Nhà báo Hữu Thọ: Một cây bút sắc!
VOV.VN - Nhà báo Hữu Thọ mất là một tổn thất không gì bù đắp được đối với giới báo chí và những người từng quen biết ông.
Nhà báo Hữu Thọ không còn nữa. Mới đây chỉ ít ngày thôi, tôi còn cùng ông nhân Kỷ niệm chương của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển. Ông còn hẹn tôi qua nhà để ông tặng mấy cuốn sách mới. Tôi cũng dành cả bộ sách vừa xuất bản tặng ông. Trong cuốn sách mới nhất, cuốn “Hầu chuyện Thượng Đế”, tôi cũng nhắc đến ông khá nhiều. Ông không ốm đau gì. Rất khỏe mạnh và minh mẫn.
Buổi sáng ngày 13/8, ông vừa ăn sáng xong, đang uống cốc cà phê thì ho ra máu rồi đi luôn. Sáng sau đã tiến hành tang lễ nên nhiều người còn không kịp biết ông đã mất. Ngay ngườiviết mấy dòng này cũng rất bàng hoàng, không thể tin nổi, dù đó là một sự thật đau đớn. Hữu Thọ mất là một tổn thất không gì bù đắp được đối với giới báo chí và những người từng quen biết ông.
Sinh thời, khi ông còn sống, tôi có nhiều cuộc gặp gỡ tiếp xúc với ông. Lần nào ông cũng để lại trong tôi những ấn tượng vô cùng tốt đẹp.
Nhà báo Hữu Thọ (Ảnh: Quang Trung) |
Còn nhớ, khi Tạp chí Văn nghệ quân đội mở chuyên mục mới: “Mười hai cuộc đối thoại trong năm”. Mỗi tháng có một cuộc đối thoại. Người mà toà soạn chọn mở đầu cho chuyên mục, để phóng viên tạp chí đến đối thoại là nhà báo Hữu Thọ. Xin bạn đọc lưu ý cho, đây là cuộc đối thoại, chứ không phải phỏng vấn. Chính vì có người nhầm giữa hai thể loại rất dễ hiểu và rất khác nhau ấy nên trách tôi đã lấn lướt, chơi trội đối với người được hỏi chuyện, nhất là người đó lại là nhà báo lớn, một Ủy viên Trung ương Đảng, người giữ trọng trách của Đảng: Trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá trung ương. Khổ, đấy đâu phải cuộc phỏng vấn. Phỏng vấn thì phóng viên chỉ biết hỏi và ghi, người trả lời nói sao thì ghi vậy. Còn đối thoại thì cả hai cùng trao đổi bình đẳng về một vấn đề gì đó mà cả hai cùng quan tâm. Trong trao đổi, có những điều gặp nhau, có những điều hoàn toàn đối ngược. Cả hai cùng thảo luận để dẫn đến sự thống nhất. Cũng có khi tranh luận rồi mà vẫn không gặp nhau. Thế là đành bỏ ngỏ để bạn đọc cùng tham gia nghĩ tiếp.
Cuộc gặp gỡ chớp nhoáng ấy đã để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng. Hữu Thọ đã hoàn toàn chinh phục tôi bởi sự thông minh, tinh nhạy và hiểu biết thấu đáo. Dường như chạm đến lĩnh vực nào, ông cũng rất am tường. Thường trước những câu hỏi hóc búa, ông lại đưa ra được những lý giải sắc sảo, đúng đắn và giản dị. Sau này theo dõi nhiều cuộc tiếp xúc của ông với giới báo chí, tôi vẫn có ấn tượng như vậy.
Hữu Thọ là người luôn giữ vững nguyên tắc, nhưng lại không khô cứng và giáo điều, thêm nữa là thái độ xuề xoà gần gũi, nên đối với anh em phóng viên, dường như ông không có khoảng cách nào cả. Chức tước chỉ là tấm áo khoác. Chẳng ai suốt đời cứ khoác mãi một tấm áo. Dù Hữu Thọ ở trong bộ trang phục nào thì người ta cũng vẫn thấy lồ lộ hiện ra trước mắt mình một người cầm bút, một nhà báo đàn anh, người bạn đồng nghiệp, cùng hội cùng thuyền. Có khen ông chân thành thì cũng không có mặc cảm mình là kẻ xu nịnh, mà nếu có yêu mến châm chọc ông, bỡn cợt ông thì cũng không có cái cảm giác là mình sàm sỡ, gần chùa gọi Bụt bằng anh. Chính đấy là cái ông hơn người. Có lẽ vì thế, một phóng viên của báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh đã hỏi một câu mà người yếu bóng vía có thể giật mình:
- Có người nghĩ nhà báo Hữu Thọ bây giờ như một cảnh sát báo chí, lúc thì bật đèn xanh, lúc lại bật đèn đỏ, ông nghĩ như thế nào về điều này?
