Người Việt mình vẫn thế?
(VOV) - Đôi khi việc cứ tưởng to tát không thể lay chuyển lại có thể được giải quyết một cách vô cùng đơn giản.
1. Bà ấy vừa đi vừa chửi. Chưa thấy người đã nghe thấy tiếng. Mà chửi rất bài bản, rất văn minh chứ không phải kiểu chửi “mất gà” ngày xưa vì đây là chửi kiểu…“được rác” ngày nay: “Sáng ngày ra đã thấy túi rác to lù lù trước cửa. Nhiều lần rồi chứ có phải mỗi lần này đâu. Nhìn rác là biết ngay gia đình này cũng khá giả đấy. Thế mà cũng là gia đình văn hoá, cả cụm dân cư văn hoá, văn hoá mà cư xử chả ra sao!”.
Lúc tôi dắt xe máy ra khỏi cửa là lúc bà ấy từ hẻm đi ra, miệng vẫn không ngớt lời. Mọi nhà đóng cửa im ỉm, đường vắng tanh, tôi trở thành “nhân chứng” bất đắc dĩ, đi luôn cũng dở, ở lại nghe phàn nàn cũng nản.
Bà nhìn thấy tôi và lại nhắc lại điệp khúc ấy vì sợ tôi chưa kịp nghe hết. Không xen câu chửi thề nào dù rất bực, chứng tỏ bà rất văn minh.
Bà cầm túi rác đi về phía đầu ngõ. Dĩ nhiên là đi về phía bức tường rào nhà một cựu đại biểu quốc hội, nơi có tấm biển “Cấm vứt rác”. Không may là buổi sáng từ 6 giờ đến 10 giờ, gần tấm biển đó là một hàng phở nên vứt rác không tiện. Bà quay trở lại, đặt túi rác vào giáp ranh tường nhà vị cựu đại biểu quốc hội và …nhà tôi. Miệng bà lẩm bẩm: “Thôi để tạm ở đây”!!!
Sững sờ. Tôi không biết nên gọi người phụ nữ đáng kính đó lại nói cho ra nhẽ, hay là nuốt cục tức phóng xe đi cho kịp giờ làm. Cuối cùng tôi đành chọn giải pháp thứ hai.
Ảnh: Mỹ Trà |
2. Nhà tôi ở đầu một con ngách dài vẻn vẹn hơn 20 mét, đi vào trong là hai con hẻm nhỏ ngoắt ngéo xưa vốn là đường làng. Gọi là ngách nhưng ôtô có thể vào được. Và thế là trong suốt những năm tháng đô thị hoá, ngách nhà tôi trở thành nơi tập kết vật liệu để các nhà trong hẻm “thay da đổi thịt”.
Thành phố cấm xe tải ban ngày, vì thế cứ đêm tối là rầm rầm xe chạy, rầm rầm đổ vật liệu, rầm rầm trộn bê tông. Khói bụi mịt mù, mùa hè cũng như mùa đông. Sáng hôm sau, cả xóm đều bơ phờ vì mất ngủ.
Hồi mới về làm dâu, tôi bức xúc mấy lần định ra nói lí. Nhưng mẹ chồng can ngăn, bảo là: “Chả ai nói, tự dưng mình ở đâu mới về làm thế người ta bảo mình là ghê gớm!”
Cho đến một đêm, mấy người nước ngoài mới đến thuê nhà đối diện vì không ngủ được đã bất bình mở cửa cãi nhau với nhóm công nhân xây dựng. Ngôn ngữ bất đồng nhưng chính vì sự yếu thế của mấy anh Tây đó lại như một giọt nước làm tràn ly. Các nhà trong khu đồng loạt bật đèn (thực ra có ai ngủ được đâu), mọi người đổ ra, dứt khoát yêu cầu dừng việc đổ bê tông gây mất trật tự và ô nhiễm không khí.
Từ đó trở đi việc tập kết vật liệu chấm dứt trước 10 giờ tối. Người ta chuyển luôn vật liệu vào trong nhà chứ không để bừa bãi chỗ đường đi công cộng. Đường sá phong quang đẹp đẽ trở lại.
Tôi thầm tiếc nuối cho 10 năm chịu đựng vừa qua. Đôi khi việc cứ tưởng to tát không thể lay chuyển lại có thể được giải quyết một cách vô cùng đơn giản như thế. Người Việt mình trong chiến tranh gian khổ ác liệt thì “kẻ thù nào cũng đánh thắng, khó khăn nào cũng vượt qua”. Vậy sao trong thời bình thì lại chẳng vượt qua nổi nỗi sợ bóng sợ vía do chính mình vẽ ra?!
3. Cùng thời gian 10 năm đó, cái sân con Voi trong khu bị bỏ hoang, cỏ mọc đầy. Chả ai dám bước vào vì sợ giẫm phải những thứ không an toàn. Góc sân là một cái nhà tạm. Mới đầu là nơi thu gom đồng nát, sau 10 năm thì họ lấn thành 3 nhà, xây kiên cố còn mở cửa hàng kinh doanh. Ai cũng ngứa mắt mà chả dám ho he.
Thế rồi, theo trào lưu một thời, Thành phố định biến nó thành trung tâm thương mại. Cứ tưởng thế là xong vì đằng nào nó cũng bị bỏ hoang. Không ngờ, dân khu tôi đồng loạt phản đối mạnh mẽ, kiến nghị mạnh mẽ. Cuối cùng Thành phố quyết định xây lại một sân chơi mới. Mấy nhà lấn chiếm bị di dời.
Sân chơi Con Voi (ảnh: Mỹ Trà) |
Ngày khai trương, toàn dân hân hoan đổ ra sân. Ấn tượng chung của mọi người hôm đó là cái sân lớn quá nên con, cháu mình trở nên bé nhỏ, không cẩn thận là nó chạy mất hút vào đám trẻ con, không biết đâu mà tìm.
Tôi lại tiếc nuối, 10 năm, một thế hệ không có chỗ chơi.
4. 10 năm qua khu nhà tôi cứ thanh bình trong cách biệt như thế. Nhà nào biết nhà nấy. Cửa giả cứ đóng im ỉm. Tôi không quen biết nhiều, cũng chả thân với ai.
Từ khi cái sân con Voi được xây sửa, ngày nào các con tôi cũng được ra đó chơi 2 lần. Có thể tôi không biết hết tên người lớn, nhưng tôi thuộc tên những em nhỏ, biết em bao nhiêu tháng, bao nhiêu tuổi, sở thích thế nào. Người Việt thật hay khi gọi tên con thay bố mẹ.
Ở chính cái sân này, các em nhỏ lần đầu tiên được bố mẹ dạy cách sống hoà nhập với cộng đồng, lễ phép với người lớn và cởi mở với bạn bè. Biết xếp hàng khi leo cầu trượt, biết chia sẻ cho nhau miếng bimbim, cái kẹo, biết đi vứt rác vào thùng, giữ gìn vệ sinh chung. Ở sân, tôi thấy ai cũng đẹp, cũng yêu đời, cũng có ý thức cư xử thật văn minh, lịch sự.
Thế mới thấy tác dụng to lớn của khu vui chơi công cộng. Tiếc rằng thực tế thì các khu vui chơi kiểu này, vốn rất thiếu lại đang dần bị lấn chiếm hoặc bị chuyển đổi sang mục đích khác.
Tôi gặp lại người đàn bà vứt rác sáng hôm nọ cũng ở sân con Voi. Bà dắt đứa cháu gái nhỏ đến giới thiệu với tôi và không quên nhắn nhủ một câu: “Hôm ấy, sau đó cô mang rác đi đổ đúng nơi qui định rồi đấy nhé!”. Tôi mỉm cười vì nơi “qui định” là cái chỗ có biển “Cấm đổ rác”. Việt Nam mình nó thế nhưng sẽ thay đổi. Chuyện đó nhỏ thôi, đúng không?
Bất chợt, tôi nhớ đến những câu thơ của Nguyễn Sĩ Đại:
Người vá trời lấp bể
Kẻ đắp luỹ xây thành
Ta chỉ là chiếc lá
Việc của mình là xanh
Một chiếc lá xanh đúng nghĩa, chẳng phải đã là một điều vĩ đại rồi sao!/.