Khủng bố đẫm máu ở Brussels: Nỗi ám ảnh về sự đổ vỡ, đứt gãy
VOV.VN -Đó là khi người ta biết chắc một điều gì đó sẽ đến với mình mà không biết là khi nào và cần phải phản ứng ra sao vào thời điểm đó.
“Déja-vu” là từ tiếng Pháp, nghĩa đơn giản là “đã nhìn thấy”, nhưng trong phân tâm học, đó còn là từ để chỉ một cảm giác siêu thực về việc dường như đã nhìn thấy một điều gì đó đã diễn ra từ trước khi nó thực sự diễn ra hoặc ngay khi đang diễn ra. Đó là một cảm giác không thể lý giải và thường được định nghĩa như là một bí ẩn siêu nhiên mà tạo hóa ban tặng cho con người.
Nhưng cũng có thể, cảm giác đó rất trần trụi.
Đó là khi người ta biết chắc một điều gì đó sẽ đến với mình mà không biết là khi nào và cần phải phản ứng ra sao vào thời điểm đó.
Một người từ Bỉ sang ủng hộ cuộc xuống đường của người Pháp |
Ngày 11/1/2015, cách đây hơn một năm, khi có mặt tại Quảng trường Cộng hòa ở thủ đô Paris để cùng tham gia lễ diễu hành lịch sử của gần 4 triệu người Pháp tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố Charlie Hebdo, tôi gặp một cặp vợ chồng đến từ Bỉ. Họ đến từ Brussels và mang trước ngực tấm biển mang màu cờ Bỉ, Pháp, EU và những con gà trống.
Khi được hỏi, ông chồng Michel trả lời: “Tôi đến từ Bỉ nhưng điều đó không có ý nghĩa gì vào lúc này. Tất cả chúng ta đều giống nhau, đều chung sống trong một thế giới và đều muốn hòa bình. Ngày hôm nay chúng tôi có mặt để ủng hộ nước Pháp và đến lúc nào đó người dân Pháp cũng sẽ sát cánh với chúng tôi”.
Đó là một ước vọng bình thường và chính đáng. Cái mà ông Michel không mong đợi là vào một ngày, đến lượt nước Bỉ của ông trở thành nạn nhân của hiểm họa khủng bố. Ngày đó đã đến hôm qua, khi những mạng người vô tội bị tước đoạt vì bom đạn của những kẻ cuồng tín khát máu. Tại Paris, xuất hiện những dòng chữ “Je suis Bruxelles”, như đã từng có “Je suis Charlie” trên tấm biển mà ông Michel mang theo ngày nào.
Điều tồi tệ là sự đoàn kết không biên giới chưa đủ che giấu được những nỗi đắng cay về việc phải hứng chịu một bi kịch mà biết chắc nó sẽ đến.
Người Bỉ sốc nhưng không bất ngờ.
Tất cả những ai được hỏi đều nói họ biết rằng sớm muộn sẽ có một điều kinh khủng đến với Brussels. Chỉ là không biết bao giờ và ở mức độ thế nào.
Trên quảng trường Broeckere chiều 22/3, có hai sinh viên báo chí tập sự mang những tập bút chì đến phân phát cho những người qua đường, để ai cũng có thể viết những dòng chữ tưởng niệm cho các nạn nhân ngay trên sàn gạch. Hầu như không có những lời than khóc, ai oán rằng “tại sao điều này lại diễn ra”… mà chỉ là các lời động viên, đoàn kết nâng nhau đứng dậy.
Dòng chữ nổi bật nhất ghi “Ensemble contre la haine” – “Cùng nhau chống lại hận thù”. Pauline, một trong hai nữ nhà báo tập sự, phát biểu trên đài RTBF: “Tất cả chúng tôi hầu như ai cũng có dự cảm về cách thức mà nó sẽ diễn ra, trong tàu điện ngầm, ở sân bay vào giờ cao điểm. Tất cả đã diễn ra chính xác như những gì chúng tôi thấy trong cơn ác mộng”.
Thực tế thì các cư dân Brussels thậm chí còn đã được diễn tập với một kịch bản thảm họa. Tuần cuối tháng 11/2015, trước sức ép từ vụ khủng bố Paris 13/11 và các dấu hiệu ngày càng rõ ràng về một âm mưu tái diễn các vụ tấn công ở Brussels, chính quyền Bỉ đã phải “lock down” toàn thành phố, đóng cửa trung tâm thương mại, tàu điện ngầm và trường học. Xe bọc thép chạy đầy trên phố và cả Brussels những ngày đó đã nín thở chờ điều tồi tệ. Không có gì diễn ra và có thể đã có những người Bỉ nghĩ rằng tất cả chỉ là nỗi sợ hãi được thổi phồng quá đáng.
Sẽ là bi kịch nếu đó cũng là suy nghĩ được gieo vào đầu các quan chức OCAM – Cơ quan phối hợp phân tích các mối đe dọa, của Bỉ. OCAM là nơi cao nhất đưa ra các mức độ cảnh báo an ninh và yêu cầu chính quyền phải áp dụng mức nào cho phù hợp. Giờ là lúc không ít người dân Bỉ có quyền thắc mắc: Tại sao sau vụ bắt giữ Salah Abdeslam cách đây vài ngày khiến các mối nguy an ninh tăng cao mà OCAM lại không đặt Brussels vào cấp độ 4 như lần trước?
Thắc mắc và dằn vặt thế thôi, dù cũng không ai dám chắc rằng nếu cấp độ 4 được áp dụng từ trước, liệu Brussels có tránh được thảm kịch hay không.
Bởi lẽ, gốc rễ của câu chuyện lại là cảm giác “déja-vu” khác. Cảm giác về một xã hội bị đứt gãy ở mức độ sẽ tạo ra những xung đột không thể hàn gắn. Sự tồn tại giữa Brussels, chỉ cách vài km các trụ sở của EU và NATO, của một thành phố tội phạm như Molenbeek đã từ lâu là một dự cảm hữu hình về các đe dọa có thể đến với thành phố này.
Điều đáng nói là Molenbeek cũng không phải là cá biệt trong một phạm vi nhỏ bé. Là một đất nước nhỏ hẹp và dân số không đông nhưng Bỉ đóng góp đến hàng nghìn thanh niên cực đoan chạy sang Syria chiến đấu dưới lá cờ IS.
Không nước nào ở châu Âu có tỷ lệ thanh niên cực đoan trên dân số cao như Bỉ. Cũng không nước nào mà tình trạng cực đoan hóa bị xem nhẹ và bỏ mặc đến mức tạo ra hẳn một “hành lang Antwerp” như Bỉ. Ở mức độ này, có thể nói “déja-vu” có thể được diễn giải đơn giản rằng mầm họa đã có thì sớm muộn tai họa cũng đến.
Và có thể, đó mới đích thực là cái cảm giác bất an khó giải tỏa nhất với đất nước này. Cảm giác của một “déja-vu” trần trụi nhưng chỉ có thể phản ứng trong bất lực./.
Bỉ truy tìm nghi phạm thứ ba trong vụ đánh bom tại sân bay
Nhân chứng người Việt tại Bỉ: Mọi người bình tĩnh và yêu thương nhau