- Ô, thế à, thật như thế à? - Hữu Thọ cười rất vui. - Sao anh chị em lại nghĩ về mình như thế nhỉ? Mà nếu thế thì cũng có sao đâu nhỉ? Ở ngã ba, ngã tư đông người thì phải có đèn xanh, đèn đỏ và cả đèn vàng nữa chứ. Cũng là vì lợi ích của người đi đường, của kỷ cương xã hội. Có "đèn" thì đường phố trật tự, người đi đường đi nhanh hơn. Có phải thế không? Thế thì tội tình gì! Nhưng thực ra tôi cho rằng, đã là người làm báo, cái gốc là có được thông tin để bình giá theo lương tâm, theo sự trung thực của chính mình. Chúng ta đều đứng trên cùng một trận địa, cùng phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Nếu cung cấp thông tin đầy đủ, cùng thảo luận xem việc gì nên làm, việc gì không nên làm thì rõ ràng là hay hơn. Tôi đã làm báo, tôi biết. Câu chữ viết ra từ cái đầu và trái tim. Phải tin, phải yêu thì viết mới hay. Không áp đặt được đâu. Nhưng làm gì cũng phải có luật lệ chứ.
Hữu Thọ chẳng né tránh điều gì. Dù đã từng giữ nhiều trọng trách: Tổng biên tập báo Nhân Dân, rồi Trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá trung ương, nhưng ông vẫn không bỏ viết. Hữu Thọ trước sau vẫn là người của nghề, vẫn đau đáu vì nghề, vẫn mất ăn, mất ngủ vì không viết được những bài báo hay. Còn thế nào là một bài báo hay ư? Cứ theo Hữu Thọ thì trả lời câu hỏi ấy không dễ dàng gì. Ông bảo:
- Chính tôi cũng chẳng biết viết như thế nào cho hay, cho thành công, vì mỗi bài báo là một sự thử thách. Nhưng tôi biết bài báo sẽ thất bại nếu đưa ra câu trả lời chỉ để vừa lòng tất cả mọi người, hoặc chỉ vừa lòng một vài người...
Trong cuộc đời làm báo của mình, Hữu Thọ cũng vất vả lắm, gian nan lắm, đâu phải lúc nào cũng êm chèo, mát mái. Ông hoạt động cách mạng từ rất sớm. Mới ngoài hai mươi, ông đã tham gia Thường vụ thị uỷ thị xã Hải Dương. Năm 1957, ông nhận được một lúc hai quyết định. Một là quyết định của Tỉnh uỷ Hải Dương cử ông về Ninh Giang làm bí thư huyện uỷ. Hai là quyết định của Khu ủy Tả Ngạn bổ sung ông về công tác ở báo Nhân Dân. Tình thế bắt buộc ông phải lựa chọn. Nhà báo Lê Điền, phóng viên báo Nhân Dân lúc bấy giờ đang về viết ở Hải Dương bảo ông: "Nếu cậu muốn làm quan thì theo quyết định của tỉnh, còn thích cuộc đời phóng khoáng như bọn mình thì về báo. Làm báo cũng là phục vụ nhân dân thôi"
Hữu Thọ không chọn con đường làm quan, mà chỉ chọn làm một anh nhà báo. Ông làm lính của báo Nhân Dân từ thuở ấy. Ở trong môi trường báo, ông cũng tập sống như cánh nhà báo, cũng nhí nhách cà-phê, cũng đăm chiêu nhả khói thuốc lá mà rồi đâu đã thành được nhà báo.
Chuyến đi đầu tiên của ông là đi Hoà Bình, viết về đời sống của nhân dân miền núi. Kết quả là một bài viết na ná như bản báo cáo tổng kết thành tích trong năm của cấp lãnh đạo cơ sở, dài 1200 âm tiết. Tổng biên tập Hoàng Tùng không một chút khoan nhượng đã " thiến" hết, chỉ để lại phong phanh chừng ngót một phần mười. Hoàng Tùng bảo: "Lẽ ra cậu chưa nên đi công tác vội. Phải biết nghề báo là cái gì, cách viết báo thế nào đã rồi hãy viết chứ".
Bài báo đầu tiên đã thất bại. Một loạt bài sau cũng chẳng hơn gì. Nhà báo Thép Mới lại giội thêm cho ông một gáo nước lạnh nữa: "Cậu viết chán bỏ mẹ. Không xực được!" Hữu Thọ buồn lắm. Ông nghĩ, hay là mình đã chọn nhầm nghề mất rồi. Ông lân la tìm Thép Mới, coi Thép Mới như một người thầy đầu tiên. Thép Mới thủng thẳng: "Tao thấy mày độc dựa ý kiến ông này, ý kiến ông nọ, rồi cấp này, cấp nọ, chẳng thấy đâu là ý kiến riêng của mày. Chán là chán chỗ đó. Cứ viết thế thì ai đọc?”. Thấy Hữu Thọ buồn, Thép Mới bảo: "Cậu chưa chi đã nản. Làm việc gì cho giỏi mà chẳng khó. Còn cứ làng nhàng thì khó quái gì. Phải đi vào ngóc ngách đời sống. Phải tạo cho mình một lối nghĩ riêng, phải có suy nghĩ thật mới thì người ta mới đọc. Nên bắt đầu từ những hiểu biết sâu sắc của mình". Rồi Thép Mới đổi giọng thân mật: "Thôi, về nghỉ đi. Tao thấy mặt mũi mày cũng được đấy, chẳng đến nỗi nào đâu...".
Đấy chính là những bài học đầu tiên của Hữu Thọ về nghề báo. Sự hiểu biết sâu sắc thấu đáo của ông lúc bấy giờ chủ yếu là cuộc kháng chiến chống Pháp, là đời sống nông dân trong các làng quê vùng Thái Bình của ông. Thế là ông trở lại quê hương Thái Bình, viết về sự biến đổi của đời sống nông dân trong thời kỳ mới. Bài viết "Những con đường kháng chiến quê tôi" của ông khá dài, Thép Mới cho đăng ngay, không hề chữa một chữ. Tổng biên tập Hoàng Tùng cũng khen: "Bài cậu viết được đấy". Lời khích lệ dù còn rất dè xẻn ấy của bậc đàn anh cũng đủ sức giữ ông ở lại làng báo. Rồi Hữu Thọ đi chiến trường, làm phóng viên mặt trận ở Vĩnh Linh, Quảng Trị, rồi Khe Sanh cùng với những bài viết nóng hổi hơi thở của mặt trận.
Bây giờ, Hữu Thọ đã là một nhà báo nổi tiếng, và hơn thế, ông là một nhà báo lớn, tác giả của hàng ngàn bài báo, đã nhiều lần nhận giải thưởng cao nhất của Giải Báo chí toàn quốc. Sau này, dù phải đảm đương nhiều trọng trách, ông vẫn không rời cây bút. Ngày nào ông cũng viết, và thường chỉ viết tranh thủ vào giờ nghỉ trưa, từ 12 giờ đến 1 rưỡi. Ấy là giờ riêng của ông. Còn suốt ngày là các công việc sự vụ. Tối ông đọc sách. Ông đọc rất nhiều, đủ các thể loại. Đọc sách đối với ông cũng là một kiểu đi thực tế, một cách trau dồi kiến thức.
Hữu Thọ cho tập hợp các bài viết của mình thành bốn tập sách dày dặn “Người hay cãi”, “99 chuyện đời”, “Sông đỏ sông đen” và “Của chùa”. Sau đó tuyển lại gộp chung vào một cuốn dày đến hơn 800 trang. Đó là một việc làm táo bạo, nếu không nói là mạo hiểm. Bởi báo chí là chuyện cập nhật, chuyện hàng ngày mang tính thời sự. Khi sự việc đã qua rồi thì mọi chuyện cũng đã qua. Nhiều bài rất hấp dẫn ở thời khắc ra đời của nó, sau đọc lại thấy bẽ bàng, cũ rích. May sao, Hữu Thọ thoát được hiểm hoạ ấy. Cuốn sách rất dày, bán rất đắt, mà vừa ra đã được tái bản ngay, quả cũng là một điều hiếm thấy.
Hữu Thọ bàn đến nhiều vấn đề trong xã hội hiện đại, từ kinh tế đến văn hoá, giáo dục rồi những chuyện thế thái nhân tình, cả những chuyện vặt vãnh hàng ngày. Hầu hết là những bài báo ngắn. Đặc sắc nhất trong tập lại là những bài cực ngắn. Có bài chỉ một vốc chữ, tãi ra không đầy một gang tay, nhưng lại đề cập đến nhiều vấn đề lớn, có chất thời sự mà vẫn có tính muôn thuở.
