Lại nói về chuyện ý thức giữa mùa dịch Covid-19

VOV.VN - Thay đổi ý thức, trách nhiệm với cộng đồng là cách để bảo vệ bản thân và những người thân yêu.

Trong mắt hàng xóm và bạn bè, anh Bảo Trung ở Định Công, Hoàng Mai là người có phần lập dị.

Hai năm nay, anh viết đơn thư gửi đến nhiều cơ quan truyền thông, lên chính quyền địa phương trình báo nhiều lần về sự việc… ao Hoàng Giáp đằng sau nhà anh ô nhiễm, là nơi đổ trộm rác thải xây dựng và phế liệu của mấy xưởng sản xuất gần đó. Gia đình bảo anh mất thời gian, tốn công sức vô ích; hàng xóm cười anh gàn dở, hơi đâu đi lo việc bao đồng. Những cuộc gọi, lá thư tay, email, gửi đi trong vô vọng. Chiều chiều, xe công nông vẫn chạy bon bon chở rác thải đi đổ trộm. Ao Hoàng Giáp bị thu hẹp, mạch nước ngầm ngày một ô nhiễm. Công cuộc mưu sinh với cơm áo gạo tiền, nỗi sợ dịch bệnh, cùng bao lo toan khác, ai quan tâm đến một cái ao với diện tích hàng nghìn m2 đang dần biến mất ở đất thủ đô này?

Núi rác tại ao Hoàng Giáp, ngõ 99-phố Định Công Hạ đằng sau nhà anh Bảo Trung.

“Mỗi bữa cơm tối, nghe âm thanh rì rầm của những chuyến xe công nông đổ trộm rác thải sau nhà là tôi lại thấy buồn. Tôi vẫn sẽ tiếp tục chiến đấu nhưng thấy mình cô độc”, anh Trung buồn rầu chia sẻ.

Trong nỗi buồn của anh Trung, có một phần vì môi trường ô nhiễm; một phần vì ý thức tồi của những kẻ đổ trộm, và một phần bởi sự vô tâm, thờ ơ của những người hàng xóm. "Ý thức công dân" có lẽ vẫn còn là một khái niệm mơ hồ với nhiều người. Hàng ngày, chứng kiến những chuyện như vượt đèn đỏ, bật đèn chiếu xa trong thành phố, phóng nhanh vượt ẩu, lấn làn, rồi chuyện thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh, không xếp hàng nơi công cộng…, bao nhiêu người trong chúng ta sẽ nhắc nhở và ngăn chặn hành động vi phạm? Bao nhiêu người trong chúng ta đã quen với tâm lý cam chịu, coi như “khuất mắt trông coi”, chấp nhận những điều xấu xí cứ sinh sôi, nảy nở hàng ngày?

Trong một số hoàn cảnh đặc biệt, sự vô ý thức còn gây hệ quả khôn lường. Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ nhất,  chiến thắng của Việt Nam được các phương tiện truyền thông ca ngợi là “thần kỳ”. Nhưng thực chất, sự thần kỳ đó không đến từ chiếc đũa thần nào cả. Đó là tổng hoà của nhiều yếu tố: sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ý thức chống dịch cao độ của nhân dân, hàng nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chữa bệnh, áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội triệt để… Tuy nhiên, trong đợt bùng phát dịch lần 2, "gót chân A-sin" trong công cuộc "chống dịch như chống giặc" ở Việt Nam xuất hiện: đó là sự thiếu ý thức, hám lợi cá nhân.

Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng, từ đầu năm đến nay, bộ đội biên phòng đã ngăn chặn trên 16.000 người nhập cảnh trái phép, khởi tố 30 vụ án với 70 người liên quan. Riêng trong tháng 7 đã có trên 2.400 người bị bắt giữ khi cố tình xâm nhập qua đường mòn, lối mở. Công cuộc truy vết, dập dịch sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều nếu xuất hiện ca dương tính Covid-19 trong dòng người đang ngày đêm âm thầm nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Các đối tượng nhập cảnh trái phép bị Đồn Biên phòng Bắc Sơn bắt giữ ngày 23/7.

Hiểu theo nghĩa đơn giản, ý thức tức là sự nhận thức trực tiếp, rõ ràng về việc mình đang làm, đang nghĩ. Thử hỏi những hành vi “vô ý thức” như vượt đèn đỏ, xả rác…, không tuân theo quy định về cách ly, không khai báo trung thực, không đeo khẩu trang…; đến vi phạm pháp luật là môi giới và nhập cảnh trái phép, những người đó có “ý thức” được hành động của mình là không tốt hay không? Xin thưa là có! Thậm chí còn thừa “ý thức” được mức độ nguy hiểm của hành vi mình gây ra, nhưng vẫn lựa chọn làm. Vậy vì sao họ vẫn làm? Nguyên nhân cốt lõi là thiếu giáo dục từ nhà trường, gia đình, từ tầm nhìn và suy nghĩ cá nhân hẹp hòi, nhỏ mọn. Sau là vì thiếu một chế tài đủ mạnh để răn đe những “cái tôi” này.

Ở Singapore, một công dân Việt Nam từng bị phạt đến 1.500 SGD (26 triệu đồng) vì hút một điếu thuốc không đóng thuế ở nơi công cộng. Sử dụng wifi ké của người khác có thể bị phạt 10.000 SGD (17 triệu đồng) hoặc 3 năm tù giam hoặc cả hai. Thậm chí quên xả nước bồn cầu sau khi sử dụng có thể bị phạt tới 150 SGD (2,5 triệu đồng).

Đất nước Singapore giữa mùa dịch Covid-19. Ảnh: STRAIT TIMES

Thái Lan thì cũng chẳng kém phần khắc nghiệt. Chính phủ nước này ban hành luật cấm hút thuốc và xả rác ở 24 bãi biển nổi tiếng. Những người vi phạm sẽ bị phạt tới 100.000 Baht (hơn 75 triệu đồng) và đối mặt với án tù một năm. Còn hành vi xả rác bừa bãi có thể bị phạt tới 2.000 Baht (15 triệu đồng).

Trên diễn đàn Hội sinh viên Việt Nam ở bang New South Wales, Úc có nhắc đến trường hợp một sinh viên Việt Nam sau khi mua tivi về đã vứt hộp bìa đóng gói không đúng nơi quy định về rác thải tái chế. Sau khi bị cảnh sát điều tra, sinh viên này đã phải chịu mức phạt lên tới 700 đôla. Hay ở Mỹ, nếu tài xế đi sai làn đường sẽ phải chịu mức phạt tối thiểu 490 đôla, đặc biệt nếu vi phạm vào giờ cao điểm sẽ phải đợi hết khung giờ này mới được đi tiếp. Vừa mất tiền, vừa mất thời gian, hồ sơ lưu “vết” để lần sau tái phạm còn bị phạt nặng hơn, nên ai cũng cẩn thận và rất tập trung khi đi trên đường.

Tấm biển quy định các hình phạt ở thành phố Brisbane, Úc. 

Chúng ta ngưỡng mộ Singapore vì môi trường sạch đẹp, hay nước Mỹ trung bình mỗi người dân sở hữu một xe ô tô mà giao thông vẫn trơn tru. Những điều tốt đẹp chẳng tự dung mà có. Bởi chỉ trông đợi vào “ý thức cộng đồng” là chưa đủ. Chỉ khi pháp luật cứng rắn và nghiêm trị, mọi trật tự mới có thể đi vào khuôn khổ, xã hội mới yên và công dân không còn dám vi phạm. Đặc biệt đặt trong bối cảnh Việt Nam có số ca tử vong và mắc Covid-19 tăng cao như hiện nay, nhiều người sẽ phải trả giá đắt nếu lựa chọn thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm với chính mình, gia đình và cộng đồng. Và không chỉ dịch bệnh mà còn bất cứ vấn đề nào trong cuộc sống: ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông…

Nhiều người dân không đeo khẩu trang khi đi lễ Phủ Tây Hồ.

Trước khi mong muốn thay đổi thế giới, hãy bắt đầu bằng việc tự thay đổi chính mình. Thay đổi bộ mặt đất nước phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Có ý thức, trách nhiệm với cộng đồng chính là cách để bảo vệ bản thân và những người thân yêu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên