Cúng giỗ online và chuyện "đạo hiếu" thời nay
Việc cúng giỗ, thờ phụng ông bà cha mẹ cốt ở tấm lòng. Cỗ bàn có linh đình mà lòng không thành thì việc làm ấy cũng chẳng đem lại ý nghĩa gì.
Mới đây, Ban quản lý Công viên nghĩa trang Kỳ Sơn - Lạc Hồng Viên tại Hòa Bình công bố dịch vụ Cúng giỗ online nhằm hỗ trợ những khách hàng vì điều kiện xa xôi, bận rộn vẫn thể hiện được đạo hiếu của mình đối với ông bà cha mẹ đang yên nghỉ tại nghĩa trang.
Dẫu còn quan điểm khác nhau nhưng bằng việc triển khai dịch vụ này cùng hệ thống tiện ích của một nghĩa trang hiện đại, được quản lý, điều hành một cách khoa học bởi một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp và có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, cho thấy Nghị định 35/CP năm 2008 của Chính phủ về đầu tư - xây dựng và quản lý nghĩa trang đang đi vào cuộc sống.
Lư hương các chùa nghi ngút khói trong những ngày tuần |
Từ xa xưa, người Việt Nam luôn quan niệm “sống mái nhà, chết nấm mồ”. Khi còn sống, trong cuộc bươn bả mưu sinh, người ta luôn dành dụm để cất được mái nhà lấy chỗ che mưa nắng. Tùy hoàn cảnh, một hoặc hai, ba thế hệ có thể sống chung dưới một ngôi nhà. Nhưng khi qua đời, mỗi người ai cũng có một nấm mồ riêng. Đó là đặc ân cuối cùng mà ai trên đời này cũng nhận được khi nhắm mắt xuôi tay. Sống được con cái phụng dưỡng, chết được con cái thờ cúng. Văn hóa phương Đông từ ngàn xưa đã thế, ngày nay vẫn vậy, dẫu cuộc sống thời công nghiệp có hối hả hơn.
Cuộc sống phát triển, quá trình đô thị hóa nhanh với những yêu cầu khắt khe về cảnh quan, môi trường đòi hỏi những nhà qui hoạch phải tính toán di dời nghĩa trang ra ngoại thành sao cho hài hòa giữa yêu cầu phát triển đô thị với nhu cầu đời sống tâm linh của cư dân công nghiệp. Trong khi TP. Hà Nội đang lúng túng chưa tìm được đất thì việc Công ty Toàn Cầu bỏ ra 1.500 tỷ đồng xây dựng trên khu đất 98ha Công viên nghĩa trang Kỳ Sơn - Lạc Hồng Viên, cùng hệ thống dịch vụ phong phú, đáp ứng nhu cầu giải quyết vấn đề hậu sự cho con người là một việc làm hết sức cần thiết.
Vì công việc bận rộn, nhà xa không có điều kiện chăm sóc thường xuyên phần mộ người quá cố, gia đình có thể truy cập vào trang web của Ban quản lý Nghĩa trang Lạc Hồng Viên để đăng ký dịch vụ. Từ việc chăm sóc cắt tỉa hoa cây cảnh trong khuôn viên phần mộ định kỳ hằng tháng, khách hàng có thể đăng ký thêm các dịch vụ cúng giỗ, thắp hương vào các ngày lễ, Tết khác theo phong tục tập quán của người Việt Nam.
Khách hàng sẽ tự mình chọn các gói dịch vụ, sau đó đăng ký ngày, giờ làm lễ với giá cả, sản phẩm cúng lễ phù hợp. Sau khi thực hiện xong, bộ phận dịch vụ hậu cần sẽ gửi email (video và hình ảnh) cho khách hàng thông báo về kết quả triển khai gói “cúng giỗ” mà gia đình đã đăng ký.
Dịch vụ Cúng giỗ online của Ban quản lý Nghĩa trang Lạc Hồng Viên vừa công bố đã được khách hàng đón nhận với nhiều thái độ khác nhau. Nhiều người cho rằng đây là gói dịch vụ khá “thân thiện”, đặc biệt là những người có lòng thành kính nhưng vì một lí do nào đó không thể thường xuyên đến hương khói cho người thân của mình tại nghĩa trang.
Dưới góc độ một người nghiên cứu, nhà sử học Dương Trung Quốc tỏ ra khá đồng tình với dịch vụ này của Lạc Hồng Viên và cho rằng: việc làm này sẽ tạo điều kiện cho những người ở xa thể hiện lòng thành kính với vong linh người thân đã khuất, giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí cho xã hội.
Tuy nhiên, với một dân tộc theo văn hóa Á Đông, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã trở thành một tục lệ, là nét đẹp văn hóa như Việt Nam thì chưa hẳn ai cũng đồng tình với dịch vụ Cúng giỗ online. Hay nói cách khác là một kiểu thuê người cúng giỗ. Bởi ngày giỗ ông bà, cha mẹ là dịp để con cháu tụ họp, là dịp để con cháu làm tròn đạo hiếu với tổ tiên, nhìn lại mình đã làm gì sai trái với lời răn dạy của đấng sinh thành.
Việc cúng giỗ, thờ phụng ông bà cha mẹ cốt ở tấm lòng. Cỗ bàn có linh đình mà lòng không chân thành thì việc làm ấy cũng chẳng đem lại ý nghĩa gì. Cúng giỗ qua mạng hay đi viếng mộ trực tiếp, điều đó tùy thuộc vào điều kiện của mỗi người, mỗi gia đình. Bởi trong thực tế có những người đi làm ăn xa, đúng ngày kỷ niệm có thể sắm sửa một mâm cơm cúng vọng người quá cố, bởi "con ở đâu cha mẹ ở đây" hoặc gửi di ảnh người thân vào chùa để thờ cúng đó thôi.
Vì vậy, cúng giỗ qua mạng nên chỉ xem là một việc làm mang tính dịch vụ thay mặt gia đình chăm sóc, hương khói cho mộ phần người thân đỡ cô quạnh, người thân cũng qua đó mà đỡ phải áy náy vì mình không có điều kiện thăm viếng thường xuyên. Còn đạo hiếu của kẻ làm con cháu, dù ở xã hội nào, cốt là ở trong tâm của mỗi người./.