Lan man chuyện “nghe-xem-đọc”

VOV.VN - Nghe-xem-đọc những gì mỗi ngày luôn là câu trả lời không dễ. Nhưng vẫn phải mở sách ra. Và đọc. Và nghe những gì sách nói.

1. Hôm rồi đọc được trên mạng phát biểu của nhà báo Trần Đăng Tuấn bàn về chuyện tác nghiệp của các nhiếp ảnh gia, phóng viên truyền hình.

Ông viết rằng: “Tôi hiểu người chụp ảnh sự kiện thường tự nhiên nghĩ mình có quyền "đặc biệt” cho phép mình đi lại, đứng, trèo, bò, nằm chỗ người khác không được bước vào. Cũng có phần đúng. Nên có thể thông cảm phần nào cho những người trẻ làm truyền hình có một suy nghĩ tự nhiên như thế về “sự đặc biệt” của nghề. Nhưng đến lúc nào đó, các bạn sẽ hiểu: chỉ có người làm truyền hình không có nghề mới nghĩ truyền hình tác nghiệp cứ phải ngoi lên, nổi bật lên khi có sự kiện. Có nghề, khi phản ánh sự kiện thì người ta không thấy truyền hình tác nghiệp”.

Một nhận định không chỉ đơn thuần nói đến chuyện kỹ năng, thái độ tác nghiệp.

Phóng viên ảnh tác nghiệp (ảnh: Quang Trung)

Tôi lan man nhớ một người bạn vong niên cũng làm nghề nhiếp ảnh. Nhớ cái buổi sáng hôm đó, tôi lạc lối khi bước vào một căn phòng sạch sẽ, ngăn nắp. Dân nhiếp ảnh mà chả giống mấy. Không thấy khăn rằn, ăn nói bụi phủi, tóc cờm tai hay trọc hếu, cũng chả thấy ảnh ọt treo tường. Tôi nghĩ vậy và lôi máy ghi âm trong nỗi thất vọng lớn. Tôi sắp thu âm phỏng vấn về nạn đạo ý tưởng trong nhiếp ảnh. Một ông sếp có vẻ không làm nghề bàn chuyện này sao đây.

Rồi câu chuyện bất ngờ có hậu khi cuộc phỏng vấn diễn ra tốt đẹp suôn sẻ. Đó là một bản ghi âm tương đối hoàn chỉnh. Người phỏng vấn cố gắng thâm nhập vào giới nhiếp ảnh, lật xới một vài thực tế; người được phỏng vấn thì mực thước, chững chạc thể hiện sự am tường. Thông tin đủ đầy, phân tích thấu đáo mà không hề phô trương kiến thức như mấy tay không biết người biết ta, chỉ một mình mình một khoảnh.

Nhưng vẫn chưa thấy tay nhiếp ảnh xuất hiện. Hắn vẫn ẩn dật, vẫn chìm khuất đâu đây. Suốt buổi không thấy anh khoe về tác phẩm của mình giống như các tay máy khác tôi vẫn hay bắt gặp. Tôi lại phải tự tìm hiểu vì luôn canh cánh một thắc mắc: phụ trách một tờ báo ảnh mà không có tác phẩm ảnh thì kỳ cục lắm?

Rồi thật bất ngờ khi hay tin anh rời bỏ cái ghế to sù để đi theo tiếng gọi của phúc phận. Một người ngay ngắn thế rời bỏ quyền hành có dễ như một tay ham tự do, ưa khoáng đạt không nhỉ? Tôi thầm chia sẻ với anh và ở một góc độ nào đó, mừng cho anh khi lúc này cái gã nhiếp ảnh gia đã có cơ hội xuất hiện. Anh bắt đầu nói tới những chuyến đi, những dự định bấm máy, thực hiện trang web ảnh riêng..., mạch cảm xúc đang trôi chảy trở lại. Lẽ giản đơn là được sống thật đúng với mình. Được viết ra một suy nghĩ, một tình cảm; được chụp một khoảnh khắc mình rung động.

Có lẽ tôi quý anh ở sự khiêm nhường đó, không tuyên ngôn, không mượn nghệ thuật để tô vẽ, đánh bóng. Anh thanh thản rời cuộc chơi này như để tìm lại một trò chơi khác, ngày trước đã từng bị chôn giấu, gián đoạn. Tôi sợ nhất những tay vị kỷ, làm cái gì cũng vun đắp cho riêng mình. Tôi cúi đầu trân trọng những ai nhận thua thiệt về mình, mở lòng với cuộc đời, bè bạn. Cái đó thật cần cho tài năng bước đi mà không dị hợm. Đi trong đời sống, lặng thầm hát lên một câu tình ấm áp!

2. Trên bàn làm việc của tôi đang có cuốn sách mới Phút 90++ của Trương Anh Ngọc, phóng viên báo Thể thao & Văn hoá và cuốn sách phượt nổi đình đám của Huyền Chíp. Trước mặt tôi là chiếc màn máy tính đang mở các đường link dẫn tới các bài viết về hiện tượng Huyền Chíp với nhiều luồng ý kiến xung đột...

Bìa cuốn sách "Phút 90++" của Trương Anh Ngọc

Huyền, tôi chưa được gặp. Còn Anh Ngọc, tôi đã hơn một lần ngồi nghe anh say sưa nói về bóng đá với tư cách là một bình luận viên thể thao. Tôi thích cách đặt vấn đề của Ngọc về môn thể thao vua. Không chỉ đơn thuần là câu chuyện của 22 gã rồ dại với trái bóng tưng tưng, đó còn là chân dung của văn hóa. Giờ thì câu chuyện của Anh Ngọc vượt ra ngoài trái bóng, đi xa hơn qua các hành trình, mở rộng biên độ nghĩ ngợi với cánh cửa thông giữa hai thời khắc, hai hình ảnh: cậu bé Ngọc suốt ngày bị nhốt ở nhà hồi nhỏ cho đến một nhà báo ưa xê dịch hiện giờ...

Gần đây rộ lên trào lưu viết sách du ký, không phải mới bắt đầu trong thời đại con người ta muốn vẫy vùng thoát ra cái rọ đám đông, mà có từ thuở sự khám phá luôn là một vẻ đẹp của những bộ não, con tim rộng mở và những sải chân không chịu đứng im. Khi những chuyến đi vẫn không đủ cho đam mê, khao khát, những tầng nghĩ ngợi, những trang sách đã ra đời cởi bỏ chật hẹp, tù túng. Một thế giới khác của con chữ mở ra, thênh thang, rộng rãi và tràn năng lượng tỏ bày. Tôi thích sự mơ mộng nhẹ thênh trên đôi cánh bay cùng những cơn mơ xê dịch. Sự mơ mộng và lòng trắc ẩn với những gì xung quanh nâng đỡ ta trong những lúc héo mòn.

Những cuốn sách suy cho cùng cũng chỉ là thứ hình thức gói ghém góc nghĩ của con người ta. Mình ngồi nhà đọc sách của những người đi nhiều để nối dài những hiểu biết. Người ta đi hộ mình, nghĩ hộ mình, mình chỉ việc đọc và ngẫm thôi.

Giờ sao đây khi trên bàn có liền hai cuốn sách đều là dạng du ký thế này? Chẳng phải vì bị vướng vào những tranh cãi ồn ã; vì sự chân thực trong cuốn sách cần phải được kiểm định mà tôi không chọn "Xách ba lô lên và đi" của Huyền. Chọn "Phút 90++" của Anh Ngọc vì tôi không có ý định học các kỹ năng để đi phượt. Tôi muốn lắng nghe một cách nghĩ về giá trị cuộc sống, góc tiếp cận về con người qua các chuyến đi. Nó đọng sâu hơn những kỹ năng. Ở đó, người viết trong vai một tác giả làm báo hơn là người thuật lại thuần túy cuộc hành trình.

Ở một tầm mức khác tôi thích những cuốn du khảo. Những chi tiết văn hoá được chưng cất từ đời sống và sách vở. Nó tĩnh mà động trên từng xăng ti mét vuông giấy. Cái thích nữa ở nhiều tác giả là sự ẩn mình. Đọc, thấy ngay nội công mà không hề khoa chân múa tay. Chỉ xếp tư liệu khảo cứu vào trong dòng suy nghĩ, lập luận một cách giản lược, không nhằm thể hiện, đánh bóng mình. Điều này tôi đọc và thích những trang ghi chép xinh xắn của Phan Cẩm Thượng.

Bỗng nhớ bức tranh của hoạ sỹ, nhà nghiên cứu ẩn dật, một đồng nghiệp được tặng, bày ngay phòng làm việc bé tin hỉn. Những điệu múa cổ, không rõ hình nét như trong bức của cụ Nguyễn Tư Nghiêm nhưng cũng đủ chìm vào hình bóng quá khứ vàng son với một gam màu hơi hướng dân gian. Những điệu múa bị giam hãm trong khuôn phòng chật hẹp của đồng nghiệp như đang cựa quậy chuyển động, hướng về thuở trước.

Mở rộng cánh cửa nghĩ ngợi, tự do bay lượn thoát khỏi đám đông ồn ã. Nhưng lại tiết chế, tránh màu mè, thời thượng, PR, chém-nổ đùng đoàng. Đó là những nghệ sỹ đóng vai chính mình mà không cần phải phô diễn. Khi mà hiện nay các giá trị ảo đang lấn át, tôi chợt yêu những câu chuyện thực, những hành trình đối diện chính mình, đối diện sức hút ma lực của những thứ quyền lực rỗng tuếch. Vì thế, nghe-xem-đọc những gì mỗi ngày luôn là câu trả lời không dễ.

Nhưng vẫn phải mở sách ra. Và đọc. Và nghe những gì sách nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên