Dưa hấu – Chút tự tình mùa xuân về một phép màu kỳ diệu
VOV.VN - Dưa hấu - Một loài dưa bình dị nơi ruộng quê, thành một trái quả trân quí trên bàn thờ tổ tiên, ẩn chứa trong mình cả huyền thoại của nhân gian.
1. Mùa xuân phương Nam không giống nơi phương Bắc, có những cơn mưa phùn mỏng nhẹ như sương khói lay động trong cơn gió lạnh miên man khêu gợi các chồi non mướt xanh lộc; mà là nắng, nắng vàng đến chói mắt, đem theo cái khô khát hanh hao cháy lòng.
Nhưng như phép màu huyền diệu, ông Trời đã đem cho mùa Xuân phương Nam một món quà thần tiên, thứ trái quả có tên Dưa Hấu, mang vị ngọt thanh tao dịu mát lòng người.
Dưa Hấu – có lẽ đây là thứ trái quả đầu tiên gắn bó với lịch sử nguồn cội dân tộc Việt từ thuở khai bang lập quốc, được lồng trong một huyền sử rất đẹp về chàng trai Mai An Tiêm – con nuôi vua Hùng Vương thứ 17, với câu nói như triết lý sống ở đời: “Của cải là vật tiền thân”.
Phương Nam, cứ mỗi độ xuân về, những núi dưa hấu chồng chất dọc đường, bến xe, bến đò, xung quanh các chợ, chiếm lĩnh một góc siêu thị lớn…, chen lẫn những cánh mai mảnh khảnh đầy nụ vàng, là hình ảnh đầy ấn tượng. Sự tương phản màu sắc, hình dáng cho trí tưởng tượng bay bổng góp vào khí sắc mùa Xuân, tạo dáng cho Xuân phong cách lạ.
Với người phương Nam, dưa hấu tượng trưng cho thanh xuân (vỏ xanh), xinh đẹp (ruột đỏ như má hồng, môi son thiếu nữ), duyên dáng (hạt huyền như răng giai nhân nước Việt xưa), hiền hòa (ngon ngọt, mát dịu), viên mãn (hình tròn láng). Trên bàn thờ tổ tiên nhà nào đó, dù nghèo đến đâu, ngoài mâm ngũ quả cũng có một cặp dưa chưng Tết, trên trái dưa dán miếng giấy hồng điều nhỏ, viết chữ Phúc – Lộc vàng nhũ.
Dưa hấu tượng trưng cho Phúc – Lộc đầu năm. Hai loại dưa được ưa chuộng nhất để chưng Tết là dưa An Tiêm, dáng trái tròn, vỏ xanh lá cây đậm bóng láng, và dưa Hắc Mĩ Nhân, dáng thon thả, tròn dài, da xanh đen, ánh ruột dưa đỏ như son, cát mịn ngọt đậm, ít hạt và hạt đen nhánh.
Đặc biệt như một tín ngưỡng, ngày mùng 1 Tết thế nào cũng phải xẻ một trái dưa lấy hên. Ruột dưa đỏ, vị ngọt, năm ấy cả nhà phúc lộc tràn đầy. Dưa hấu trong ngày Tết còn là biểu tượng của xum họp gia đình, trái dưa xẻ ra, mỗi người một miếng, chia lộc đầu năm để ai cũng “đỏ như son”.
Dua hấu |
Những ngày xuân phương Nam, nắng nóng như thử thách khách du Xuân, cơn khát se cổ họng luôn thường trực, cảm tưởng như những giọt nước cuối cùng trong người cũng bốc hơi theo nắng, không có loại nước giải khát nào có thể làm dịu ám ảnh khát. Sắc xanh đậm của vỏ, màu đỏ tươi của ruột và vị ngọt mát mọng nước ở trái dưa hấu có sức mê hoặc quyến rũ lạ thường. Chỉ nhìn và tưởng tượng, cơn khát đã dịu đi một nửa.
Và khi cầm trên tay miếng dưa được cắt theo hình vầng trăng khuyết, chạm môi vào, không còn là miếng dưa bình thường, mà như một vành môi thiếu nữ ngọt lịm, mát lạnh, như mê như đắm, những mệt nhọc trần ai biến mất, nhường cho sự khoan khoái nhẹ nhàng, để rồi tiếp tục du xuân ngoạn cảnh ngắm môi hồng mắt xinh.
2. Cuộc hành trình của dưa hấu cũng như một điều kỳ lạ dưới bàn tay sắp đặt của thần tiên. Những hạt dưa được loài chim lạ mang từ phương Tây đến thả xuống hòn đảo Nga Sơn – đảo Mai An Tiêm - ở miền Trung nước Việt, và theo cánh chim thiên di, nó dần tiến về phương Nam trở thành trái quả biểu tượng của mùa xuân.
Rồi như để chia sẻ, góp màu sắc cho ngày Tết ở phương Bắc, dù thời tiết ướt mưa lạnh, dưa hấu ngược đường ra Bắc, màu đỏ tươi của trái dưa khi xẻ ra hòa vào màu hồng thắm hoa đào, kỳ diệu thay như ngọn lửa nồng nàn ấm áp ngày Xuân, tăng thêm men say chén rượu cùng tri âm tri kỷ.
Anh ở phương Bắc, ngồi ngắm những hạt mưa mong manh huyền hoặc trong gió xuân, độc ẩm bên chén rượu miên man nghĩ: “Em giữ ấm áp, ngọt ngào, một chút phương Nam về bên anh”. Trái dưa hấu trên bàn hình như thoáng lay động. Một nàng thiếu nữ xiêm áo như mây, tóc dài bồng bềnh, má hồng môi son mắt phượng như từ trái dưa bước ra, tay nâng chén rượu, cất giọng ngâm nga:
Rượu rót tỉnh say rượu đầy vơi.
Trần gian ảo ảnh kiếp luân hồi.
Bụi hồng vương vấn tình sương khói.
Cạn chén tương phùng chút lương duyên....
Một cơn gió thoảng qua, phả hơi lạnh. Trái dưa xanh thẫm vẫn nguyên vẹn trên bàn, cành bích đào vẫn e ấp khoe nụ hồng chúm chím, chén rượu vẫn cầm trên tay… Một giây mơ màng thoát tục vào cõi mộng Xuân. Dưa hấu phương Nam và Em…
3. Trong tác phẩm “Quả Dưa Đỏ” của Nguyễn Trọng Thuật đăng ở Nam Phong tạp chí số 104, 4/1926 có hai bài thơ rất hay về dưa hấu như khúc tự tình dễ thương phảng phất âm hưởng ca dao dân ca:
“Gặp em ngoài cõi bể Đông
Yêu em về một tấm lòng thắm tươi
Răng đen nhoẻn miệng em cười
Dẫu trời nóng nực cũng nguôi cơn nồng
Yêu em anh bế anh bồng
Nước non ghi nghĩa tương phùng từ đây”
“Nhờ duyên cái phận em tròn
Bõ công giữ phấn gìn son những ngày
Tương phùng nghĩa cả là đây
Nắng mưa che chở nước mây đào bồng
Chàng về chốn cũ non sông
Thì chàng chờ thiếp cùng về với nghe”
Dưa hấu- chợt lung linh một chuyện tình đẹp trong cổ tích của trai anh hùng- gái thuyền quyên.
Dưa hấu- Một loài dưa bình dị nơi ruộng quê, thành một trái quả trân quí trên bàn thờ tổ tiên, ẩn chứa trong mình cả huyền thoại của nhân gian từ những hạt dưa màu nhiệm đến cách sống tự lực cánh sinh, dũng cảm kiên cường đối mặt với gian khó của ông cha xưa, để lại cho đời thơm thảo nghĩa tình mãi mãi cùng mùa Xuân ./.