Khi phụ nữ bị rình rập
(VOV) -Không ít phụ nữ do sơ sẩy đã trở thành nạn nhân của truyền thông, nhất là những trang mạng…
“Cô gái khoe ngực giữa phố”, “Loạt ảnh về cô gái bị người yêu tung ảnh sex”… là những “tin nóng” được một số tờ báo mạng khai thác triệt để trong những ngày qua. Có tờ còn điểm những dạng tin này thành “thời sự trong ngày” để chứng minh bản tin được dư luận quan tâm, được xếp vào “top” đọc nhiều của báo, là tiêu điểm thu hút độc giả (?!).
Quay lại chuyện về clip “Cô gái khoe…”, phóng viên (hay người đi đường) cố tình quay lại cảnh một cô gái (được cho là có thể bị bệnh thần kinh) vén áo trước bao người qua lại giữa phố đông, rồi sau đó tung lên mạng để thiên hạ được dịp “chiêm ngưỡng” và bình luận.
Mục đích của người quay tung clip rồi “điểm tin nóng” kia lên mạng là gì? Để kêu gọi sự cảm thông của cá nhân và xã hội với một cá thể? Để chia sẻ về bệnh tật với cô gái (nếu cô mắc chứng tâm thần)? Để “tuyên truyền” về một thông điệp gì đó? Để thể hiện giá trị nhân văn với thân phận một con người? Hay đơn giản là chia sẻ với độc giả của mình “tác phẩm” chỉ để cho vui?
Câu trả lời chỉ có thể từ phía tác giả của clip và người phát tin lên trang mạng. Song, có thể khẳng định, việc tung clip, hình ảnh người khác – nhất là hình ảnh nhạy cảm của phụ nữ ra công chúng mà không được sự đồng ý của nhân vật là hình thức bạo hành thô bạo tới nhân phẩm phụ nữ, bất kể họ là ai. Việc phát tán công khai những hình ảnh phản cảm đó lên mạng Internet càng thể hiện sự vô nhân đạo, suy đồi đạo đức và vi phạm quyền riêng tư cá nhân, quyền con người.
Khoan nói chuyện ngày nay, có những cô gái cố tình “trêu ngươi” thiên hạ bằng cách ăn mặc hở hang, trơ trẽn, khiêu khích thì không ít phụ nữ do sơ sẩy đã trở thành nạn nhân của truyền thông, nhất là những trang mạng có độ phát tán cực nhanh như ngày nay. Điều này có sự “góp sức” của đông đảo những tay máy, “phóng viên” chuyên rình rập ở các ngõ ngách, để cô gái nào “hở ra gì thì chộp nấy” rồi đi khoe như một “chiến tích” nghề nghiệp.
Có một “ngôi sao” nọ, bị một số trang mạng “theo dõi” làm những “phóng sự dài kỳ” từ khi cô có người yêu, lấy chồng rồi nhập viện sinh con như thế nào, sinh gái hay trai, sau đó xuất viện ra sao. Rồi ở trên các trang mạng cá nhân, nhiều phụ nữ bị lợi dụng phát tán ảnh riêng tư, lập tức những “thông tin sâu” khai thác triệt để hình ảnh, đời tư, chuyện học hành… của cô xuất hiện dày đặc sau đó. Thậm chí có “phóng viên” còn tìm gặp nạn nhân của những vụ hãm hiếp để khai thác sâu về đời tư trên danh nghĩa “chia sẻ những mất mát”...
Còn nhớ cách đây vài năm, một số cán bộ công an của một tỉnh nọ bị kỷ luật vì tung clip “bắt gái mại dâm” lên Internet. Bởi sau khi clip với những hình ảnh phản cảm bị phát tán trên mạng, dư luận rất phẫn nộ với vấn đề nhân phẩm phụ nữ, nhân quyền con người bị xúc phạm trần trụi, nặng nề.
Các chuyên gia cho rằng không một cá nhân, tổ chức, quyền lực nào được quyền có hành động, lời nói xúc phạm nhân phẩm con người, đặc biệt là phụ nữ. Việc làm đó vi phạm pháp luật, đi ngược đạo đức, văn hóa, thuần phong của Việt Nam, để lại ẩn họa khôn lường với đời sống an ninh, nhân văn xã hội.
Với người phụ nữ, vẻ đẹp hình thể, những giá trị tế nhị, thiêng liêng được ví với giá trị vô giá, ngàn vàng “bất khả xâm phạm”. Hành động cố tình phát tán những hình ảnh như trong clip kể trên có thể để lại nỗi đau âm ỉ, ám ảnh vô cùng lớn với những nạn nhân nói riêng và giới nữ trong xã hội nói chung. Những hình ảnh kiểu “cô gái khoe…”, “phát sốt với vòng…” được đưa lên mạng, chắc chắn để lại sự phẫn nộ với phần đa công chúng và tác động tiêu cực đến nhận thức cộng đồng.
Nói như thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Minh Đức, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam: “Việc phát tán clip này chẳng khác một quả bom “rác” gây ô nhiễm tới nền tảng văn hóa, đạo đức xã hội với sức công phá vô hình tới việc phát triển giáo dục đương thời”.
Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, xin có đôi lời với những người cầm bút: Hãy trân trọng và bảo vệ nhân phẩm phụ nữ cho dù họ là ai, để chị em ra đường không phải canh cánh nỗi sợ hãi “một ngày đẹp trời” được xuất hiện bất đắc dĩ trên mặt báo./.