Nỗi buồn hồ Gươm
VOV.VN - Thói quen xả rác của nhiều người đã khiến hồ Gươm càng trở nên ô nhiễm hơn
Nơi làm việc chỉ cách Hồ Gươm chừng 5 phút đi bộ, nhưng phải đến 15 năm nay, tôi mới lại có dịp tản bộ quanh hồ. Nói thì nghe buồn cười nhưng đấy là sự thật.
Cái hồ chỉ rộng chừng 12 hecta này, vốn trước đây là nơi câu cá, nghỉ nhàn của các bậc đế vương, được coi là trái tim, là lá phổi xanh của Thủ đô, gắn với nhiều truyền thuyết. Cái tên Lục Thủy xa xưa dường như đã gói trọn vẻ đẹp và sự thanh khiết cũng trở nên rất xa xưa của hồ.
ảnh: Vũ Hưng |
Trong những năm gần đây, hồ và khu phố cổ phụ cận trở thành điểm đến không thể thiếu trong lịch trình du lịch Việt Nam của nhiều du khách nước ngoài. Tuy nhiên, với tôi, hồ lại là những kỷ niệm của thời thơ ấu và những lo âu không tên.
Khi khoảng 4-5 tuổi, tôi thường được bố mẹ đưa đến hồ chơi, được mua bóng bay, được ăn kem Tràng Tiền... Lúc đó hồ yên tĩnh lắm, có lẽ tiếng động to nhất là tiếng chuông tàu điện leng keng. Thế nhưng, bây giờ, sự yên tĩnh đã trở thành thứ hàng xa xỉ chỉ còn trong quá vãng.
Lúc tôi đến bờ hồ là đúng giờ nghỉ trưa, lẽ ra phải yên tĩnh vì mọi người còn ăn trưa, nhưng tràn ngập không gian là âm thanh từ hàng ngàn ô tô, xe máy, nườm nượp quanh hồ, nuốt chửng cả tiếng rao nhỏ nhoi của cô hàng hoa, chú bé bán đồ lưu niệm cho du khách… Còn mặt hồ vẫn xanh biếc một màu trầm mặc, nhưng nào là rác rến, túi ni lông ngập đầy. Lẫn trong đó, tôi còn thấy nhiều thứ mang đầy tính y tế nhưng lại khiến người ta liên tưởng tới đủ thứ tệ nạn như: bơm kim tiêm và cả… bao cao su.
ảnh: Văn Kiệm |
Có lẽ chỉ có những bồn hoa được chút ít chăm bẵm là còn gượng gạo khoe sắc như cố làm đẹp được chút nào hay chút ấy cho cảnh hồ. Không còn cái không khí ngọt ngào ngày xưa, mà thay vào đó là mùi khói xe và mùi đặc trưng của các đô thị quá tải. Ô nhiễm đến mức người ta phải lập hẳn một dự án cải lớn tạo môi trường và để cứu rùa Hồ Gươm – loài rùa có tên khoa học là Trionychidae - Rafetus vietnamensis, được coi là có liên quan đến truyền thuyết vua Lê Lợi trả lại gươm thần cho rùa vàng và được người Hà Nội tôn kính gọi là Cụ Rùa.
Người ta đưa ra nhiều lý do lý giải cho sự ô nhiễm, nhưng theo tôi chỉ có hai lý do chính đó là ý thức của người dân về bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và tốc độ đô thị hóa kèm theo gia tăng dân số quá nhanh hiện nay.
Người Hà Nội được tiếng là thanh lịch nhưng thói quen xả rác thì thật đáng xấu hổ. Nếu mỗi người chỉ cần một ngày ném xuống hồ 1 cái vỏ kẹo hoặc tàn thuốc lá thì có lẽ chỉ vài năm là Hồ Gươm – trái tim của Thủ đô sẽ thành cái bãi rác giữa trung tâm thành phố.
Khi người Pháp xây dựng Hà Nội thì họ chỉ quy hoạch cho khoảng 150.000 đến 200.000 dân, nhưng nay, dân số Hà Nội đã là hơn 7.100.000 người. Đó là còn chưa kể tới hàng triệu người ngoại tỉnh hàng ngày đến Hà Nội buôn bán sinh nhai mà Hồ Gươm và khu vực phụ cận được coi là “đất thánh” thì sự hỗn tạp đã vượt khỏi tầm kiểm soát.
La cà một hồi tôi được các bà hàng nước kể cho nghe một chuyện đáng suy ngẫm. Số là, trong 2 năm trở lại đây, bất kể ngày mưa hay ngày nắng, cứ vào 8h sáng chủ nhật hàng tuần, có 1 nhóm tình nguyện viên tập trung để nhặt rác xung quanh Hồ. Bắt đầu từ 8h sáng, kết thúc vào 8h30, chỉ với 30 phút một tuần, các bạn trẻ này đang góp phần làm cho bộ mặt của hồ Hoàn Kiếm nói riêng và thủ đô Hà Nội nói chung trở nên sạch đẹp hơn. Điều đáng chú ý là người khởi xướng và đứng đầu nhóm này lại là một người Nhật Bản tên là Toru Ninomiya.
Thế đấy, một vị khách nước ngoài chả có liên quan gì lại nghĩ ra, thực hiện và lôi cuốn người khác thực hiện điều mà nếu mỗi người Hà Nội chỉ cần có ý thức một chút thì đã chẳng cần phải làm. “Giữa ngàn vạn cái vô tâm thì một chút hữu ý dù nhỏ nhoi cũng trở nên cao cả khác thường…”. Triết lý này có vẻ hơi khiên cưỡng nhưng trong câu chuyện nhặt rác Hồ Gươm thì hoàn toàn đúng.
Nhân nói đến người Nhật Bản tôi sực nhớ ra một dự án cũng liên quan đến Nhật Bản và rác. Đó là Sáng kiến 3R (Reduce- Reuse- Recycle- Giảm thiểu- Tái sử dụng- Tái chế) được tiến hành từ năm 2007 đến năm 2009. Dự án này nhận được sự hổ trợ tài chính tới 3 triệu đô la Mỹ từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Ấy vậy mà hầu như không mang lại kết quả gì. Chỉ được một thời gian rồi mọi thứ vẫn đâu vào đấy, rác vẫn lẫn lộn, không được phân loại. Thậm chí nếu người ta không kịp mang ra xe rác thì cứ… vứt tạm đâu đấy rồi tính sau!
Đồng hồ trên nóc Bưu điện Trung tâm điểm 1h trưa. Tôi phải quay về cơ quan làm việc. Tôi đi chậm chậm trong tiếng ồn của động cơ, trong khí bụi, nghe trong lòng mình là một nỗi buồn khó tả, sự xấu hổ và cả sự tiếc nuối về những ngày xưa yêu dấu…