Để sống vui vẻ hơn, hãy bắt đầu bằng việc suy nghĩ về cái chết
VOV.VN giới thiệu bài viết của tác giả Arthur C. Brooks đăng trên New York Times, trong đó tác giả lý giải vì sao lại nên nghĩ về cái chết để sống cho tốt hơn
Vài năm trước trong một chuyến thăm Thái Lan, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy các nhà sư dành thời gian ngắm những bức ảnh của xác chết trong từng giai đoạn phân hủy. Họ cho biết, chính Đức Phật đã dạy thiền quán xác chết.
"Cơ thể chúng ta rồi cùng vậy"- Người bảo các học trò- "đó là lẽ tự nhiên, là tương lai tất yếu, là điều không thể tránh khỏi của số phận."
Đức Phật và các môn đệ. |
Khi tự nhìn nhận lại mình, nhiều người thấy họ đang mắc những sai lầm nghiêm trọng. Trong một bài báo công bố năm 2004 trên tạp chí Science (Khoa học), một nhóm nghiên cứu của các học giả, trong đó có Daniel Kahneman- người từng được giải Nobel, khảo sát một số phụ nữ để xem mức độ hài lòng với cuộc sống của họ từ các hoạt động thường nhật. Trong số những người được khảo sát, nhóm người cảm thấy hạnh phúc hơn là những người dành thời gian để cầu nguyện, thờ phụng hay các hoạt động tâm linh; họ hạnh phúc hơn những người dành nhiều thời gian để xem tivi. Tuy nhiên, đa số những người được hỏi lại dành lượng thời gian xem tivi nhiều gấp 5 lần những việc như hoạt động tâm linh.
Khảo sát của Cục Thống kê Lao động của Mỹ cho thấy, trong năm 2014, trung bình một người lớn ở Mỹ tiêu tốn thời gian gấp 4 lần cho việc xem tivi so với thời gian dành cho giao tiếp xã hội, và số thời gian xem tivi này nhiều gấp 20 lần so với thời gian dành cho các hoạt động tôn giáo và tâm linh. Cuộc khảo sát đã không hỏi về thời gian người ta dành để lướt web, nhưng chúng ta có thể hình dung ra thời gian lên mạng chắc cũng không kém gì việc xem tivi.
Phải chăng chính thói quen này dẫn đến sự buồn chán trong cuộc sống. Tôi có một người bạn nghiện chơi giải ô chữ. Một trò tiêu khiển vô hại, phải vậy không? Bạn tôi không nghĩ vậy. Anh cảm thấy buồn phiền vì mình lãng phí quá nhiều thời gian chơi ô chữ và đến bác sĩ tâm lý xin tư vấn cách làm sao “cai” được chứng “nghiện” giải ô chữ. (Lời khuyên anh nhận được là: Dành thời gian hợp lý cho việc giải ô chữ và không nên cảm thấy tội lỗi về việc mình mê chơi ô chữ!!!.)
Nhiều người khác cũng chia sẻ sự lo lắng vì họ cảm thấy lãng phí thời gian cho những việc không đâu. Họ cố tiết kiệm thời gian, nhưng hầu hết chỉ thất bại. Ví dụ, có thể bạn đang đọc bài viết này trên báo và bạn sẽ mất thêm 10 phút khi tò mò liếc phải tít của một bài khác có tiêu đề “Những ngôi sao giải trí có làn da khủng khiếp”.
Vài người có thể nói rằng thực ra chúng ta quan tâm đến tivi hoặc mạng Internet hơn là người thân hay tôn giáo. Nhưng tôi cho rằng điều đó là sai lầm. Chúng ta dành thời gian nghĩ quá nhiều về quá khứ hay tương lai mà không biết nhận thức rằng quan trọng đối với chúng ta là hiện tại. Hồn một nơi, thể xác một nơi như thế, chúng ta tiêu tốn thời gian vào những hoạt động khá vô bổ.
Bí quyết để sống vui vẻ không đơn giản chỉ là tìm cách tránh lãng phí thời gian. Bí quyết là có ý thức tìm ra cách sắp xếp thời gian cho hợp lý và bổ ích.
Hãy thực hành triết lý của đạo Phật khi suy ngẫm về một xác chết, để ý thức cuộc sống là hữu hạn. Bạn hãy sống như thể năm mới 2016 là năm cuối cùng của cuộc đời mình. Để đến cuối năm, thẳng thắn chỉ ra tận những việc lớn và nhỏ mà chúng ta đã không làm được khi sống “năm cuối cùng của cuộc đời mình”.
Có rất nhiều cách để thực hành điều đó. Ví dụ, nếu bạn có kế hoạch nghỉ hè, hãy nghĩ xem bạn sẽ làm gì trong 1 hoặc 2 tuần nếu đó là cơ hội cuối cùng của bạn?. Bạn sẽ muốn gặp lại ai, dành thời gian cho ai? Liệu bạn có dành thời gian để tĩnh tâm suy nghĩ, hay sẽ đến một quán rượu và uống đến say khướt?
Nếu năm nay là năm cuối cùng của đời bạn, bạn có cắm cúi dành hàng giờ đếm like trên facebook, hay bạn sẽ đọc một cái gì đó khiến cho mình phấn chấn lên? Bạn sẽ viết bình luận cho bài viết này, hay dành thời gian gọi điện cho một người bạn để hỏi thăm? Tôi không đánh giá việc nào là bổ ích, việc nào là vô bổ. Chỉ bạn mới cảm nhận được.
Vài người có thể nghĩ rằng phép thử “sống năm cuối trong đời” là không thực tế. Một người quen của tôi nói đùa, "Nếu tôi có một năm để sống, tôi sẽ tiêu hết các thẻ tín dụng." Thật ra, anh có lẽ sẽ không làm như vậy. Trong một bài báo mới đây trên tạp chí khoa học PLoS ONE, hai nhà tâm lý học đã xem xét giá trị của đồng tiền khi con người đối mặt với cái chết. Khi được nhắc nhở rằng ai rồi cũng sẽ chết, người ta không hề có xu hướng tiêu thật nhanh cho hết tiền dành dụm.
Nhận thức rằng thời gian của đời mình là hữu hạn khiến bạn căng thẳng và nghiêm túc hơn? Không hề. Trong thực tế, có vài điều chứng minh rằng nhận thức về cái chết khiến bạn hài hước hơn. Hai học giả đã công bố trong một công trình khoa học năm 2013, họ thử nghiệm bằng cách yêu cầu mọi người nghĩ về cái chết hoặc sự đau đớn, sau đó viết lời chú thích cho những tranh hoạt hình. Những người nghĩ đến cái chết đã viết ra những chú thích buồn cười hơn.
Bạn vẫn còn thời gian để quyết định. Hãy quên việc giảm cân hoặc tiết kiệm tiền. Năm nay, hãy vui lên, hãy sống trọn vẹn bắt đầu bằng cách thiền quán, nghĩ về cái chết của chính mình và hãy chọn cách sống sao cho xứng đáng để không phải ân hận./.