Cứ để đờn ca tài tử xuôi dòng chảy tự nhiên...

VOV.VN - Chúng ta đang quá chú trọng khía cạnh vật chất và các yếu tố hình thức phô trương mà ít quan tâm đến chất lượng nội hàm văn hóa.

1. Đúng vào cái ngày đờn ca tài tử là di sản văn hóa thế giới, tôi đang ở Cần Thơ. Một số bạn bè văn nhạc sỹ mừng tin vui bằng cách mang đàn kìm, đàn sến...ra vườn ca với nhau. Họ hỏi cảm xúc của một người dân Bắc như tôi. Tôi thưa rằng: Vậy là di sản thế giới đã có mặt khắp 3 miền Bắc – Trung -Nam, miền núi, trung du, đồng bằng...Và bản đồ Việt Nam không chỉ được tô thắm bằng các địa danh lịch sử, chiến tranh..., mà còn được đánh dấu bằng những bài ca, điệu múa yên bình...

Người nước ngoài rất ngạc nhiên về hệ thống thủy đạo miền Tây Nam Bộ, và họ sẽ ngạc nhiên hơn khi hiểu rằng những dòng kênh con rạch chằng chịt đó có sự kết nối của những lời ca. Không phải chờ danh hiệu di sản thế giới mà người miền Nam mới hát ca. Đó luôn là một lẽ thường từ hàng trăm năm qua.

Nông dân biểu diễn đờn ca tài tử ở xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang (Ảnh: Lệ Hoa)

2. Đờn ca tài tử là một trong số ít loại hình âm nhạc dân tộc có sự tỏa rộng nhất: suốt 21 tỉnh thành Nam Bộ, trong đó có 13 tỉnh thành ĐBSCL. Khỏi cần trường lớp, không gian của đờn ca tài tử chính là trường học cho các thế hệ. Một sức sống trường tồn tự nhiên. Người hát cũng rất đa dạng, từ giới trí thức đến bình dân, quan chức cho đến anh thợ cày..., đều có thể ca vọng cổ mùi mẫn.

Đờn ca tài tử hấp dẫn và lan tỏa nhờ sự mộc mạc, gần gũi, dân dã mà không kém phần tinh tế với không gian gắn mật thiết với thiên nhiên, sinh hoạt đời thường. Nó không cần sân khấu hoành tráng, khỏi cần luôn nhà hát lộng lẫy. Bất cứ nơi nào, trạng thái nào, hoàn cảnh nào đều có sự xuất hiện của ca cổ. Nó cũng dễ có được sự đồng điệu của người nghe phương xa, mà không phải kén chọn như Nhã nhạc cung đình Huế chẳng hạn. 

Nhiều người nhầm tưởng đờn ca tài tử là bình dân. Nhưng không phải vậy. Tưởng chừng giản đơn nhưng thực ra lại rất độc đáo, đây là loại hình kết hợp âm nhạc cung đình và bình dân; kết hợp giữa miền Trung, Huế và miền Nam; kết hợp giữa Việt Nam và Tây Phương; giao duyên nhịp nhàng với tân nhạc; sinh ra cải lương với sự cách tân của sân khấu, kịch bản diễn xướng...Một điểm đặc biệt nữa là số lượng dân Bắc biết ca vọng cổ khá lớn, đó là chưa kể số dân Bắc di cư.

Hội thảo trong khuôn khổ Festival Đờn ca tài tử lần thứ nhất tại Bạc Liêu (Ảnh: Lệ Hoa)

3. Nói tới sự phát triển trong tương lai của đờn ca tài tử, tôi tin vào khí chất của người Nam Bộ. Ở miền Bắc, “quan họ làng” đang dần bị thu hẹp, nhường chỗ cho “quan họ đoàn, quan họ đài” (Chữ dùng của nhà nghiên cứu Tô Ngọc Thanh). Các ngôi làng quan họ giờ cũng bị nép nhỏ vào trong một thành phố hiện đại. Trong khi đó, không gian của các vùng quê Nam Bộ vẫn còn tương đối thuần khiết, ca cổ vì thế còn nhiều đất để sống.

Người Nam Bộ vẫn giữ được cái chất hồn hậu, phóng khoáng, ít bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài, dù họ có tiếp thu đời sống vật chất tiện nghi. Đờn ca tài tử còn được sống thêm một đời sống khác trong các ca khúc tân nhạc với chất liệu ca cổ, cải lương mà ta quen gọi là nhạc sến, nhạc quê hương. Một thế hệ nhạc sỹ Nam Bộ với nhiều tác phẩm đi vào đời sống người dân nhờ sống hòa vào nhịp thở đờn ca tài tử.

Cũng đã có nhiều sinh viên Tây mê nhạc cổ truyền Việt Nam tìm đến miền Tây học ca cổ; cùng với danh hiệu di sản thế giới sẽ giúp đưa đờn ca tài tử ra nước ngoài, nối thêm một đời sống nữa. Từ đây, chúng ta sẽ nghiên cứu ca cổ kỹ hơn, hệ thống lại và làm thay đổi cách nghĩ của nhiều người khi cho rằng nó chỉ là thứ bình dân.

4. Đờn ca tài tử cũng giống nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác chịu những tác động của yếu tố thương mại, thậm chí những biến tướng từ các hoạt động ăn chơi, phản văn hóa. Nhiều người biết ca cổ mang giọng ca phục vụ khách du lịch..., biến ca cổ thành sản phảm du lịch, thành một nghề hái ra tiền. Trong khi bản chất của nó là tài tử; là nghiệp chứ không phải nghề, chỉ hát cho vui, tôn trọng sự ngẫu hứng của trạng thái cảm xúc. Để giữ đờn ca tài tử không gì hơn là xuất phát từ chính những điểm thuận lợi về không gian, tính chất...: “Xa xa vẳng tiếng đàn kìm/Nghe như khúc hát từ tim vọng về”...

Ví như không gian của ca trù thường nhỏ; hoạt động trình diễn và thưởng thức diễn ra trên khoanh chiếu mang màu sắc quý tộc, kén người nghe, người hát, người đàn. Đây chính là cái khó cho sự phổ biến và truyền dạy...Không gian cồng chiêng Tây Nguyên nhất thiết phải là ngày hội trải rộng đầy tính nghi lễ. Bảo tồn không chỉ là giữ lại cái chiêng vật chất mà phải nối dài tiếng chiêng trong đời sống đương đại. Cái khó là các lễ hội đang bị biến tướng và hành chính hóa.

Về mặt này, ca cổ thuận lợi nhất. Đó là loại hình “trẻ” nên những thế hệ người hát cũng trẻ, lại không kén không gian, người hát, người nghe. Cái khó của ca cổ là làm sao níu giữ được người nghe bằng chính môi trường tự nhiên, mộc mạc mà không xô bồ của nó. Đừng nghĩ ca cổ là bình dân mà  biến môi trường thưởng thức thành dễ dãi và tầm thường hóa. Nhưng nó cũng không hề phù hợp với không gian của nhà hát như cái cách mà nhà quản lý văn hóa đang ứng xử.

Những cái gọi là chuẩn mực sẽ phai đi, và như vậy nguy cơ bị biến dạng cũng không phải là nhỏ... Cụ Cao Văn Lầu ngày trước đã hơn một lần buồn lòng khi người ta đã không vận trang phục chỉnh tề khi ngồi gảy đàn kìm, một loại đàn dân gian mang tên “quân tử cầm” luôn cần một sự ứng xử nghiêm ngắn...

...Thật đau lòng trước thông tin về hàng nghìn tỷ đồng đã bị phung phí cho Festival Đờn ca tài tử vừa qua. Số tiền đó không bao giờ là đủ để tôn vinh những người đã nhiều đời gìn giữ ca cổ qua thăng trầm, nhưng chắc chắn thật quá quý giá để giúp cho nhiều việc hữu ích khác.

Rõ là người dân đón nhận tin vui di sản khác nhiều với giới chức văn hóa. Không thể dựa dẫm vào đó để “hợp thức hóa” những phần việc ngoài văn hóa.

Bấy lâu nay, nhìn vào nhiều sự đầu tư cho văn hóa thấy rõ một điều: Chúng ta đang quá chú trọng khía cạnh vật chất và các yếu tố hình thức phô trương mà ít quan tâm đến chất lượng nội hàm văn hóa. Văn hóa chính là tư duy và sự sang trọng, là “vẻ đẹp có tia sáng đạo đức rọi vào”. Mà những thứ này thì không thể xây được bằng tiền./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên