Không còn chỗ cho những kẻ làm hoen ố hình ảnh ngành công an?
VOV.VN -Việc Phê chuẩn Công ước chống tra tấn của Quốc hội sắp tới đây cũng là nhằm bảo vệ sự minh bạch, trong sáng của chính ngành công an.
Trong thời gian vừa qua đã diễn ra nhiều sự kiện trọng đại. Sự kiện trong nước. Sự kiện quốc tế. Nhiều lắm. Một ngày, thậm chí chỉ một giây cũng đã có bao nhiêu sự kiện diễn ra. Nhưng hôm nay, tôi chỉ xin bàn về một sự kiện mà người dân quan tâm nhất. Đó là việc Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đệ trình lên Quốc hội, để Quốc hội phê chuẩn Công ước Chống tra tấn. Đây là Công ước của Liên Hợp Quốc được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 10/12/1984 và có hiệu lực thi hành ngày từ ngày 26/6/1987 từ. Hiện đã có 155 quốc gia thành viên, 10 quốc gia đã ký nhưng chưa phê chuẩn Công ước, trong đó có Việt Nam chúng ta. Cũng theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, việc phê chuẩn Công ước này là bước hoàn thành thủ tục để Việt Nam trở thành thành viên của Công ước, bao gồm các điều ước quốc tế về quyền con người.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn (Ảnh: Quang Trung)
Theo ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, việc phê chuẩn Công ước phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước ta nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền con người cơ bản ở Việt Nam. Việc phê chuẩn Công ước phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, trong đó khẳng định mọi người có quyền không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Việc phê chuẩn Công ước này cũng góp phần minh bạch hóa những vấn đề người dân quan tâm khi mà ở đâu đó vẫn còn việc tra tấn, ngược đãi phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam và chúng ta cũng có điều kiện để đấu tranh với các thế lực thù địch vu cáo, xuyên tạc, nhằm chống phá Nhà nước.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trần Văn Hằng, khi trở thành thành viên đầy đủ của Công ước chống tra tấn, Việt Nam có thêm điều kiện tranh thủ sự ủng hộ của dư luận tiến bộ thế giới, tạo cơ sở tăng cường đối thoại về nhân quyền với các nước, các tổ chức quốc tế. Điều này rất quan trọng. Phê chuẩn Công ước này, chúng ta mới thực sự hòa nhập với một thế giới văn minh. Nhìn sang các nước láng giềng, ngay cả Lào và Căm pu chia, họ cũng đã đi trước chúng ta. Campuchia đã là thành viên của Công ước Chống tra tấn từ năm 1992 của thế kỷ trước. Lào cũng đã gia nhập Công ước này từ năm 2012 rồi. Chúng ta không thể chậm hơn được nữa…
Việc tham gia Công ước chống tra tấn cũng là nguyện vọng của dân. Người dân mong có được sự minh bạch và dân chủ. Nhìn lại một số vụ án của chúng ta, quả thật là rất đau lòng. Không ít tù nhân đã bị ngược đãi, tra tấn và bức cung, dẫn đến các vụ oan sai rất đỗi nghiêm trọng. Cũng không ít người vừa bị bắt đã chết bất đắc kỳ tử. Chết ngay tại nơi tạm giam từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh. Không ít cái chết đã được các cơ quan điều tra kết luận, những vẫn gây sự nghi ngờ trong dân. Thậm chí chẳng ai tin, vì nó không phải, không đúng với thực tiễn và quy luật sinh tử của cõi tự nhiên. Ví như những cái chết được cho là do thắt cổ tự tử chẳng hạn. Người thắt cổ tự tử, bao giờ mặt cũng bị phù nề và lưỡi thè ra. Ngay cả đến khi khâm liệm cũng không thể nhét lưỡi vào vòm miệng được. Một trăm người chết thắt cổ cũng đều có đặc điểm chung như thế. Không có trường hợp ngoại lệ. Đó là quy luật sinh tồn. Nếu không có hiện tượng ấy thì là chết vì những lý do khác chứ không phải chết do thắt cổ tự tử. Còn nỗi oan động trời của ông Chấn, như đã có lần, tôi thưa với bạn đọc, rằng ngay cả ở những nước văn minh, dân chủ, có hệ thống pháp luật chặt chẽ, chuyên nghiệp, dù rất hãn hữu, nhưng cũng khó tránh được oan khuất.
Ảnh: NLĐO
Ở ta, chuyện mười năm tù oan của ông Chấn quả là khủng khiếp, thành tâm điểm, rúng động toàn xã hội. Nhiều trang mạng nước ngoài cũng đã tổng thuật chi tiết vụ oan khiên này. Đó là một vết nhơ của ngành tố tụng. Không thể bao biện được. Cũng không thể gột rửa được. Cần phải coi đó là một bài học cay đắng. Nếu không phải là con độc của một liệt sĩ, thì chắc chắn ông Chấn đã bị tử hình rồi. Với tội giết người tàn bạo bị vu cho ấy, cũng đã đủ để ông phải chịu lĩnh án ở khung hình phạt cao nhất. Và nếu không có người vợ tự đi điều tra (chứ không phải ngành tố tụng) để minh oan cho chồng, và nếu không có việc đầu thú của kẻ giết người thực sự, liệu ông Chấn có thoát được án chung thân không? Rồi lại còn Hàn Đức Long, người cũng bị công an và tòa án Bắc Giang kết án tử hình, cũng được vợ kêu oan với chủ tịch nước Trương Tấn Sang và cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, và nếu không có hai nhà lãnh đạo tâm đức ấy, liệu ông Long có thoát được cái chết oan khuất không? Rồi còn bao nhiêu những Hàn Đức Long và Nguyễn Thanh Chấn ở nhiều địa phương khác nữa?
