Phụ huynh học sinh cũng phải thay đổi
VOV.VN - Đừng đua nhau tạo thành lệ đưa "phong bì" cho giáo viên
Một cô gần đó cũng chen vào: “Vấn đề còn là mình làm luận văn thế nào chứ, làm không đạt đương nhiên phải sửa. Hôm nọ tớ cũng “đi” phong bì kẹp vào bản nháp luận văn nhờ thày sửa, ra đến cổng trường rồi còn bị thày gọi lại trả, ngượng chín cả người”.
Mọi người ồ lên: “Thế à, thày nào đấy, có nhẽ đâu lại thế? Hay là đưa không khéo thày giận ?”.
Chuyện về cái phong bì xuất hiện ở mọi cấp học. Một bà mẹ kể, khi chị đưa cái thiệp in hoa chúc mừng Nhà giáo Việt Nam cho đứa con đang học lớp 2 để cháu viết lời chúc mừng cô giáo, thì cậu bé hỏi: “Thế tiền đâu mẹ?”
Nhưng chuyện này đâu phải cá biệt. Hàng hoa ở cổng trường gần ngày 20/11, mấy cô bán hoa rất hay mau mắn “tư vấn” cho các bậc phụ huynh: Mua bó hoa này vừa tiền, đằng nào cũng kèm phong bì (!).
Con gái tôi, đang học lớp 6, kể: “Sắp đến sinh nhật cô giáo, lớp con các bạn bàn nhau chuẩn bị quà tặng cô. Có 2 bạn đưa ra ý kiến là tặng cô tiền, còn các bạn khác phản đối. Các bạn bảo: Dở hơi mà lại tặng cô tiền! 2 bạn kia bảo: Không tặng cô tiền mới là đồ dở hơi!”
Trẻ con đâu tự nghĩ được ra những điều ấy. Chúng bị ảnh hưởng từ người lớn. Rồi quan niệm “phải có phong bì”, nghĩa là đút lót tiền, sẽ làm mất đi sự tôn quý, lòng tin với các thày cô giáo. Thày cô không còn là tấm gương để bọn trẻ soi vào. Mất đi những điều ấy, thày có còn là thày, có dạy được trò nữa không ?
Nếu kết tội cái phong bì làm “đen” học đường thì trách nhiệm không thể không quy cho cha mẹ học sinh (nhỏ tuổi) hay các học viên (trên 18 tuổi)- những người vì muốn được ưu đãi vô lý, muốn mưu cầu lợi lộc, thậm chí muốn điều khiển quyết định của thày cô… nên mới sinh ra cái phong bì.
Làm thày lúc nào cũng khó chứ chẳng phải chỉ thời nay. Thử hình dung một cô giáo dạy lớp 1, đón nhận trung bình khoảng 50 em bé vừa qua tuổi mẫu giáo. Cô phải dạy dỗ các con để chúng quen với việc đi học, rồi dạy từng nét chữ đầu tiên, từng phép toán cộng trừ đầu tiên… Không đơn giản một chút nào!
Ngoài thời gian lên lớp, giáo viên còn phải soạn bài, chấm bài. Với học sinh cấp 2, cấp 3, cô giáo nào hay kiểm tra, học sinh cho là “hắc xì dầu”, và thường thì không thích. Nhưng xét cho cùng, giáo viên như thế phải rất có tâm. Vì muốn kiểm tra học sinh thì phải chuẩn bị ra đề, làm đáp án, rồi phải chấm bài, công phu lắm.
Nhưng nghề giáo bây giờ là một nghề chịu nhiều áp lực hơn trước. Áp lực từ phía học sinh, từ phía cha mẹ học sinh, từ các cán bộ quản lý, từ xã hội... Nhiều bậc cha mẹ bận rộn, sự quan tâm dành cho con cái chỉ là đáp ứng những nhu cầu vật chất, còn phó mặc cho nhà trường. Và vì thế, con hư, con học dốt, đều tại thày cô tất!
Đó, bao nhiêu cái khó rồi, thêm chuyện cái phong bì cho thêm khó!.
Chỉ nhìn vào những cái khó đó, có người đâm chán nghề. Nhưng nghề giáo cũng có những điều rất tuyệt vời, như chia sẻ của Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu- giảng viên khoa tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm TP HCM. Thày Hiếu cho rằng đây là một nghề hấp dẫn bởi có những niềm vui mà không nghề nào có được. Đó là niềm vui khi tiếp xúc với học sinh, được nhìn thấy sự trưởng thành qua từng ngày của các em. Những tiến bộ, những lời cảm ơn, những ảnh mắt, tình cảm thân thương của các em là những giá trị mà khồn tiền bạc nào mua được, là sự giàu có trong tâm hồn không nghề nào có được.
Nhưng dĩ nhiên, muốn người ta làm tốt nghề thì cũng phải làm sao để người ta sống được với nghề, chứ không thể hô hào suông về sự hy sinh cho một nghề cao quý. Sự thay đổi đòi hỏi ở những chính sách tầm vĩ mô, để đời sống của thày cô được đảm bảo. Đổi mới giáo dục, đổi mới trường lớp, đổi mới người thày, đổi mới cách dạy và học… nhưng phụ huynh học sinh lẽ nào không cần đổi mới? Những chiếc phong bì phải bị triệt tiêu để chúng không thể làm méo mó chân dung người thày./.