thiết kế đô thị tại Reading Circle Vietnam. Và gần đây lại được đọc một tài liệu trên TED của bà Grace Kim, một kiến trúc sư, một chuyên gia quốc tế về cohousing (tạm dịch nhà cộng đồng) thì thấy nếu cứ xây dựng những chung cư khép kín tuyệt đối như hiện nay thì rất không nên.
Ảnh: Vũ Long |
Các nhà đầu tư xây chung cư với mục tiêu tăng lợi nhuận nên tăng mật độ xây dựng ở mức tối đa. Việc có được một không gian vui chơi chung thật hiếm hoi. Hạng mục này có thể có trong thiết kế nhưng hầu hết bị cắt xén trong quá trình xây dựng. Không chỉ chung cư giá rẻ mà các khu chung cư cao cấp hơn ở Hà Nội không gian chung cũng chưa được như kỳ vọng.
Tốc độ đô thị hóa chóng mặt, đất đai là vàng, cái giậu dâm bụt nhường chỗ cho bức tường cao ngất ngăn cách hai nhà.
Người ta vồ vập và tôn sùng cá nhân, cái riêng tư; người ta không muốn và không cần mọi sự can thiệp của cộng đồng, và họ coi đó như một lối sống hiện đại, văn minh cần hướng đến.
Có thể đây là một giai đoạn tất yếu của quá trình nhận thức về đô thị, về nhà ở. Hiện tại nhiều người đang thích thú với lối sống mà sự riêng tư được đảm bảo gần như tuyệt đối.
Nếu không thu ngắn quá trình này lại thì vô hình chung chúng ta tiếp tay làm gia tăng cô lập xã hội, dồn con người vào chỗ cô đơn, lẻ loi và cô độc. Đáng ngại hơn nó diễn ra trong bối cảnh giao tiếp qua mạng đang bùng nổ, tiếp xúc truyền thống đang dần nhường chỗ cho các thao tác trên điện thoại thông minh hoặc bàn phím. Bạn sẽ phải đắn đo có nên chào người hàng xóm không khi họ đang dán mắt vào điện thoại hoặc đang nghe nhạc bằng tai nghe.
Phần lớn các khu tập thể trước đây đều dưới 5 tầng (4 lầu), thậm chí khu Đức Giang cạnh chỗ tôi ở còn có khu tập thể 2 tầng (1 lầu), gọi tắt là Khu 2 tầng.
Với độ cao như thế nên cư dân trong khu tập thể hoàn toàn có thể đứng ở hành lang trên tầng 5 gọi với xuống sân để mua một cái bánh mì hoặc nhắn nhủ bạn bè hàng xóm một câu gì đó. Ngoài ra trong khu tập thể có sân chung để mọi người sinh hoạt. Rõ ràng không gian như thế tạo điều kiện cho người ta giao lưu nhiều hơn.
PGS-TS Phạm Thúy Loan kể một câu chuyện để chứng minh không gian sống có thể kiến tạo xã hội. Hồi học ở Nhật, chị sống trong 2 khu ký túc xá, khu thứ nhất có nhà tắm chung, khu thứ hai có bếp chung và phòng khách chung.
Hai năm đầu sống ở khu thứ nhất chị không có thêm người bạn nào. Ngược lại, khi chuyển tới khu thứ hai (có bếp chung và phòng khách chung) chị làm quen được với sinh viên nhiều nước. Người ta không thể tắm chung nhưng có thể làm bếp chung và chuyện phiếm với nhau ở một không gian công cộng gọi là phòng khách. Các mối quan hệ xuất hiện tại đó, cái này phương Tây coi là một loại "vốn xã hội".
Nhìn ở góc độ lịch sử, một thời chúng ta đề cao cái chung, cái tập thể, tính cộng đồng trong khi đó cái tôi bị kìm kẹp. Vô tình, giai đoạn đó cũng là giai đoạn nền kinh tế trì trệ nên sau này người ta dễ lên án cái chung, cái tập thể và coi nó như rào cản của sự phát triển, để rồi đưa chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa vật chất lên ngôi. Nhiều lĩnh vực ở nước ta đi từ thái cực này sang thái cực kia như thế. Và tôi nghĩ cái kiểu thích ở và sống biệt lập khép kín hiện nay cũng có nguyên do từ đó.
Sống khép kín quẩn quanh trong bốn bức tường như một cái mốt sẽ sớm qua đi. Hướng tới chất lượng sống tốt thì không gian sống của mỗi người không thể giống những khách sạn hạng sang. Dọc hành lang là những khuôn cửa kín bưng, vắng lặng. Kiến trúc sư Grace Kim gọi đó là kiểu thiết kế làm “gia tăng cô lập xã hội”. Điều đáng nói ở đây là chúng ta đang lầm tưởng một nơi chốn như thế là biểu tượng của chất lượng sống.
Tất nhiên sự riêng tư phải luôn được tôn trọng và đáp ứng, nhưng hễ khi nào con người sống trong ngôi nhà đó muốn hòa mình với cộng đồng thì họ hoàn toàn có thể.
Chúng ta cần một chốn đi về mà ở đó có tiếng cười tiếng khóc của con trẻ, có tiếng rao đêm, được nghe lời chào và những câu chuyện phiếm của hàng xóm.
Đấy là âm thanh của cuộc sống thường nhật, âm thanh để liên kết xã hội mà con người cần phải có. Hãy tưởng tượng lúc kéo rèm hay mở toang cửa sổ thì bạn không chỉ sung sướng đón bình minh ùa vào mà còn mong đợi thấy cái gật đầu và nụ cười của nhà hàng xóm phòng đối diện. Kiến trúc sư Grace Kim gọi nơi chốn như thế là làm tăng tương tác xã hội.
Có vẻ như chất lượng sống của chúng ta đang trong tay các nhà thiết kế và các nhà thầu xây dựng? Sự lựa chọn không gian sống của chúng ta không nhiều, thậm chí không thể với thu nhập eo hẹp, nhưng phải nghĩ tới nếu chúng ta không muốn bị cô lập trong chính ngôi nhà của mình.
Grace Kim đã đưa ra một mô hình cohousing mà ở đó có không gian sinh hoạt chung cho những người sống trong tòa nhà, ví dụ như bếp và phòng ăn chung để vài hộ dân có thể tổ chức nấu nướng ăn chung vài tháng 1-2 lần hay bất cứ khi nào họ muốn.
Khi ăn chung người lớn chia sẻ và hiểu nhau hơn, bọn trẻ có cơ hội làm quen, chơi chung đồ chơi của nhau…, rồi chúng sẽ cãi nhau thậm chí đánh nhau nhưng rốt cuộc chúng sẽ tự tìm được cách giải quyết mâu thuẫn.
Đấy chẳng phải là điều cha mẹ mong muốn ở con cái khi chúng trưởng thành sao?
Đích đến của thiết kế đô thị (hay chung cư cũng vậy) không phải kiến tạo ra những khối vật chất vô hồn mà là kiến tạo xã hội, kiến tạo ra các cộng đồng dân cư, ở đó có sự sẻ chia, yêu thương, hòa thuận và đồng lòng. Chúng ta đang rất thành công khi tạo ra các chung cư cao tầng nhưng kiến tạo xã hội ở trong đó thì gần như bằng không.
Con người là một động vật xã hội nên không thể sống biệt lập, hoặc vô tình bị đẩy vào hoàn cảnh lẻ loi, cô độc. Xây dựng các thiết chế để mỗi người hướng tới cộng đồng luôn là lối sống lành mạnh và cần thiết. Điều này chẳng có gì mới với chúng ta. Nó đã hiện hữu tại sân đình, trong nhà Rông, ở sân kho hợp tác xã…
Chúng ta đang xua con cái đi học đủ các lớp kỹ năng nhưng chẳng lớp nào dạy hiệu quả bằng chính những va đập thực tế của chúng với xã hội. Bạn sợ hiểm nguy và rủi rõ đến với chúng? Đúng! Nhưng cái cộng đồng nhỏ trong khu nhà bạn ở có thể làm được điều đó một cách khá an toàn.
Bằng kinh nghiệm, vốn sống bản thân mọi người tự kiểm chứng xem liệu hệ lụy của lối xây dựng khép kín có làm tăng sự cô độc của mỗi cá nhân? Nhưng chắc chắn các bạn sẽ đồng ý rằng nơi đầu tiên và thuận lợi nhất để thành viên trong gia đình có thể kết nối với xã hội chẳng đâu xa mà chính trong khu nhà của mình.
Grace Kim dẫn một nghiên cứu năm 2015, của Đại học Brigham Young (BYU) Hoa Kỳ,cho thấy có sự gia tăng đáng kể| nguy cơ chết trẻ ở những người sống biệt lập. Tôi nghĩ đây không phải là cảnh báo thiếu căn cứ của Kim.
Với tốc độ già hóa dân số nhanh,tỷ lệ sinh giảm đáng kể, áp lực công việc ngày càng tăng… thì đó biết đâu sẽ là tương lai của chính tôi và các bạn trong những năm tới./.