Để chấm dứt tình trạng bạo hành, ép cung dẫn đến những oan khuất đau lòng này, như trong bài viết cách đây đã gần hai năm, tôi đã đề nghị “cuộc hỏi cung phải được luật sư chứng kiến và ghi lại bằng camera. Bản ghi hình này được xem như là một tài liệu quan trọng của Hồ sơ vụ án. Có minh bạch như thế, chúng ta mới tránh được nạn oan khuất trong các vụ án do bị ép cung. Và cán bộ điều tra cũng sẽ có bằng cớ chứng minh mình vô tội, nếu bị nghi can vu khống, bịa đặt, tố cáo”. Chúng ta rất mừng khi trong một lần trả lời chất vấn ở nghị trường Quốc hội, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công An Trần Đại Quang cho biết: “Bộ Công an cũng đã từng bước trang bị lắp đặt camera vào các phòng hỏi cung. Và trên thực tế cũng đã lắp đặt được ở một số địa bàn trọng điểm”. Đó là điều rất hay.
Tuy nhiên, như tôi cũng đã nói, nếu chỉ lắp đặt camera thì chưa đủ. Bởi người ta có thể cắt xóa rất giản đơn như dựng một cuốn phim để phát hình. Nếu có camera mà lại làm giả, lại đánh tráo hiện trường thì càng nguy hiểm. Điều không thể thiếu, là cùng với camera phải là sự có mặt của Luật sư. Phải cho luật sư được tham gia ngay từ đầu khi công an lấy lời khai của nghi phạm. Nếu không có sự chứng kiến của luật sư, nghi phạm có quyền từ chối không trả lời khi công an điều tra xét hỏi. Và bản khai chỉ có giá trị pháp lý khi có chữ ký của cả ba người: Nghi can, luật sư và người xét hỏi. Có minh bạch như thế, chúng ta mới tránh được án oan. Bởi nói như ông Vũ Đức Khiển, cựu Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, thì rất nhiều trường hợp ra tòa, bị cáo nói bị ép cung, nên buộc phải nhận tội để chờ ra tòa khai lại, họ chỉ còn biết trông vào sự công minh của Tòa, nhưng Tòa lại nói “không thành khẩn, chối tội, ngoan cố”. Tòa đâu có nghe bị cáo. Vậy là đằng nào họ cũng không thoát. Bi hài ở chỗ ấy!
Thực tế, khi bị tạm giam chỉ có công an với bị can, làm gì thì không ai biết, theo luật thì có luật sư, nhưng thực tế thì luật sư cũng không được vào, vì thế bị can rất dễ bị ép cung. Theo ông Khiển, chúng ta cũng đã đi nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước mãi rồi, nhưng chỉ xem thôi chứ không học. Cứ nhìn sang nước gần nhất là Thái Lan, nơi tạm giam bị can là phòng kính, đi lại nhìn thấy hết, không có gì bí mật, khuất tất, tất cả đều minh bạch, chứ không tù mù như ở ta là chỉ có mấy anh công an với bị can. Như thế, nếu không khắc phục bằng những giải pháp chúng ta đưa ra thì không phải chỉ có ông Long, ông Chấn mà rồi sẽ còn xuất hiện rất nhiều những ông Long, ông Chấn khác nữa.
Vì thế, việc Phê chuẩn Công ước chống tra tấn của Quốc hội sắp tới đây là một sự kiện trọng đại thỏa lòng mong ước của dân. Việc làm này cũng là nhằm bảo vệ sự minh bạch, trong sáng của chính ngành công an nữa. Bởi công an có phải ai cũng như mấy ông công an biến chất của Bắc Giang, hay một số địa phương khác đâu. Nhiều người tận tụy với dân, hết lòng vì dân mà tôi không chỉ một lần ca ngợi. Gần đây nhất là Thiếu tướng Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ông đã trực tiếp tham gia giải cứu con tin bị bắt cóc. Một mình ông vào sào huyệt của tội phạm. Kẻ cướp có vũ khí còn ông chỉ có hai bàn tay không. Kẻ cướp cũng có thể đâm chết ông tướng công an được chứ? Vậy mà rồi, với sự dũng cảm và lòng nhân từ, ông đã giáo hóa được tên tướng cướp, cùng hắn lên xe, cho hắn ngồi ngay bên cạnh mình, không trói, cũng không khóa tay, cùng về đồn công an giải quyết vụ việc. Tội đâu thì xử đấy. Đó là một việc làm rất đẹp. Chúng ta có không ít những cán bộ công an như thiếu tướng Nguyễn Đức Chung. Đừng để những kẻ biến chất làm hoen ố hình ảnh rất đẹp của ngành Công an, một ngành rất cần đến sự trong sáng, trung thực và minh bạch…/.