Nhà vệ sinh 600 triệu và những lớp học "há mồm"
(VOV) - Ngôi trường ở vùng núi Lạng Sơn được những người yêu trẻ góp tiền xây dựng, sắp hoàn thành!
“Lớp học há mồm”, đó là hình ảnh ấn tượng mà một tờ báo đã dùng để miêu tả các lớp học trong trường tiểu học Nà Lốc ở Văn Quan, Lạng Sơn, mới chỉ năm ngoái đây thôi. Những ngôi nhà tranh vách đất, trống hốc trống hoác và xiêu vẹo, chỉ chực đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Thế mà đấy lại là chỗ học của trẻ con.
Đến hôm nay thì hình ảnh ấy ở điểm chính của trường tiểu học Nà Lốc đã trở thành dĩ vãng. Một ngôi trường mới, vững chắc, kiên cố đang dần thành hình, và chắc chắn sẽ kịp đón các em bé vào năm học mới. Điều đặc biệt là ở chỗ, 8 phòng học vừa được xây nên bởi sự chung tay của rất nhiều người.
Mỗi ngày vào mạng, tôi đều lướt qua trang web, xem có hình ảnh mới nào về trường tiểu học Nà Lốc được đưa lên không. Dõi theo từ lúc đào móng, dựng khung sắt đến xây tường gạch, rồi lợp mái và lát nền. Ngôi trường mọc lên sao mà nhanh, đẹp đẽ và đáng yêu đến thế !
Ngày 26/6/2013 |
Sàn lớp học láng bóng thay cho nền đất lở và ẩm thấp trước kia |
Tôi từng chứng kiến sự hình thành và những hoạt động của nhóm thiện nguyện Chia sẻ tình thương. Họ là những người bình thường chứ không phải những đại gia giàu có, tìm đến với nhau, kết nối qua Internet để cùng chung tay chăm sóc những trẻ em thiếu may mắn. Gần đây, hoạt động của nhóm là quyên góp sách vở, quần áo, sữa, bánh kẹo... tìm đến những ngôi trường ở vùng sâu vùng xa, giao lưu, chia sẻ, giúp đỡ và động viên thày trò ở đó.
Một ngày tháng 3 năm nay, họ tình cờ ghé thăm "lớp học há mồm".
Rồi một vài thành viên đưa ra ý định quyên góp xây dựng lại trường, để cô và trò trường Nà Lốc không còn phải sơ tán mỗi khi mưa bão, không phải tím tái vì gió lạnh mùa đông, không phải canh cánh lo nhỡ bức tường đất xiêu vẹo có thể đổ xuống bọn trẻ.
Vài người khác tranh cãi rằng việc xây trường hãy để nhà nước lo, chúng ta hãy làm việc nhỏ, vừa sức mình!
Nhưng chờ đợi thì đến bao giờ mới có trường ? Mà nhìn lũ trẻ học trong ngôi trường không ra trường, thương quá!
Thế rồi cuối cùng họ đồng lòng quyết chung tay xây dựng trường. Quyên góp. Người có nhiều gửi nhiều, có ít đóng ít, góp gió thành bão, cốt ở tấm lòng. Nói là làm, bắt tay vào luôn. Cán bộ thôn, giáo viên trong trường tích cực hưởng ứng. Dân địa phương góp ngày công đổ đất, san nền. Thành viên nhóm Otofun Lạng Sơn tặng mấy tấn xi măng. Các sinh viên trường ĐH KHXH &NV lên thăm và tham gia đóng góp... Từng đồng tiền quyên góp được công bố trên mạng.
Cơn bão số 2 gây mưa, cả ngần ấy con người hồi hộp, lo cho công trình. Cô Hiệu trưởng viết thư cho nhóm Chia sẻ tình thương: "Các anh chị à. Mặc dù Hôm nay (24 tháng 6) từ sáng đến chiều trời mưa suốt nhưng không có ảnh hưởng đến công trình xây dựng đâu nhé... Các anh chị cứ yên tâm. Hiện thợ làm mái đã tâp kết vật liệu phần mái nếu hôm nay thời tiết ủng hộ thì bắt đầu. Mấy hôm trước do máy nổ của trường công suất không đủ tải để hàn các khung nhà nên thợ lại phải đi thuê máy nổ có công suất to hơn. Phần làm nền của 2 thôn còn lại chưa thực hiện được do bà con đang bận cấy. Em đã trao đổi với các anh trưởng thôn, dự kiến sang tuần sẽ thực hiện..."
Người dân góp sức, lấy đất san nền lớp học |
Dự kiến khi hoàn thành, chi phí xây điểm trường chính với 8 phòng học là hơn 400 triệu đồng. Xong điểm trường chính, các thành viên nhóm Chia sẻ tình thương đang dự định sẽ tiếp tục chung tay xây dựng phân trường ở Bản Mù, nơi lớp học vẫn còn "há mồm".
Nhóm Chia sẻ tình thương dự kiến sẽ xây 2 lớp học ở điểm trường Bản Mù |
Cũng trong những ngày này, UBND tỉnh Quảng Ngãi đang tiến hành thanh tra 24 công trình nước sạch và nhà vệ sinh trường học do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh làm chủ đầu tư, sau khi vụ xây dựng nhà vệ sinh kèm cấp nước trị giá gần 600 triệu đồng ở trường THCS Long Hiệp, huyện Minh Long, được đưa ra công luận. Quá trình thanh tra còn phát hiện ra ở trường tiểu học Long Sơn ở huyện Minh Long có tới 2 nhà vệ sinh được tài trợ xây dựng và 1 nhà vệ sinh cũ của trường. Một nhà vệ sinh có số vốn gần 600 triệu đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Bộ NN&PTNT), cái kia do nước ngoài viện trợ (chương trình SEQAP) vốn gần 1 tỉ đồng (gồm 1 nhà vệ sinh và 1 phòng học). Cả 2 dự án này dù nguồn vốn khác nhau nhưng cùng do Sở GD-ĐT Quảng Ngãi làm chủ đầu tư và được bàn giao đưa vào sử dụng cách nhau chỉ 2 tháng. Vậy là Trường Long Sơn có đến 3 nhà vệ sinh (2 mới, 1 cũ). Chính các thày cô giáo ở trường này cũng xót xa mà ước rằng giá số tiền ấy nếu được đầu tư cho lớp học, bàn ghế đã xuống cấp thì thiết thực biết bao nhiêu.
Kết quả thanh tra rồi sẽ được công bố. Nhưng chẳng cần chờ đến lúc đó, sự lãng phí cũng đã biểu lộ khá rõ ràng.
Ở nơi này người ta tiêu dễ dàng những món tiền, xây dựng những công trình thừa thãi, lấy tiếng là để phục vụ học sinh. Ở nơi kia người khác tiết kiệm, dành dụm những món tiền lẻ, góp nhặt để xây trường cho các em bé có chỗ học.
Tôi chợt ước ao một điều không tưởng, rằng món tiền lớn kia được chảy sang mục đích của món tiền được tiêu thật đúng mức, đúng chỗ, biết xót ruột và biết tiết kiệm này... để xoá đi những “lớp học há mồm” (mà nếu không tận mắt nhìn thấy thì người ta không tin rằng đến giờ nó vẫn tồn tại, thậm chí không hề hiếm gặp!)./.