Đối thoại với Lão Khoa về vụ án Lê Văn Luyện

Bạn đọc Mùa Hạ ở địa chỉ email phantrung@gmail.com chia sẻ ý kiến với Trần Đăng Khoa về bài viết “Thấy gì sau vụ án Lê Văn Luyện”

Hơn 20 năm trước, khi còn là một cậu bé tôi đã được đọc trọn vẹn cả tập thơ Góc sân và khoảng trời của Lão trên căn gác xép nhỏ chất đầy sách cũ của ba mẹ tôi. Có lẽ đó là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi đọc trọn vẹn một tập thơ.

Sau này, không được thường xuyên đọc thơ của Lão Khoa nữa nhưng lại thường xuyên được đọc các bài viết của Lão về đủ các đề tài khác nhau nhưng tôi luôn cảm nhận được cái nhìn hóm hỉnh, ngôn từ giản dị, gần gũi mà sâu sắc… của Lão. Có thể nói rằng tôi vẫn luôn kính trọng, yêu quý và ngưỡng mộ con người, tâm hồn… của Lão. Vẫn thường vào đọc blog của Lão nhưng hôm nay tôi mới mạo muội comment vài dòng, với góc nhìn của một luật sư và chính bản thân tôi cũng nhiều lần bảo vệ quyền lợi cho trẻ vị thành niên trước tòa.

Luật pháp có thể không tính hết các ngoại lệ và dị biệt

Kính thưa Lão Khoa, tôi có thể hiểu được nỗi thất vọng và bất bình của Lão cũng như hầu hết người dân khi thấy bản án dành cho tên Luyện là 18 năm tù, sau khi chứng kiến những tội ác man rợ, kinh hoàng do hắn gây ra. Xét dưới góc độ pháp luật, khi xây dựng luật nói chung và Bộ luật Hình sự nói riêng, các nhà làm luật cũng đã cố gắng tổng hợp mọi yếu tố và trên cơ sở các nghiên cứu khoa học để xây dựng một bộ luật đầy đủ và hợp lý nhất.

Nghiên cứu khoa học cho thấy người dưới 18 tuổi là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất cũng như về tâm, sinh lý. Họ bị hạn chế về trình độ nhận thức cũng như về kinh nghiệm sống, thiếu những điều kiện về bản lĩnh tự lập. Ngoài ra, khả năng tự kiềm chế chưa cao nên họ dễ bị kích động, dễ bị lôi kéo vào những hoạt động phiêu lưu, mạo hiểm.

Do đó, pháp luật hình sự Việt Nam đã đặt ra những nguyên tắc riêng khi xử lý hành vi phạm tội của người chưa thành niên. Chính sách hình sự của Việt Nam đối với việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên là nhằm giúp đỡ, cải tạo, giáo dục để người chưa thành niên nhận ra sai lầm, từ đó sửa chữa những sai lầm của mình, tạo điều kiện để các em có khả năng tái hòa nhập cuộc sống.

Theo các nghiên cứu trước đây, tỷ lệ trẻ vị thành niên phạm tội là rất thấp, nhất là những vụ man rợ và kinh hoàng như vụ tên Luyện gây ra thì có thể nói là cực hiếm. Do vậy, khi xây dựng luật, các nhà làm luật cố gắng dựa vào những yếu tố chung nhất trên cơ sở những căn cứ từ khoa học, từ thực tế xã hội, văn hóa, tập quán… của quốc gia làm nền tảng để xây dựng luật, nhưng dù cố gắng tới đâu cũng khó mà bao quát được tận cùng mọi khả năng xảy ra, mọi ngóc ngách của xã hội.

Có lẽ chính vì thế mà bản thân riêng luật pháp khó mà có thể điều chỉnh hết một cách chính xác được mọi quan hệ và tính chất vụ việc xảy ra trong xã hội. Chưa kể trong thực tế có những vụ việc xảy ra nằm ngoài cả những dự liệu của pháp luật. Luật khi xây dựng đã được lấy ý kiến toàn dân, đã được Quốc hội thông qua, và vì một trường hợp cá biệt có cần thiết phải sửa, phải hủy bỏ hay dẫm lên luật không?

Tôi hoàn toàn đồng ý nếu như xu hướng phạm tội của trẻ vị thành niên tăng lên nhiều và cần thiết phải có sự chỉnh sửa luật để cho phù hợp, nhưng dù có như vậy đi nữa thì cũng cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng. Ở trong vụ việc này có quá nhiều tình tiết man rợ hơn nữa tên Luyện khi phạm tội cũng gần hết độ tuổi vị thành niên do đó sự căm phẫn và bức xúc của người dân là hoàn toàn dễ hiểu.

Khi vụ việc này xảy ra ngành an ninh đã tung một lực lượng khổng lồ bằng mọi cách để truy tìm thủ phạm. Chúng ta đều mong muốn có một mức án cao hơn dành cho tên Luyện. Xét ở góc độ thực tế, mặc dù còn mấy tháng nữa tên Luyện mới đủ tuổi thành niên nhưng với sự trải đời cùng những tính toán và cách ra tay tàn bạo man rợ của hắn có vẻ không còn vị thành niên chút nào và hắn quá xứng đáng để nhận mức án cao nhất – tử hình.