Tỷ như Hữu Thọ bàn đến chuyện đoàn kết nội bộ. Bài báo có tên là “Chó cắn suốt đêm”. Hữu Thọ kể một lần về địa phương tiếp xúc cử tri. Sau khi xong việc, ông đi dạo quanh xóm, hỏi thăm đời sống bà con. Một cụ bà bảo ông: "Gớm, đêm qua, tôi chẳng ngủ được, ông ạ". "Có chuyện gì thế cụ?". "Chó cứ cắn suốt đêm. Ông đã về đây, thì ông còn lạ gì!" Bà cụ chỉ bóng gió vậy, rồi hỏi gì cũng không nói nữa. Muốn biết lòng dân thì phải tìm hiểu. Hữu Thọ la cà hỏi chuyện, mới hay làng có cuộc bầu bán một chức vụ gì đó trong cơ sở Đảng. Thế là cả làng cứ xì xì xầm xầm những chuyện nhân sự. Rồi ba bè, bảy nhóm thậm thà thậm thụt đi vận động suốt đêm. Chó cứ nương theo những bước chân rón rén mà sủa ông ổng đến sáng, làm cho dân không thể ngủ yên được. Bà già mượn tiếng chó sủa để bóng gió nói nỗi lo lắng của dân về sự mất đoàn kết nội bộ, trong việc tranh giành một cái ghế lãnh đạo ở cấp cơ sở. Cái ghế thì bé, nhưng việc bè cánh, phe phái trong cơ sở Đảng thì lại chẳng bé chút nào. Nó chính là hiểm hoạ làm cho dân chán nản, mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.
Có khi Hữu Thọ lùi sâu một khoảng thời gian, lùi đến mấy thế kỷ để bàn về cách dùng người, về mẹo trị dân của các bậc vua chúa. Bài “Quần hiền và trảo nha” cũng chỉ không đầy ba trăm âm tiết. Thời nào cũng vậy, một người dù hiền tài đến mấy, hoặc bạo ngược đến mấy cũng không thể một mình cai trị đất nước, hay trấn trị một phương. Cho nên mới phải dùng người. Biết bao lời khuyên về việc dùng người và cũng biết bao cách dùng người.
Các nhà nghiên cứu những truyện cổ kim cho rằng các vị vua chúa thường chỉ có hai phép: Quần hiền và trảo nha. Quần hiền là phép tụ tập người hiền tài, muốn nghe chước lạ mưu hay, dùng người đúng việc và kính trọng mọi người, kể cả những người nói ngang, để hình thành một lực luợng hùng hậu, chân tài dưới cờ nghĩa. Còn trảo nha là nanh vuốt, từ điển còn chua nghĩa đời thường là vây cánh, bè đảng. Người dùng thuật trảo nha chỉ nghe một số người, tin một số người, tạo thành tay chân, cài cắm ở mọi nơi và trong mọi việc, lấy đạo trung thành với mình làm mục tiêu, bất kể phải trái. Vua hiền thường dùng phép quần hiền, nhưng lại có lúc dùng thuật trảo nha. Thuở hàn vi lập nghiệp, các vua ta hay dùng phép cầu hiền để quần hiền, khi thoả mãn địa vị cao sang thì làm điều càn rỡ, không nghe lời ngay thẳng, lòng tin bị ngả nghiêng thì nghi kỵ lan tràn, cho nên hay dùng thuật trảo nha. Quần hiền thì mây lành hội tụ. Sức lúc đầu yếu, nhưng sau mạnh. Trảo nha thì lũ hung đồ và nịnh bợ xuất hiện, bạo lực lan tràn, cũng có lúc mạnh, nhưng lại là cái mạnh nhất thời, lâm vào thế phòng thủ, cho nên là thế yếu và lòng dân ly tán.
Đoàn kết của ta theo đạo lý Bác Hồ và theo phép Bác Hồ mà thành đại đoàn kết. Quần hiền là phép nên theo, không phải chỉ trong chuyện to tát như cai trị đất nước mà cả trong "chuyện làm ăn" của từng cơ sở nhỏ nhất.
Các bài báo của Hữu Thọ thường như vậy. Ông bàn đến nhiều vấn đề lớn trong một bài rất nhỏ. Dù chuyện xưa hay chuyện nay. Tóm tắt bài viết của ông có khi lại còn dài dòng hơn nguyên bản ông viết. Hữu Thọ có khả năng thời sự hoá những chuyện đã trở thành vĩnh cửu và vĩnh cửu hoá những chuyện tưởng như là thời sự, thậm chí cả những cái vụn vặt hàng ngày, chúng ta có thể thấy rồi bỏ qua, nhưng Hữu Thọ vẫn có thể dựng chúng thành những bài báo đọc không nhạt, người đọc cũng không nghĩ đấy là chuyện vụn vặt. Đó là cái tài và cũng là cái tâm của một nhà báo. Những người như thế, trong giới báo chí của ta cũng đâu có nhiều.Vì thế Hữu Thọ mất đi là một tổn thất không gì bù đắp được.../.