Nhân ngày lễ của các nhà giáo VN: Quốc gia khẩn thiết cần học chữ “Lễ“

VOV.VN - Với bản thân từng người, trước tiên, nếu không “tu thân” thì chẳng thể học chữ “lễ” để mà có “lễ”...

Chữ "lễ" là một trong những chữ thuộc phạm trù đạo đức phong kiến Nho giáo trong “ngũ thường”: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Trong cuộc sống hằng ngày, ta thường nói đến lễ phép, lễ nghi, tức là biết xử sự, tôn trọng nhau như người biết phép tắc, có văn hóa, có đạo đức truyền thống.

Vài năm trở lại đây, mở mắt ra là đã có những thông tin, chẳng phải đâu xa, ở ngay bên cạnh mình, toàn những thông tin xấu, tin đen: quan chức này tham nhũng tiền tỉ, quan chức kia lừa trên dối dưới không minh bạch bằng cấp học vị, giáo sư  tiến sĩ này “đạo” văn, nghê sĩ nọ “đạo” tác phẩm… Nào là học trò đánh thầy, nào là bạo lực trẻ em, nào là “người của công chúng” khoe “hàng”, nào là chuyện mang nhau ra truyền thông chửi bới mắng nhiếc nhau…

Và những chuyện bi hài vô văn hóa nhan nhản trong các lễ hội… Tất cả chung quy một chữ “lễ”.

Tại sao chữ “lễ” thời hiện tại lại thành xa xỉ?

Nhưng chữ “lễ” không chỉ là lễ phép, lễ nghi, mà sâu xa hơn chính là mọi người phải biết tuân thủ các phép tắc, biết chấp hành các kỷ cương-trật tự- bổn phận để sống sao cho hợp với lẽ trời đất, xã hội, cộng đồng, gia đình, bè bạn. Nó là quy phạm, tư tưởng, hành vi của con người đối với mọi mối quan hệ xã hội và thiên nhiên, nhằm bảo vệ quyền con người và trật tự cộng đồng xã hội, giữ gìn sự phát triển hài hòa của xã hội và thiên nhiên, giúp cho quyền lợi và nghĩa vụ của cá nhân và tập thể cũng tồn tại và phát triển, làm cơ sở hình thành một xã hội văn minh, hạnh phúc.

Chữ “lễ” trong thời hiện tại thành xa xỉ. Có lẽ chữ “lễ” thời này không còn được coi trọng, thiếu vắng trong mọi sinh hoạt cộng đồng, trong xã hội, trong gia đình, và từng cá nhân, nên trở thành một thứ xa xỉ. Bởi không có ý thức về “lễ” nên con người hành xử như những người vô phép tắc, quy chuẩn, nôm na là “loạn”. Mà hiện tại thì có thể nói là “đại loạn”, loạn ở khắp hang cùng ngõ hẻm, loạn cả trong chính bản thân con người. Bất cứ lên rừng, xuống biển, trên trời, dưới đất đều có những “tặc”- giặc: lâm tặc phá rừng, hải tặc cướp thuyền bè tôm cá, không tặc với những màn “đấu võ”, “sàm sỡ”, “đe dọa khủng bố” trên máy bay, “vàng tặc” ở các mỏ vàng, mỏ đá quý…

Ngay cả ở những nơi tưởng chừng văn minh nhất thì cũng lộ ra những điều thất “lễ” nhất. Ở các đô thị lớn thì xem chuyện an toàn giao thông là chuyện nhỏ, cứ việc đua xe, lạng lách, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, hành hung cảnh sát, chèn ép người đi đường, nhồi nhét người vào xe khách, trộm cắp vặt trên xe bus… Những nam thanh nữ tú thì tham dự các lễ hội cứ y như người vô học, hành xử như những kẻ du thủ du thực: bẻ hoa, cướp hoa, giẫm đạp lên cỏ, xả rác, nói tục, chửi bậy… Chốn công cộng mà hành xử như chốn riêng tư không kiêng dè ai hết.

Trường học nào cũng có khẩu hiệu ở từng lớp: “Tiên học lễ, hậu học văn”, nhưng xem chừng chỉ là khẩu hiệu suông, trang trí cho đẹp mắt. Chứ chữ “lễ” trong trường đã bị tứ tán đâu hết. Thầy đánh trò, trò hành hung cô, học trò đâm chém nhau, thầy gạ tình lấy điểm, trò gian lận thi cử… Học đường trở thành môi trường bạo lực hỗn loạn.

Khẩu hiệu “Lương y như từ mẫu” hay “lời thề Hypocrat” về y đức không có chữ “lễ” nên mới có “loạn” phong bì, bao thư, mới có những bác sĩ vô lương tâm xem thường tính mạng của người bệnh, để bệnh nhân chết tức tưởi…

Giới tưởng chừng nhiều văn hóa nhất, tưởng như có “lễ” nhất, thì cũng là nơi “thị phi” nhiều nhất. Chuyện các vị giáo sư, tiến sĩ, văn nghệ sĩ “đạo” tác phẩm của nhau, copy ý tưởng, không chỉ gian lận, nhập nhằng trong chuyện học hàm học vị mà còn kiếm tìm danh lợi bằng sự lừa dối công chúng, như chuyện thường ngày, không còn là tin gây “sốc”.

Không được học chữ “lễ” một cách nghiêm túc, đến nơi đến chốn, nên ở rất nhiều sự kiện văn hóa tầm quốc gia, những đại diện tinh tú cho “vẻ đẹp, tài năng” của Việt Nam, những “chân dài”, “siêu mẫu”, hoa hậu, ca sĩ… thi nhau “khoe”, “lộ”, “hở”, “tụt”… thậm chí còn “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” không chỉ ở hậu trường sân khấu mà còn cả “võ mồm” lăng mạ nhau trên truyền thông…

Bởi thiếu “lễ” nên mặc dù giữ trọng trách thể diện quốc gia, người ta vẫn có thể trở thành dối trên gạt dưới, là kẻ cắp công quĩ, rút ruột công trình quốc gia để đánh bạc hay làm giàu bất chính. Công chức thiếu “lễ” nên lấy “hành”người dân là chính chứ không phải “công bộc” của dân..

Cán bộ quản lý nhà nước không giữ “lễ” nên xem việc giả mạo văn bằng chứng chỉ học vị để tại vị hay thăng chức như chuyện bình thường, đương nhiên phải thế, không biết ngượng, xấu hổ. Và nhìn tới đâu, bất cứ chỗ nào, ngành nào, giai tầng địa vị xã hội nào cũng thấy thiếu “lễ” trầm trọng.

Thiếu “lễ”, quan hệ cộng đồng bất an, gia đình bất hòa, xã hội bất ổn, dễ phạm tội, dễ bán mình… Và cũng chỉ là một khoảng cách nhỏ để quay lưng lại với dân tộc, với đất nước.

Thượng bất chính, hạ tắc loạn

Vì sao “lễ” lại thiếu trầm trọng ở mọi lúc mọi nơi? Có người đổ tại nền kinh tế thị trường đã làm con người giàu lên nhanh, tiếp cận vật chất xa hoa xa xỉ nên đã không giữ mình, nhiều trật tự xã hội, đạo đức luân lý bị đảo lộn. Có người nói tại mấy lý thuyết như: công nghệ cao, toàn cầu hóa, thế giới phẳng… đã du nhập vào Việt Nam, nhưng bản thân người Việt chưa đủ tâm thế và tầm để tiếp cận, tiếp nhận, nên lẫn lộn các giá trị thực- ảo, dẫn đến việc thiếu “lễ” trong hành xử, hành vi.

Người xưa đã từng kết luận: “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, hay “nhà dột từ nóc”… Và nhìn thẳng, nhìn thật vào vấn đề, có thể nhìn thấy thiếu “lễ” xuất phát từ đâu. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, đánh giá một trong những nguy cơ thách thức của đất nước ta hiện nay là: “Tình trạng tham nhũng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng. Nạn tham nhũng kéo dài trong bộ máy của hệ thống chính trị và trong nhiều tổ chức kinh tế là một nguy cơ lớn đe doạ sự sống còn của chế độ ta”.

Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, giáo điều, bảo thủ, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức còn diễn ra nghiêm trọng”.

Báo cáo chính trị Đại hội Đảng lần thứ XI lại nhấn mạnh: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước”.

Cũng  trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI nêu đích danh: “Văn hóa phát triển chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế. Quản lý văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản còn thiếu chặt chẽ. Môi trường văn hóa bị xâm hại, lai căng, thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục, các tệ nạn xã hội, tội phạm và sự xâm nhập của các sản phẩm và dịch vụ độc hại làm suy đồi đạo đức, nhất là trong thanh, thiếu niên, rất đáng lo ngại”.

Ảnh minh họa: Internet

Và về giáo dục, nơi “Tiên học lễ” thì: “Quản lý nhà nước về giáo dục còn bất cập. Xu hướng thương mại hóa và sa sút đạo đức trong giáo dục khắc phục còn chậm, hiệu quả thấp, đang trở thành nỗi bức xúc của xã hội.”- Trích văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI.

Và trong nhiều nguyên nhân để dẫn đến sự thiếu “lễ” ở mọi lúc, mọi nơi, mọi thành phần, giai tầng, chính là thiếu sự nghiêm minh của luật pháp. Luật thiếu và yếu, không cập nhật kịp với sự phát triển của xã hội, cũng như luôn chạy theo những gì đã diễn ra để làm luật mà không phải tiên đoán trưóc để xây dựng bộ luật hoàn chỉnh. Chế tài của luật pháp lại không đủ sức răn đe, công lý lại luôn bị xâm phạm bất bình đẳng, minh bạch.

Cho dù khẩu hiệu giăng khắp nơi như một slogan cảnh báo mọi công dân Việt Nam: ”Sống, làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật”, những chuyện vi phạm pháp luật xảy ra thường xuyên đến nỗi trở thành một thành tố không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.

Học “lễ” như thế nào?

Vâng, người xưa nói: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” có thể lạc hậu vì đó là cách học “lễ” của người xưa, theo Nho giáo, cho dù với thời nay, ở mặt nào đó nó vẫn có ý nghĩa tích cực dùng để “răn” những người có trọng trách với quốc gia, với nhân dân và cộng đồng xã hội.

Ở thời điểm hiện tại, khẩu hiệu được tất cả mọi ngưòi đang hướng tới: “Học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chính là một cách học “lễ” thiết thực nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản về những bài học đạo đức, cái gốc của chữ “lễ”.

Trong di chúc của Bác Hồ, khi nói đến đảng viên: ”Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Với học sinh, không ai đi học mà không nhớ “5 điều Bác Hồ dạy”. Với công chức nhà nước, 8 chữ Bác để lại là bài học suốt đời “tu thân” để phục vụ nhân dân, phục vụ quốc gia, đất nước: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công, Vô tư”.

Hay với ngành Công an nhân dân, Bác có 6 điều dạy: Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tụy. Đối với địch, phải cương quyết khôn khéo”.

Và trong quân đội, không quân nhân nào lại không nhớ nằm lòng “10 lời thề danh dự” và học theo những chữ Bác trao tặng Quân đội Nhân dân Việt Nam: “Trung với Đảng. Hiếu với dân. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Khó khăn nào cũng vượt qua. Kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

“Tiên học lễ”, nếu chữ “lễ” được hiểu thấu đáo, được mọi người tôn trọng và tuân thủ đúng “phép” thì có lẽ không còn những gì hiện đang diễn ra hàng ngày làm “đại loạn” xã hội, phá hoại sự bình yên cuộc sống, luân thường đạo lý đảo lộn…

Nhưng đó cũng chỉ là một ước mơ có phần lạc quan trong ảo tưởng. Bởi hiện tại, vấn đề này dù có được nêu ra, phản ảnh, nhưng cũng chỉ là lý thuyết. Chưa có một chiến lược gia nào, hay một nhà nghiên cứu xã hội học, đạo đức học…nào đưa vấn đề trở thành cấp bách để điều chỉnh, để thực thi một cách cụ thể, nhằm đưa “lễ” vào đúng vị trí của nó.

Và trên hết, với chính bản thân từng người, trước tiên, nếu không “tu thân” thì chẳng thể học chữ “lễ” để mà có “lễ”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên