Lòng nhân ái bị thả rông

Tất cả chúng ta đều dễ dàng khi nói bằng lời để lên án những hành vi độc ác. Song một hành động cụ thể để ngăn chặn điều ác thì rất hiếm xảy ra.

Những câu chuyện về sự độc ác, vô cảm xuất hiện dày đặc trên mặt báo tuần qua. Một thai phụ bị nhà xe đạp thẳng vào bụng trước sự chứng kiến của hàng chục hành khách. Hàng chục người ngang nhiên xông vào cướp tiền của một người đàn ông bị cướp hụt giữa phố đông. Một cháu bé 11 tuổi phải nhập viện do bị chú công an đánh… Cái ác, thói nhẫn tâm thật là đáng sợ. Song, điều khiến người ta gai người chính là sự thờ ơ của cộng đồng khi vô cảm trước điều ác.

Dưới những bài tường thuật những câu chuyện về sự độc ác và vô cảm, bao giờ cũng có rất nhiều bình luận của độc giả. Những lời lên án, những sự phẫn nộ, những niềm cảm thông. Đọc những dòng bình luận đó, người ta thấy an tâm vì trên đời vẫn còn nhiều người có lương tâm, biết phẫn nộ trước cái ác. Song, lương tâm đó ở đâu, sự phẫn nộ đó ở đâu khi trên chiếc xe khách lên miền Tây Bắc không có ai can ngăn gã nhà xe đánh đập người phụ nữ mang thai? Ở đâu khi hàng trăm người đứng nhìn 30 con người tham lam và độc ác nhảy xổ ra cướp những đồng tiền của người đàn ông thẫn thờ giữa phố?

Tôi mỏi mắt tìm đọc những lời bình luận của độc giả sau những bài báo về cái ác để tìm kiếm một câu hỏi: Bạn sẽ làm gì khi có mặt ở đó, nơi điều ác xảy ra? – Câu hỏi đó không hề xuất hiện. Vì không mấy ai sẵn sàng trả lời một cách thành thật. Tất cả chúng ta đều dễ dàng khi nói về sự “quan ngại sâu sắc” hay “cực lực lên án” trước những hành vi độc ác ấy. Song, một hành động cụ thể để ngăn chặn điều ác thì rất hiếm xảy ra.

Vì sao trên đời này không còn Lục Vân Tiên? Câu hỏi đó đã không ít lần được đặt ra trên báo chí. Và câu trả lời cũng đã có nhiều. Rất nhiều lí lẽ để biện minh cho sự thờ ơ của chúng ta trước cái ác. Rằng, đó là công việc của cảnh sát, của pháp luật, rằng làm ơn thì mắc oán…vv… Thực tế cũng đã chứng minh những lý lẽ ấy rất thuyết phục, và lời dạy của cha mẹ đối với con cái khi ra đường bao giờ cũng là tránh xa mọi rắc rối.

Làm người tốt, có nghĩa là luôn gặp rắc rối! Dẫu không dễ chịu khi thừa nhận nhưng điều đó dường như đã trở thành một bài học làm người cơ bản trong mỗi gia đình. Không để bị rắc rối vì làm người tốt là một lựa chọn khôn ngoan khi người ta đặt mọi giá trị giữa được và mất. Sự ác độc, hay lòng tốt đều có động cơ để hình thành. Và người ta có rất ít động cơ cho lòng tốt khi mà giá trị của lòng tốt không còn được quan tâm trong hệ thống giá trị của con người.

Không có bất cứ một tình cảm nào là vô điều kiện. Lòng tốt cũng vậy. Người ta chỉ sẵn sàng xả thân vì người khác khi có tình yêu đối với con người, tình yêu đối với lý tưởng sống của mình, có nhu cầu thực sự được làm một người tốt. Nhưng, nhu cầu ấy không còn là đòi hỏi bức thiết đối với nhiều người nữa. Có quá nhiều nhu cầu vật chất khiến chúng ta chạy theo mê mải. Mục đích kiếm tiền và tạo dựng quyền lực khiến chúng ta không còn thời gian để quan tâm đến chính những người thân của mình, chưa nói đến một người qua đường. Vòng tròn tình yêu của chúng ta mỗi ngày một nhỏ hẹp, chúng ta chỉ quan tâm đến gia đình mình mà không cần để ý đến môi trường xung quanh và điều đó khiến chúng ta trở nên hẹp hòi, mất hẳn động cơ làm người tốt.

Không còn động cơ cho lòng tốt! Nếu khẳng định như vậy, phải chăng giờ đây chúng ta phải chấp nhận sống chung với cái ác, với sự vô cảm? Một cách lạnh lùng, và thực tế: Đúng là như vậy! Bởi đó là quy luật, là điều phải đến trong một giai đoạn phát triển nhất định. Khi mà cả xã hội của chúng ta đang phải chạy đua để cạnh tranh về tiền bạc, về quyền lực, và những giá trị vật chất khác. Lòng tốt không có chỗ trong cuộc đua này. Nó chỉ trở lại khi mà sau bao nhiêu nỗ lực tìm kiếm các giá trị vật chất, chúng ta thấy được rằng tất cả đều vô nghĩa khi hàng ngày chúng ta phải đối mặt với cái ác, với sự vô cảm giữa người với người. Chỉ khi nhận ra được điều đó, lòng tốt mới có thể trở lại như một giá trị để cứu rỗi cuộc đời./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên