Có nhất thiết hàng chục giáo viên phải quỳ gối?
VOV.VN -Hàng chục giáo viên phải quỳ gối van xin vì sợ nơi mình làm việc sẽ bị giải tán. Hình ảnh đó khiến cả xã hội phải suy ngẫm.
Vụ việc một giáo viên ở Trường tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An - phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh học sinh vì trước đó đã phạt một số học sinh quỳ gối gây phẫn nộ dư luận trong một thời gian dài. Câu chuyện khép lại khi một phụ huynh đã bị khai trừ Đảng, một hiệu trưởng bị cách chức, điều chuyển về làm giáo viên. Tuy nhiên, “vết cứa” của sự việc thực sự đã in hằn trong tâm trí nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh trong cả nước.
Và hôm qua, hàng chục giáo viên ở trường mầm non Tuổi thơ (Nghệ An) đã tự nguyện quỳ gối. Họ quỳ gối để van xin những cơ quan quản lý đừng dẹp bỏ cơ sở giáo dục mà họ đang làm việc, bởi đó là miếng cơm, manh áo của họ và gia đình.
Hình ảnh này khiến nhiều người nhói lòng! |
Điều đáng nói là có cần thiết phải quỳ lạy như vậy không? Hoàn toàn không cần và không nên. Bởi hành động này rất phản cảm. Thầy cô giáo là người dạy cho học trò khi nào biết ngẩng cao đầu và khi nào cần phải cúi đầu; dạy cho các em hiểu lẽ phải – trái ở đời, sự nhún nhường thiệt hơn. Những bi lụy, hèn hạ, quên đi phẩm giá của mình dù vì bất cứ lý do gì cũng khó chấp nhận ở người làm sư phạm.
Vẫn biết, mối lo cơm, áo gạo tiền vẫn đè nặng lên vai rất nhiều người không phải chỉ riêng thầy, cô giáo. Thế nhưng, trong một xã hội mọi người đều phải sống và làm việc pháp luật thì việc đòi hỏi các quyền lợi chính đáng của mình, đấu tranh cho lẽ phải không phải chỉ dùng nước mắt và sự ủy mị. Bởi, mọi việc cứ phép công mà chiếu. Cơ quan chức năng đến đóng cửa một cơ sở dạy học khi chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý, vậy lỗi này tại ai? Tại chủ cơ sở không làm đúng hay tại chính những người đang mang trọng trách, giữ quyền sinh, quyền sát kia đang cố tình làm khó để đến bây giờ bao nhiêu con người rơi vào cảnh hoang mang, lo sợ?!
Các thầy cô trong trường hợp này hoàn toàn có quyền bày tỏ nguyện vọng chính đáng của mình, đồng thời họ hoàn toàn có quyền đấu tranh với những bất cập, sai trái trong công tác quản lý giáo dục ở địa phương. Luật pháp luôn đứng về lẽ phải và bảo vệ những người yếu thế.
Câu chuyện này không liên quan đến giáo dục, nằm ngoài giáo dục nhưng vì sao lại để xảy ra tình huống trớ trêu như vậy? Các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ sự việc này, vì sao giáo viên phải quỳ gối? Có đơn thuần chỉ là những suy nghĩ hồ đồ, sự yếu đuối nhất thời hay vì sự bất lực cùng cực nào đó đối với những người làm công tác quản lý mà họ không còn lựa chọn nào khác?
Ai sai, ai đúng các cơ quan chức năng cần phải làm rõ để trả lại sự trân quý của xã hội đối với những người làm nghề trồng người tránh bị hoen ố bởi những hành vi phi sư phạm./.