Điện ảnh - Kênh quảng bá “vàng” cho du lịch
VOV.VN -Kết hợp giữa điện ảnh và quảng bá du lịch, giới thiệu các danh thắng là câu chuyện không mới, nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện hiệu quả.
Điện ảnh là kênh quảng bá “vàng”cho du lịch. Đây là cách phát triển du lịch quen thuộc và trở thành công thức trong công nghệ giải trí tổng hợp ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng lại là vấn đề còn mới ở Việt Nam. Là một đất nước giàu tiềm năng du lịch, hơn nữa đang là điểm “ngắm”của các hãng phim thế giới nhất là của Hollywood, không có lý do gì để vuột mất cơ hội “vàng”từ sự kết hợp giữa điện ảnh- du lịch.
Năm 2013 trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 tại Quảng Ninh đã có một hội thảo chuyên đề: “Điện ảnh với Quảng Ninh và quảng bá du lịch qua điện ảnh”. Cuối tháng 12/2015, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch và Cục Điện ảnh đã phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức tọa đàm “Hợp tác điện ảnh Việt Nam - Ấn Độ - Quảng bá du lịch qua điện ảnh” dành cho các nhà làm phim của Việt Nam và Ấn Độ.
Đoàn làm phim "Kong: Skull Island" đang có mặt tại Ninh Bình để quay phim.Ảnh: Zing. |
Kết hợp giữa điện ảnh và quảng bá du lịch, giới thiệu các danh thắng là câu chuyện không mới, nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện hiệu quả sự kết hợp này. Nhưng ở Việt Nam, đây vẫn là vấn đề còn đang “bàn thảo” và hình ảnh đất nước, con người chỉ được sử dụng như một công cụ cho phim ảnh. Điện ảnh và du lịch chỉ là “vô tình” đến với nhau, rồi sau đó đường ai nấy đi.
Chưa kể việc khai thác phim trường làm địa điểm du lịch với Việt Nam hoàn toàn rất mới và gần như chưa có một bước chuẩn bị chiến lược dù cơ hội đã có từ hơn 25 năm trước khi “L’Amant” và “Indochine” chọn Việt Nam.
Bối cảnh phim trường là “mỏ vàng” cho du lịch
Thực tế cho thấy, việc quảng bá du lịch thông qua điện ảnh đã giúp nhiều quốc gia hái được trái ngọt. Rõ nét nhất là Hàn Quốc. Sau 10 năm chí thú cho mục tiêu “biến” điện ảnh thành ngành công nghiệp giải trí số 1, họ đã tạo được hiệu ứng “Xem phim Hàn, dùng đồ Hàn, đi du lịch Hàn” ở nhiều quốc gia khác. Rồi cũng nhờ quảng bá du lịch qua phim, một năm Thái Lan thu gần 10 tỷ USD từ du lịch; Nhờ các “siêu phẩm” điện ảnh, Ấn Độ, New Zealand, Campuchia, Pháp... kiếm được bạc tỷ cho du lịch.
Sau “Kong: Skull Island“: Việt Nam chưa thể là phim trường quốc tế?
Từ một khu chợ nghèo nàn không có sức hấp dẫn, không có tiềm năng thu hút khách, vậy nhưng khu ổ chuột ở Dharavi đã nhanh chóng lột xác trở thành điểm đến hấp dẫn của Ấn Độ, bởi phim “Triệu phú ổ chuột” với bối cảnh chính quay tại Dharvi đã giành giải Oscar năm 2009. Cũng như vậy, “Chúa tể những chiếc nhẫn” đã giúp ngành du lịch New Zealand thu hút thêm hơn 4 triệu lượt khách chỉ trong một năm. Năm 2014, khi mà phần tiếp theo mang tên “Hobbit” ra rạp, ngành du lịch New Zealand đã xem đây chính là cơ hội thúc đầy phát triền du lịch quốc gia tiến tới 10 triệu du khách/năm,
Năm 2010, khi bom tấn “IRIS”, một tác phẩm của Hàn Quốc với bối cảnh chính được quay tại Nhật Bản, phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia Nhật. Ngay lập tức một làn sóng khách Hàn Quốc đã đổ sang Nhật, đặc biệt tỉnh Akita (nơi diễn ra các cảnh quay) đã có số lượng khách du lịch tăng đột biến. Chưa hết, nhờ IRIS mà đường bay giữa Akita và Seoul đã được khôi phục. Khi phần 2 của IRIS (bối cảnh ở Seoul) công chiếu, theo báo cáo từ Sở du lịch Seoul, số lượng khách du lịch đến những địa điểm quay phim đã tăng lên từ 2-3 lần. Như tại một địa điểm phía Bắc Seoul nơi diễn ra một số bối cảnh phim, trung bình mỗi ngày nơi đây đón khoảng 700 khách, sau khi IRIS được quay tại đây, số khách trung bình mỗi ngày tìm đến đây đã tăng lên 1.500- 1.700 khách/1 ngày. Thành phố Busan, được coi là kinh đô điện ảnh của Hàn Quốc, hơn 40% bộ phim của quốc gia này được quay tại đây. Thông qua những bộ phim, cảnh quan của Busan được quảng bá khắp thế giới và trung bình mỗi năm thu hút khoảng 10 triệu lượt người tới thăm. Nhờ đó, doanh thu từ du lịch cao hơn 14 lần so với những hoạt động kinh tế khác của địa phương.
Tính đến năm 2011 có hơn 500 bộ phim quay tại Thái Lan, trong đó nhờ “Chúa tể những chiếc nhẫn” giúp tăng 10% du khách đến từ Anh quốc. Trước đây, quần đảo Phi Phi thuộc Phuket sau khi bộ phim “Mission Impossible”- 007 quay tại đây, trở thành một điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách nước ngoài. Và bộ phim “The Beach” đưa Phi Phi thành điểm du lịch cực kỳ đông khách.
Bộ phim “The Hangover 2” có bối cảnh chính ở Bangkok đã mang số lượng khách khổng lồ đến Bangkok. Tương tự, đảo Ko Tapu trong vịnh Phang Nga ở Phuket sau khi loạt phim 007 “The Man with the Golden Gun” thực hiện đã mang tên đảo “James Bond” và trở thành địa điểm “phải đến” đối với rất nhiều du khách khi đến với Phuket...
Năm 2012, hai siêu phẩm là “Taken 2” và “Skyfall” (Điệp viên 007) ra mắt công chúng toàn cầu. Cả hai siêu phẩm này cùng được quay tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay sau khi được khởi chiếu, 2 bộ phim này đã tạo nên một làn sóng du lịch đổ về Istanbul.
Khám phá những địa danh Việt Nam có mặt trong “Kong: Skull Island“
Nhớ lại những năm 1990, sau khi hình ảnh Việt Nam được giới thiệu qua các phim “L’Amant” và “Indochine”của điện ảnh Pháp, khách quốc tế nườm nượp tìm đến Vịnh Hạ Long, Hà Nội, TPHCM và miến Tây Nam Bộ (dù lúc này chính sách cấm vận của chính phủ Mỹ vẫn còn hiệu lực). Năm 2002, khi “The Quiet American” được thực hiện ở Việt Nam, khách Mỹ và Úc, châu Âu đổ vào Việt Nam từ Ninh Bình, đến Hà Nội, Hội An và vào TPHCM… Nhưng rồi chỉ là một sự “bùng nổ” tự phát, nhiều du khách đến VN, song khi đến nơi đều phải tự mày mò tìm đến những địa danh đó mà không hề có sự chỉ dẫn hay quảng bá nào trong các tài liệu từ ngành du lịch Việt Nam. Thậm chí, chiếc cầu chữ U lâu đời, thiết kế lạ mắt, mang vẻ đẹp Sài Gòn xưa từng xuất hiện trong phim “L’Amant” đã bị phá bỏ??? Du lịch Việt Nam đã đánh mất cơ hội “vàng”.
Tới năm 2015, trong “Pan - Neverland” cảnh Peter Pan tiến vào Hang Én, Tiger Lily ngồi trước Vịnh Hạ Long trong làn mây kỳ ảo, hay cánh đồng lúa xanh bát ngát xen lẫn những dãy núi đá vôi ở Tràng An, Ninh Bình lại thêm một lần du lịch Việt Nam “cầm vàng lại để vàng rơi”, mất cơ hội quảng bá hình ảnh Việt Nam vì những bối cảnh đó không được giới thiệu chính thức trên Generic của phim.
Không chỉ là “vàng” cho ngành du lịch
Đó là lợi nhuận ngay tức thì của những dịch vụ đi kèm theo phục vụ cho các đoàn phim nước ngoài. Một lợi nhuận “vật thể: không hề nhỏ. Theo Cục điện ảnh Thái Lan, riêng năm 2015 nước này thu được 89 triệu USD từ hoạt động sản xuất của 274 bộ phim nước ngoài, trong đó có 63 phim truyện.
Năm 2002, khi đoàn phim “"The Quiet American" phiên bản mới sang Việt Nam làm phim, với chi phí phần ở Việt Nam là khoảng 6 triệu USD, thì Việt Nam đã được hưởng rất nhiều lợi trong các dịch vụ phục vụ phim trường. Từ việc cung cấp các phương tiện giao thông, ăn, ở của cả đoàn đến cung cấp các dịch vụ phục vụ cho việc quay phim như : Đạo cụ và cả diễn viên phụ.
Hay mới và “nóng” nhất là “Kong: Skull Island” vào Việt Nam, phần quay ở Việt Nam theo dư chí là 30 triệu USD/ trong tổng số 160-190 triệu USD của phim. Chưa biết con số dịch vụ phục vụ cho phim là bao nhiêu, nhưng cái “lời” đầu tiên là món quà tặng hậu hĩnh của đoàn phim cho cư dân của vùng Quảng Bình, nơi đoàn làm phim chọn làm bối cảnh quay, một con đường hơn 3km trị giá 2 tỉ đồng được làm để phục vụ trước mắt cho đoàn phim trong thời gian quay ở đây…
Rồi ngay cả các “diễn viên” quần chúng được chọn diễn xuất trong 4 ngày quay ở Ninh Bình, trung bình mỗi người là 350.000đ/ngày. Ngoài ra, cứ tính toàn số tiền thu được từ các dịch vụ như : Xe chuyên dụng cung cấp điện, xe chở đạo cụ, xe chở nhân viên và diễn viên, ăn ở khách sạn, bếp phục vụ bữa ăn khi ở phim trường… với một đoàn làm phim hơn 200 người và hơn 40 tấn đạo cụ… không thể là con số nhỏ.
Không chỉ là Hollywood, mà những bộ phim của thế giới được quay hay sản xuất ở Việt Nam cũng là một kênh đầu tư nhiều lợi nhuận, “một vốn bốn lời”. Nhưng có lẽ Việt Nam và nhất là Cục điện ảnh Việt Nam, Tổng cục du lịch Việt Nam chưa thấy điều này sớm hơn, trong khi các quốc gia láng giềng ở khu vực châu Á- Đông Nam Á thì hiểu rất rõ đó là“mỏ vàng” để khai thác. Một nguồn lợi “ăn theo” độ “nóng” của những “bom tấn” siêu phẩm Hollywood hay của các quốc gia điện ảnh lớn trên thế giới.
Phim trường "Kong: Skull Island" ở Quảng Bình. |
Không chỉ là mang lợi nhuận vật chất ngay lập tức, mà sau đó còn những lợi nhuận không đong đếm được như: Học tập kinh nghiệm làm phim; Sử dụng bối cảnh phim trường cho phim của mình; Khai thác du lịch địa điểm bối cảnh, có thể góp phần phát triền kinh tế địa phương mở mang dân trí…
Ông Ted Osius, Đại sứ Mỹ ở Việt Nam cũng bày tỏ trong buổi họp báo của đoàn làm phim: "King Kong” mở ra chương mới cho Hollywood đến Việt Nam. Sau King Kong, nhiều bom tấn Hollywood khác sẽ đến Việt Nam. Điều này thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ngành công nghiệp phim VN với ngành ĐA hàng đầu thế giới- Hollywood".
Ông Nguyễn Văn Tuấn- Tổng Cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam cho biết: "Thời gian tới, Tổng cục du lịch Việt Nam sẽ phối hợp với Cục điện ảnh Việt Nam lựa chọn những hình ảnh tiêu biểu của các điểm đến làm dữ liệu nhằm giới thiệu đến các đoàn làm phim khi họ có ý tưởng”.
Mong sao, sau “Kong: Skull Island”, Điện ảnh Việt Nam và Du lịch Việt Nam không nên bỏ lỡ cơ hội, đánh mất “vàng” như trước, mà hãy nắm tay nhau kết hợp để “khai thác” lợi nhuận không chỉ cho riêng ngành của mình mà còn có thể cùng xây dựng chung một dự án khai thác và phát triển khi Việt Nam trở thành một phim trường quốc tế./.
Khi Việt Nam là phim trường quốc tế - Một ngày một sàng khôn