Tuy vậy, trong khuôn khổ pháp luật đã không thể “mở ngoặc” những trường hợp đặc biệt đến “dị biệt” như thế. Âu cũng là một sự thiếu sót… Ở một số nước châu Âu thậm chí còn quy định tuổi thành niên là 20. Có không ít các quốc gia trên thế giới bỏ hẳn án tử hình. Hẳn chúng ta còn nhớ vụ giết người kinh hoàng của tên sát thủ người Nauy khiến 92 người thiệt mạng, Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg từng tuyên bố rằng đó là thảm họa tồi tề nhất trong lịch sử quốc gia này kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Tuy nhiên luật pháp Na Uy không có án tử hình và tên Breivik (tên sát thủ) bị buộc tội Khủng bố - theo Điều 147 Luật hình sự của Na Uy có mức án tối đa chỉ là 21 năm tù. Cho đến thời điểm hiện tại thậm chí một nhóm các chuyên gia tâm lý do tòa án Na Uy chỉ định còn cho rằng hắn bị cuồng trí, và nếu được tòa án chấp nhận thì thay vì việc bóc lịch trong tù hắn sẽ được chuyển tới viện tâm thần! Xét dưới góc độ xã hội, đúng là với những tội ác man rợ và kinh hoàng do tên Luyện gây ra thì án tử hình xem ra vẫn còn là nhẹ nhàng với hắn…

Đúng như Lão Khoa nói, tên Luyện là 1 ngoại lệ, một dị biệt. Nhưng pháp luật được tạo ra không để cho ngoại lệ, để trừng trị một mình cái sự dị biệt ấy, hơn nữa ý nghĩa của pháp luật cũng không phải là trừng trị mà là cải tạo, có điều làm được như thế hay không lại là một chuyện khác, dựa rất nhiều vào việc hành pháp ra sao.

Và một điều không thể không nói đến, đó là nền tảng giá trị đạo đức trong xã hội đang bị băng hoại một cách nghiêm trọng, là cái gốc rễ văn hóa như Lão Khoa đã nói rất rõ trong bài viết của mình. Khi mà nhiều vị quan chức còn tham ô tham nhũng một cách trắng trợn, đánh bạc mỗi ván lên tới tiền tỷ, thày giáo mua dâm học sinh… các vị ấy nói rất hay nhưng tìm mọi cách vơ vét của dân, làm khổ dân đủ kiểu...

Báo chí thì người ta thấy ngày càng nhiều các tin tức chém giết, scandal, hở nọ hở kia, câu khách… một bộ phận giới trẻ bị tung hỏa mù không còn nhận biết được đâu là giá trị thực của văn hóa, của cuộc sống của con người và những vẻ đẹp thực sự cần hướng tới. Chúng chỉ biết tiêu tiền hay ăn chơi sao cho nổi bật nhất và nghĩ rằng đó là giá trị là đẳng cấp…

Trách chúng ư?! Khi chúng thấy bố mẹ chúng “cướp” tiền của thiên hạ rồi cười khả ố trên bàn nhậu, khi những giá trị văn hóa chúng tiếp nhận hàng ngày dặt những thông tin bề nổi rẻ tiền, với một loạt những sự hỗn độn ở mọi lúc, mọi nơi. Khi mà sự “tranh cướp” và “hớt váng” không những không bị lên án mà còn được tung hô, dần dần… nó sẽ trở thành tội ác, một thứ tội ác man rợ!

Và xu hướng ngày càng trẻ hóa tội phạm đồng thời tăng lên mức độ bạo hành và dã man. Điều này thực sự là báo động, và từ đây chúng ta có nên đặt câu hỏi ngược lại là vì sao lại thế, khi những sự hỗn độn và đánh tráo giá trị của ngay những người lớn tuổi, thậm chí là có vị trí và ảnh hưởng to lớn trong xã hội, là “rường cột” của xã tắc..., tiếp đến là sự vô cảm trong xã hội ngày càng nhiều đã tiếp tay cho cái xấu, cái ác và rồi chính sự vô cảm ấy nó chuyển hóa thành cái xấu cái ác từ khi nào không hay!

Và lời cuối cùng tôi muốn nói, cho dù pháp luật không thể trừng trị thích đáng những tội ác tày trời do tên Luyện gây ra bởi những định khung cứng nhắc của nó thì cái ác sẽ bị trừng trị, không cách này thì cách khác, tôi tin ở luật nhân quả, “lưới trời lồng lộng thưa mà khó lọt”. Thái độ trâng tráo, cười cợt trong phiên tòa của tên Luyện, một phần thể hiện bản chất sát thủ, máu lạnh, vô nhân tính ghê tởm của hắn nhưng có lẽ đó cũng là một phần nhận thức chưa đầy đủ trong lứa tuổi ấy.

Tôi tin rằng rồi hắn sẽ phải ám ảnh, phải trả giá đích đáng vì những hành vi tội ác kinh hoàng mà hắn gây ra. Đây chỉ là suy nghĩ và quan điểm của cá nhân tôi, có thể còn những điều chưa đúng, chưa chính xác, kính mong Bác Trần Đăng Khoa cùng các anh chị em, các bạn... rộng lượng chỉ bảo nếu như thấy có điều gì không phải./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên